05 trường hợp bị cáo được trả tự do tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Khi nào thì bị cáo được trả tự do tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Khi nào bị cáo được trả tự do tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự?
Theo Điều 328 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì trong các trường hợp sau đây, Hội đồng xét xử phải tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo đang bị tạm giam, nếu họ không bị tạm giam về một tội phạm khác:
- Bị cáo không có tội;
- Bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự hoặc được miễn hình phạt;
- Bị cáo bị xử phạt bằng hình phạt không phải là hình phạt tù;
- Bị cáo bị xử phạt tù nhưng được hưởng án treo;
- Thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam.
Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
♣ Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:
- Đưa vụ án ra xét xử;
- Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
- Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.
Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.
♣ Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 kể từ ngày Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án.
♣ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.
Quy định về sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Quy định về sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
♣ Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
♣ Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:
Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;
Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;
Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
>>Xem thêm: Những việc Điều tra viên không được làm
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Mức đóng bảo hiểm xã hội mới nhất năm 2019 theo quy định pháp luật
Với những thay đổi về chính sách tiền lương, kể từ ngày 1/7/2019 mức lương cơ sở sẽ tăng lên là 1.490.000 đồng. Theo [...]
Điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định pháp luật
Khi kinh doanh bất động sản, chủ thể kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh bất động sản bao gồm điều kiện [...]