08 lầm tưởng về trách nhiệm của người làm từ thiện
Từ thiện là một hành động giúp đỡ, chia sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn xuất phát từ tấm lòng nhân ái của con người. Sau đây LawKey xin nêu ra 08 lầm tưởng về trách nhiệm của người làm từ thiện cần lưu ý.
Có phải ai cũng có quyền kêu gọi từ thiện?
Theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào có quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ, ngoài các tổ chức được cho phép sau: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các cấp ở địa phương; Báo, đài của Trung ương, địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định,…
Tuy nhiên, Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định các cá nhân, tổ chức có thể ủy quyền cho cá nhân khác thực hiện công việc nhất định, bao gồm việc từ thiện. Theo đó, cá nhân có thể tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận về việc từ thiện, chỉ cần không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Mặc dù chưa có sự thống nhất về luật giữa Nghị định 64 và Bộ luật Dân sự năm 2015 nhưng việc thực hiện theo quy định pháp luật mới nhất. Như vậy, cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và tổ chức có đủ tư cách pháp nhân hoàn toàn có thể nhận ủy quyền, nhận tiền để làm từ thiện.
Người làm từ thiện được phép giữ bí mật về số tiền ủng hộ?
Người làm từ thiện có quyền giữ bí mật về số tiền ủng hộ.
Xét về pháp lý, mối quan hệ giữa người làm từ thiện và người ủng hộ là quan hệ ủy quyền. Khoản 4 Điều 565 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, bên được ủy quyền (người làm từ thiện) có thể giữ bí mật về thông tin, bao gồm cả số tiền từ thiện với những người không liên quan. Họ chỉ có nghĩa vụ công khai nếu người ủng hộ yêu cầu.
Các cá nhân làm từ thiện nếu có hành vi gian dối số tiền ủng hộ nếu bị phát hiện, người làm từ thiện sẽ bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Nếu không trao hết tiền ủng hộ, người làm từ thiện có thể giữ lại để làm việc từ thiện khác?
Khoản 1 Điều 565 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, người làm từ thiện phải thực hiện công việc theo ủy quyền. Nghĩa là, họ phải trao đủ tiền ủng hộ cho đúng người cần giúp đỡ như thỏa thuận.
Nếu sử dụng tiền không đúng mục đích, người ủng hộ có quyền yêu cầu giao lại tài sản, theo Khoản 2 Điều 568 Bộ luật Dân sự 2015.
Như vậy, trường hợp không trao hết tiền cho những người cần giúp đỡ, người làm từ thiện phải báo cáo cho người ủng hộ. Họ chỉ được phép giữ lại tiền thừa để làm công việc từ thiện khác khi có sự đồng ý của người quyên góp.
Nhận tiền ủng hộ nhưng không thể thực hiện vì lý do bất khả kháng. Đó không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Nhận định này đúng hay sai?
Nhận định này là đúng.
Nếu người làm từ thiện không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, theo Khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015.
Pháp luật quy định, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể tiên liệu và khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong điều kiện và khả năng cho phép (lũ lụt, động đất, núi lửa, chiến tranh,…).
Theo đó, trường hợp nhận tiền ủng hộ nhưng không thể thực hiện công việc từ thiện như lời kêu gọi vì sự kiện bất khả kháng thì không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi không thể thực hiện công việc như thỏa thuận, người làm từ thiện phải báo cáo tình hình cho những người quyên góp.
Ai cũng có quyền yêu cầu người từ thiện sao kê, giải trình thu chi?
Khoản 1 Điều 568 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, bên được ủy quyền (người làm từ thiện) chỉ có nghĩa vụ báo cáo đối với bên ủy quyền (người ủng hộ) và ngược lại, chỉ người ủng hộ mới có quyền yêu cầu người làm từ thiện báo cáo về công việc đó.
Như vậy, không phải ai cũng có quyền yêu cầu người làm từ thiện phải sao kê, giải trình các khoản thu chi. Chỉ những người gửi tiền ủng hộ mới có quyền yêu cầu người từ thiện làm việc này. Đồng thời, người làm từ thiện chỉ có nghĩa vụ sao kê, báo cáo về các khoản thu chi cho những người quyên góp.
Nếu người từ thiện không sao kê, người ủng hộ tiền được phép lên tiếng chỉ trích trên mạng xã hội?
Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định, bất cứ ai cũng có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình, bao gồm cả việc chỉ trích, phê phán những việc làm sai trái.
Tuy nhiên, việc chỉ trích người khác trên mạng xã hội cần phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quyền nhân thân, danh dự, uy tín, nhân phẩm, không đưa những thông tin sai sự thật mang tính chất vu khống, bôi nhọ, làm nhục người khác.
Nếu người làm từ thiện không minh bạch, người ủng hộ tiền có quyền kiện?
Trường hợp nghi ngờ việc từ thiện không minh bạch, người ủng hộ tiền có quyền yêu cầu làm rõ. Nếu người làm từ thiện không thực hiện được thì có thể coi đó là hành vi vi phạm hợp đồng ủy quyền, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người ủng hộ tiền.
Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại tòa có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo đó, người ủng hộ hoàn toàn có thể khởi kiện người làm từ thiện nếu việc làm này không minh bạch.
Mọi hành vi xúc phạm, bôi nhọ người làm từ thiện đều vi phạm pháp luật?
Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, theo Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013.
Mọi hành vi xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người làm từ thiện đều là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.
Về xử phạt, bất kỳ ai có cử chỉ, lời nói, hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người làm từ thiện trên mạng xã hội đều bị xử phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Trường hợp xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác,hoặc bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật về người từ thiện sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại BLHS 2015 SĐ, BS 2017.
Trên đây là bài viết về 08 lầm tưởng về trách nhiệm của người làm từ thiện Lawkey gửi tới bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.
Cách xử lý khi cùng bạn gái vào nhà nghỉ bị nghi là mua bán dâm
Trường hợp cùng người yêu vào nhà nghỉ để quan hệ. Nếu lúc đó cơ quan công an kiểm tra nhà nghỉ có bị xử phạt về [...]
Thủ tục huỷ bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Biện pháp khẩn cấp tạm thời được huỷ bỏ áp dụng trong một số trường hợp nhất định. Dưới đây là thủ tục huỷ [...]