Quy định về hành vi xâm phạm thiết kế bố trí
Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (thiết kế bố trí) là một đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ và mọi cá nhân, tổ chức khi có đủ điều kiện đều được bảo hộ. Từ đó, nhiều hành vi xâm phạm đến quyền của chủ sở hữu đối tượng này đã xảy ra. Vậy, hành vi nào được coi là xâm phạm quyền đối với thiết kế bố trí?
Các hành vi xâm phạm quyền đối với thiết kế bố trí
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định hành vi xâm phạm quyền đối với thiết kế bố trí tại Điều 126, theo đó, các hành vi bị coi là xâm phạm quyền đối với thiết kế bố trí gồm:
– Sử dụng thiết kế bố trí được bảo hộ trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
– Sử dụng thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời.
Quyền tạm thời quy định:
– Trường hợp người nộp đơn đăng ký thiết kế bố trí biết rằng thiết kế bố trí đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng.
– Đối với thiết kế bố trí đã được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại trước ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nếu người có quyền đăng ký biết rằng thiết kế bố trí đó đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại thì người đó có quyền thông báo bằng văn bản về quyền đăng ký của mình đối với thiết kế bố trí đó cho người sử dụng để người đó chấm dứt việc sử dụng thiết kế bố trí hoặc tiếp tục sử dụng.
– Trong trường hợp đã được thông báo như trên mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng thì khi Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được cấp, chủ sở hữu thiết kế bố trí có quyền yêu cầu người đã sử dụng thiết kế bố trí phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng thiết kế bố trí đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.
Căn cứ xác định hành vi xâm phạm
Nghị định 105/2006/NĐ-CP đã quy định căn cứ xác định hành vi xâm phạm. Theo đó, Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm khi có đủ các căn cứ sau đây:
– Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
– Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
– Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các trường hợp ngoại lệ.
– Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
Các yếu tố xâm phạm quyền đối với thiết kế bố trí
Yếu tố xâm phạm quyền đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) có thể thuộc một trong các dạng sau đây:
– Thiết kế bố trí được tạo ra do sao chép trái phép thiết kế bố trí được bảo hộ;
– Mạch tích hợp bán dẫn được tạo ra một cách trái phép theo thiết kế bố trí được bảo hộ;
– Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) sản phẩm gắn mạch tích hợp bán dẫn quy định tại điểm b khoản này.
Căn cứ xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với thiết kế bố trí là phạm vi bảo hộ quyền đối với thiết kế bố trí được xác định theo Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.
Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã quy định trường hợp giới hạn quyền sở hữu đối với thiết kế bố trí
Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả thiết kế bố trí
Chủ sở hữu thiết kế bố trí có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả theo quy định của pháp luật dưới đây, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu phải trả cho tác giả được quy định như sau:
– 10% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu thu được do sử dụng thiết kế bố trí;
– 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng thiết kế bố trí.
Trong trường hợp thiết kế bố trí được nhiều tác giả tạo ra, mức thù lao quy định nêu trên là mức dành cho tất cả các đồng tác giả; các đồng tác giả tự thoả thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu chi trả.
Lưu ý, nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả thiết kế bố trí tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ của thiết kế bố trí.
Trên đây là nội dung Lawkey đưa đến bạn đọc. Để biết thêm thông tin chi tiết, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.
Xem thêm: Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn theo pháp luật sở hữu trí tuệ
Nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể
Nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể là hai đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp và được quy định bởi [...]
Nguyên tắc ưu tiên khi xét đơn yêu cầu bảo hộ
Quyền ưu tiên sẽ được áp dụng khi có ít nhất 2 đơn cùng đăng kí để bảo hộ cho cùng một đối tượng nhất định [...]