Chế độ tai nạn lao động với người đang thử việc
LawKey xin gửi tới bạn đọc những điều cần biết về vấn đề chế độ tai nạn lao động đối với người đang thử việc theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, tôi vào thử việc tại công ty may tháng 10/2018. Trong quá trình thử việc thì có bị máy vào tay suy giảm 8% khả năng lao động. Công ty chưa chi trả trợ cấp gì và bảo hiểm cũng không được hưởng trong quá trình thử việc như vậy có đúng không? Trường hợp này tôi có được hưởng theo tai nạn lao động khi đang làm việc không? Tôi cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Thứ nhất, về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động của bảo hiểm xã hội
Căn cứ Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 về đối tượng áp dụng:
“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động”
Như vậy, theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 anh/chị đang trong thời gian thử việc do đó không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nên khi bị tai nạn lao động sẽ không được hưởng chế độ tai nạn lao động của bảo hiểm xã hội.
Xem thêm: Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là những ai
Thứ hai, về trách nhiệm của người sử dụng lao động
Căn cứ theo khoản 2 Điều 70 Luật vệ sinh, an toàn lao động:
“Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động đối với người học nghề, tập nghề, thử việc như đối với người lao động tại Luật này, kể cả trường hợp bị tai nạn lao động.”
Như vậy, theo quy định của Luật vệ sinh, an toàn lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người trong quá trình thử việc như đối với người lao động kể cả trong trường hợp tai nạn lao động.
– Về trách nhiệm của công ty may đối với anh/chị:
Trong trường hợp trên, anh/chị bị máy vào tay trong lúc đang làm việc và bị suy giảm 8% khả năng lao động. Do đó, công ty sẽ có trách nhiệm bồi thường cho anh/chị theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 như sau:
– Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
– Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
+ Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
+ Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
+ Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
– Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.
– Mức bồi thường:
– Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
+Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
+ Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức bồi thường không do lỗi của họ.
Như vậy, đối chiếu với quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm với người lao động trong đó có cả người đang thử việc. Theo đó trường hợp của anh/chị người sử dụng lao động sẽ phải có trách nhiệm như trên.
Xem thêm:Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi xảy ra tai nạn lao động
Quy định về chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Trên đây là nội dung tư vấn về Chế độ tai nạn lao động đối với người đang thử việc LawKey gửi tới bạn đọc.
Nội dung quyền đối với bất động sản liền kề theo quy định pháp luật
Quyền đối với bất động sản (BĐS) liền kề là quyền được thực hiện trên một BĐS (BĐS chịu hưởng quyền) nhằm phục [...]
Mô hình tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch bất động sản
Mô hình tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch bất động sản được quy định như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài [...]