Gắn chỉ dẫn địa lý lên hàng hóa nhập khẩu có hợp pháp không?
Trường hợp cá nhân, tổ chức không được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý gắn chỉ dẫn địa lý lên hàng hóa nhập khẩu tại nơi khác có vi phạm pháp luật không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, tôi muốn xin tư vấn về vấn đề sau: Cà Phê NY của nước A đã đăng kí và được cấp giấy chứng nhận đăng kí chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam năm 2017. Ngày 8/8/2018, Hải quan tỉnh X nhận được yêu cầu tạm dừng lô hàng NY do công ty B nhập khẩu tại nước C, trên sản phẩm có ghi “packed in C” ( Đóng gói tại C). Ban quản lý cà phê NY cho biết tiêu chuẩn gắn chỉ dẫn địa lý NY là sản phẩm phải được đóng chai tại NY. Vậy công ty B có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Một số vấn đề pháp lý liên quan.
Quyền của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý
Tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền sử dụng, quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có các quyền sau đây:
Tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền cho phép người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó. Sử dụng chỉ dẫn địa lý là việc thực hiện các hành vi sau đây:
– Gắn chỉ dẫn địa lý được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;
– Lưu thông, chào bán, quảng cáo nhằm để bán, tàng trữ để bán hàng hoá có mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ;
– Nhập khẩu hàng hoá có mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó trừ trường hợp sử dụng một cách trung thực tên người, dấu hiệu mô tả chủng loại, số lượng, chất lượng, công dụng, giá trị, nguồn gốc địa lý và các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.
Hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý
Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý;
Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó;
Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hoá hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy.
Xem thêm: Quy định của pháp luật về hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý
Dựa vào căn cứ xác định hành vi xâm phạm, Lawkey xin phân tích như sau:
Thứ nhất, về đối tượng bị xem xét
Đối tượng bị xem xét là đối tượng bị nghi ngờ và bị xem xét nhằm đưa ra kết luận đó có phải là đối tượng xâm phạm hay không.
Trong trường hợp này, đối tượng bị xem xét là chỉ dẫn địa lý đối với cà phê NY. Cà Phê NY của nước A đã đăng kí và được cấp giấy chứng nhận đăng kí chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam năm 2017. Vì vậy, khi công ty B nhập khẩu lô hàng NY vào ngày 8/8/2018 thì chỉ dẫn địa lý cà phê NY của Ban quản lý cà phê NY vẫn đang được bảo hộ.
Thứ hai, về yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét
Yếu tố xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được thể hiện dưới dạng dấu hiệu gắn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
Hành vi của công ty B có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý với lí do “Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý”
Dấu hiệu NY gắn trên lô hàng nhập khẩu của công ty B trùng với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ và có yếu tố xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý, cụ thể:
– Dấu hiệu NY trùng với chỉ dẫn địa lý NY về cấu tạo từ ngữ, cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái, ý nghĩa thuộc phạm vi bảo hộ của chỉ dẫn địa lý.
– Sản phẩm cà phê mang dấu hiệu NY trùng với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, hai sản phẩm giống nhau về bản chất, chức năng, công dụng và kênh tiêu thụ.
– Sản phẩm cà phê đó không đáp ứng các tiêu chuẩn gắn chỉ dẫn địa lý NY là sản phẩm phải được đóng chai tại NY.
Hành vi của công ty B cũng có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý do có hành vi “Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó”. Cụ thể:
– Sản phẩm cà phê NY không có nguồn gốc từ NY do không đóng chai tại NY, không đáp ứng yếu tố về con người bao gồm quy trình sản xuất của địa phương.
– Công ty B đã nhập khẩu cà phê gắn chỉ dẫn địa lý Cà phê NY. Đây là hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý của ban quản lý cà phê NY. Việc công ty B gắn chỉ dẫn địa lý kên sản phẩm của mình tức là đã sử dụng dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý của ban quản lý cà phê NY, làm cho người tiêu dùng hiểu rằng đây là sản phẩm xà phê xuất xứ từ NY.
Thứ ba, về người thực hiện hành vi bị xem xét là công ty B
Trong trường hơp này, ban quản lý cà phê NY là tổ chức được Nhà nước trao quyền sử dụng, quyền quản lý chỉ dẫn địa lý và có quyền cho phép người khác gắn chỉ dẫn địa lý được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, pháp luật quy định trường hợp giới hạn quyền của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý không có quyền ngăn cấm người khác sử dụng một cách trung thực tên người, dấu hiệu mô tả chủng loại, số lượng, chất lượng, công dụng, giá trị, nguồn gốc địa lý và các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.
Công ty B không phải là chủ thể được nhà nước trao quyền sử dung, quyền quản lý chỉ dẫn địa lý và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo trường hợp ngoại lệ nêu trên.
Thứ tư, hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam
Như vậy, dựa vào các phân tích về căn cứ xác định hành vi xâm phạm nêu trên, công ty B đã có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong việc gắn chỉ dẫn địa lý lên hàng hóa là cà phê nhập khẩu từ nước C.
Trên đây là tư vấn của Lawkey về trường hợp gắn chỉ dẫn địa lý lên hàng hóa nhập khẩu tại nơi khác. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.
Dịch vụ đăng ký bản quyền tác giả chuyên nghiệp, uy tín nhất
Đăng ký quyền tác giả là cơ sở đảm bảo cho người sáng tạo ra tác phẩm chống lại các hành vi sử dụng trái phép tác [...]
Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, [...]