Quy định về nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Quy định về nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được quy định như thế nào? Đối tượng, điều kiện thực hiện hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài?
Đối tượng nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Các đối tượng quy định tại Điều 21 Nghị định 135/2015/NĐ-CP được phép nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, bao gồm:
– Công ty quản lý quỹ.
Công ty quản lý quỹ được hiểu là một loại hình tổ chức trung gian tài chính, được thành lập với mục đích chính là quản lý quỹ đầu tư.
– Ngân hàng thương mại.
Ngân hàng thương mại là một tổ chức kinh tế chuyên thực hiện các hoạt động trong ngân hàng về các lĩnh vực cung cấp tiền tệ, dịch vụ tài chính giữa khách hàng và ngân hàng hoặc ngược lại.
Xem thêm: Điều kiện để ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Để được thực hiện hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, tổ chức nhận ủy thác phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Để được cấp Giấy chứng nhận, tổ chức nhận ủy thác phải đáp ứng các điều kiện được đưa ra tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 135/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 16/2019/NĐ-CP, bao gồm:
– Có lãi trong 03 năm liên tục liền trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được thể hiện trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán và không có ý kiến ngoại trừ trọng yếu theo quy định của Bộ Tài chính. Báo cáo tài chính phải được kiểm toán bởi các tổ chức kiểm toán độc lập do Bộ Tài chính chấp thuận và công bố theo quy định về kiểm toán độc lập đối với đơn vị có lợi ích công chúng (áp dụng với tổ chức nhận ủy thác là công ty quản lý quỹ);
– Có lãi trong 03 năm liên tục liền trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được thể hiện trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán và không có ý kiến ngoại trừ trọng yếu theo quy định của Bộ Tài chính. Báo cáo tài chính phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập không nằm trong danh sách các tổ chức kiểm toán không được kiểm toán đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố (áp dụng với tổ chức nhận ủy thác là ngân hàng thương mại);
– Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không có nợ thuế với ngân sách nhà nước;
– Có quy định nội bộ về quản lý hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, trong đó có nội dung về nhận dạng và quản trị rủi ro liên quan đến hoạt động nhận ủy thác để đầu tư gián tiếp ra nước ngoài;
– Tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật chuyên ngành về các chỉ tiêu an toàn tài chính, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức nhận ủy thác.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Công ty quản lý quỹ và ngân hàng thương mại phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Cụ thể:
Đối với công ty quản lý quỹ
Việc thực hiện thủ tục này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 10 Thông tư 105/2016/TT-BTC theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài bao gồm:
– Giấy đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo mẫu quy định tại Phụ lục số 07 ban hành kèm theo Thông tư này;
– Quy trình nội bộ về nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, trong đó có nội dung về nhận dạng và quản trị rủi ro liên quan đến hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài;
– Văn bản của cơ quan thuế xác nhận đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước Việt Nam, không còn nợ thuế với ngân sách nhà nước tính tới thời Điểm nộp hồ sơ;
– Bản thuyết minh cơ sở vật chất kỹ thuật mô tả chi Tiết hệ thống truyền lệnh, hệ thống lưu trữ phục vụ cho hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài;
– Bản sao chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ của tối thiểu một (01) nhân viên.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Công ty quản lý quỹ chuẩn bị 01 bộ hồ sơ và gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Bước 3: Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ
Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài cho công ty quản lý quỹ, đồng thời gửi giấy chứng nhận đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 4: Công bố thông tin
Trong thời hạn hai mươi bốn (24) giờ kể từ khi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài có hiệu lực, công ty quản lý quỹ công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của mình về giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Đối với ngân hàng thương mại
Việc thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận của ngân hàng thương mại được thực hiện theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 Thông tư 10/2016/TT-NHNN. Cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài phải được lập bằng tiếng Việt, bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (theo mẫu tại Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này);
– Bản sao báo cáo tài chính đã được kiểm toán 05 (năm) năm liên tục liền trước năm nộp hồ sơ;
– Bản sao văn bản quyết toán thuế hoặc văn bản xác nhận của cơ quan thuế chứng minh việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước Việt Nam, không có nợ thuế với ngân sách nhà nước;
– Quy định nội bộ về quản lý hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, trong đó có nội dung về nhận dạng và quản trị rủi ro liên quan đến hoạt động nhận ủy thác để đầu tư gián tiếp ra nước ngoài;
– Báo cáo về tình hình tuân thủ các quy định về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động nhận ủy thác của ngân hàng thương mại của năm liền kề năm nộp hồ sơ;
– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự phục vụ cho hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Ngân hàng thương mại có nhu cầu thực hiện hoạt động nhận ủy thác nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 06 (sáu) bộ hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước.
Bước 3: Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu ngân hàng thương mại chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ.
Trong thời hạn 35 (ba mươi lăm) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài cho ngân hàng thương mại.
Trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Xem thêm: Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi gửi đến bạn đọc. Nếu còn thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Tội phạm trốn ra nước ngoài thì giải quyết như thế nào?
Nhiều kẻ phạm tội thường tìm cách bỏ trốn ra nước ngoài nhằm trốn tránh bị xét xử. Vậy tội phạm trốn ra nước [...]
Quy định về việc xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo
Việc xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo được quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. [...]