Sự tương tự gây nhầm lẫn của nhãn hiệu
Không phải nhãn hiệu nào khi nộp đơn đăng ký cũng được bảo hộ. Một trong số những lý do là sự tương tự gây nhầm lẫn của nhãn hiệu xin đăng ký với nhãn hiệu đã được bảo hộ. Vậy pháp luật quy định thế nào về việc đánh giá sự tương tự gây nhầm lẫn của nhãn hiệu?
Quy định về sự tương tự đến mức gây nhầm lẫn của dấu hiệu yêu cầu đăng ký với nhãn hiệu khác
Để đánh giá dấu hiệu yêu cầu đăng ký nêu trong đơn có trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu khác ( nhãn hiệu đối chứng) hay không, cần phải so sánh về cấu trúc, nội dung, cách phát âm (đối với dấu hiệu chữ), ý nghĩa và hình thức thể hiện của dấu hiệu (đối với cả dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình), đồng thời phải tiến hành so sánh hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đối chứng.
Dấu hiệu trùng với nhãn hiệu đối chứng: dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu đối chứng nếu dấu hiệu đó giống hệt nhãn hiệu đối chứng về cấu trúc, nội dung, ý nghĩa và hình thức thể hiện.
Dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng nếu:
– Dấu hiệu đó gần giống với nhãn hiệu đối chứng về cấu trúc hoặc/và nội dung hoặc/và cách phát âm hoặc/và ý nghĩa hoặc/và hình thức thể hiện đến mức làm cho người tiêu dùng tưởng lầm rằng hai đối tượng đó là một hoặc đối tượng này là biến thể của đối tượng kia hoặc hai đối tượng đó có cùng một nguồn gốc;
– Dấu hiệu chỉ là bản phiên âm hoặc dịch nghĩa từ nhãn hiệu đối chứng nếu nhãn hiệu đối chứng là nhãn hiệu nổi tiếng.
Quy định về khả năng gây nhầm lẫn khác của dấu hiệu yêu cầu đăng ký
Nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ
Dấu hiệu bị coi là gây nhầm lẫn về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá, dịch vụ trong các trường hợp sau đây:
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên gọi, biểu tượng của một quốc gia, của một vùng lãnh thổ (quốc kỳ, quốc huy, quốc hiệu, tên nước, tên địa phương) hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi, biểu tượng của một quốc gia, một vùng lãnh thổ gây nên sự lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu có nguồn gốc từ nước, vùng đó nhưng thực sự có nguồn gốc từ nước, vùng khác;
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hoá; dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh, nếu dấu hiệu yêu cầu đăng ký làm nhãn hiệu cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;
– Dấu hiệu là từ ngữ trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng một cách hợp pháp cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ và có khả năng làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu là do người có tên thương mại nói trên sản xuất, thực hiện; dấu hiệu là hình ảnh trùng hoặc tương tự với biểu tượng thương mại của người khác đã được sử dụng một cách hợp pháp cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ và có khả năng làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu là do người có biểu tượng thương mại nói trên sản xuất, thực hiện;
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam và nước ngoài; dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên gọi hoặc hình ảnh nhân vật, hình tượng đặc trưng của tác phẩm đã biết đến một cách rộng rãi, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có khả năng làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu là do chủ sở hữu tác phẩm đó sản xuất, thực hiện;
– Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.
Nhẫm lần hoặc hiểu sai về bản chất, giá trị
Trong các trường hợp sau đây, dấu hiệu bị coi là có khả năng gây nhầm lẫn hoặc hiểu sai lệch về bản chất, giá trị của hàng hoá, dịch vụ:
– Dấu hiệu là từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, ký hiệu… gây nên ấn tượng sai lệch về tính năng, công dụng của hàng hoá, dịch vụ như dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu hoặc với một dấu hiệu khác được sử dụng rộng rãi đến mức được coi là gắn liền với một chức năng, công dụng của một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định, khiến cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu cũng có tính năng, công dụng đó;
– Dấu hiệu là từ ngữ, hình ảnh gây ấn tượng sai lệch về thành phần, cấu tạo của hàng hoá, dịch vụ như mô tả hàng hoá, dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu gây nên ấn tượng sai lệch rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu được tạo thành từ hoặc có bản chất như hàng hoá, dịch vụ được mô tả.
Trên đây là nội dung về Đánh giá sự tương tư gây nhầm lẫn của nhãn hiệu Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.
Quy định về tên thương mại trong Luật Sở hữu trí tuệ
Tên thương mại và nhãn hiệu là hai đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, hai khái niệm này hoàn toàn [...]
Quy định về khả năng phân biệt của nhãn hiệu
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Vì vậy, luật đã quy định [...]