04 loại giấy tờ xuất nhập cảnh
Theo quy định của pháp luật thì giấy tờ xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam gồm những loại giấy tờ nào? Các loại giấy tờ xuất nhập cảnh có thời hạn bao lâu? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Xuất cảnh là gì? Nhập cảnh là gì?
Căn cứ quy định tại Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 thì xuất cảnh là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam; còn nhập cảnh là việc công dân Việt Nam từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
Việc xuất cảnh, nhập cảnh phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho công dân Việt Nam; chặt chẽ, thống nhất trong quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
- Bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh.
- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
04 loại giấy tờ xuất nhập cảnh
Căn cứ Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 thì giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm:
- Hộ chiếu ngoại giao;
- Hộ chiếu công vụ;
- Hộ chiếu phổ thông;
- Giấy thông hành (là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam để qua lại biên giới theo điều ước quốc tế giữa Việt Nam với nước có chung đường biên giới)
Hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Hộ chiếu không gắn chíp điện tử được cấp cho công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi hoặc cấp theo thủ tục rút gọn.
Thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm:
- Ảnh chân dung;
- Họ, chữ đệm và tên;
- Ngày, tháng, năm sinh;
- Giới tính;
- Quốc tịch;
- Ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh;
- Ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp;
- Ngày, tháng, năm hết hạn;
- Số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân;
- Chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại.
Giấy tờ xuất nhập cảnh có thời hạn bao lâu?
Căn cứ quy định tại Điều 7 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 và Điều 3 Thông tư 04/2020/TT-BNG thì thời hạn của từng loại giấy tờ xuất nhập cảnh, cụ thể như sau:
♣ Thời hạn của hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ:
Thời hạn của hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cấp trong trường hợp bị hỏng hoặc mất khi đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 có giá trị 01 năm; thời hạn của hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cấp trong trường hợp hộ chiếu hết trang hoặc gia hạn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 không dài hơn thời hạn của hộ chiếu cũ và tối thiểu là 01 năm.
Thời hạn của hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cấp cho người có thay đổi về chức vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 không dài hơn thời hạn của hộ chiếu cũ và tối thiểu là 01 năm.
Thời hạn của hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cấp, gia hạn cho người quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 không dài hơn thời hạn hộ chiếu của người mà người đó đi theo, đi thăm và tối thiểu là 01 năm.
♣ Thời hạn của hộ chiếu phổ thông được quy định như sau:
- Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn;
- Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm và không được gia hạn;
- Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
♣ Giấy thông hành có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
>>Xem thêm: Thủ tục cấp lại giấy phép xuất nhập cảnh theo quy định hiện nay
Trên đây là bài viết về: 04 loại giấy tờ xuất nhập cảnh. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch theo quy định
Cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch thuộc về cơ quan nào? Nhưng vấn đề cần lưu ý khi đăng ký hộ tịch như sau: Các [...]
Những trường hợp cá nhân kinh doanh không đăng ký kinh doanh
Những trường hợp nào cho phép cá nhân kinh doanh không đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện nay? Cùng Lawkey tìm [...]