Một số biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác
Pháp luật dân sự quy định tại Điều 292 có 9 Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cùng tìm hiểu Một số biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ qua bài viết dưới đây.
1.Tín chấp
Tín chấp là gì?
Điều 344 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định “Tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.”
Từ quy định trên cho thấy, ngoài các biện pháp đảm bảo bằng tài sản, hợp đồng tín dụng có thể được bảo đảm bằng uy tín của các tổ chức chính trị- xã hội.
Tín chấp là việc tổ chức chính trị xã hội tại cơ sở bằng uy tín của mình để bảo đảm cho thành viên của mình vay vốn tại các tổ chức tín dụng bằng việc xác nhận về điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân, hộ gia đình nghèo khi vay vốn và phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức tín dụng
Đặc điểm của tín chấp
Có thể nói, tín chấp là một hình thức bảo lãnh vay vốn nhưng khác với bảo lãnh thông thường ở một số điểm sau:
– Người bảo đảm: phải là tổ chức chính trị- xã hội tại cơ sở
– Người được bảo đảm: là thành viên nghèo của tổ chức là người bảo đảm
– Đối tượng để bảo đảm: là uy tín của tổ chức
– Mục đích vay: thực hiện sản xuất, kinh doanh hoặc dịch vụ được xác định cụ thẻ trong hợp đồng vay vốn và người vay phải sử dụng vốn đúng với mục đích vay đã được xác định trong hợp đồng.
– Bên cho vay có quyền kiểm soát việc sử dụng vốn vay và có quyền chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và thu hồi vốn nếu người vay sử dụng vốn không đúng mục đích đó.
Hình thức, nội dung tín chấp
Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn.
Thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp phải cụ thể về số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp.
2.Bảo lưu quyền sở hữu
Bảo lưu quyền sở hữu là gì?
Trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ.
Trong bảo lưu quyền sở hữu thì bên bán được quyền kiểm soát việc định đoạt tài sản của bên mua cho đến khi bên mua thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán. Ngược lại, nếu bên mua không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng thời hạn thì bên bán có quyền lấy lại tài sản và trả lại tiền cho bên mua sau khi trừ khấu hao sử dụng tài sản.
Hình thức
Vì biện pháp này chỉ có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký, cho nên khi xác lập biện pháp bảo lưu quyền sở hữu thì phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán làm cơ sở để thực hiện thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm
Nội dung
Trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Bên mua có quyền sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực, đồng thời phải chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Chấm dứt bảo lưu quyền sở hữu
Bảo lưu quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp sau đây:
– Nghĩa vụ thanh toán cho bên bán được thực hiện xong.
– Bên bán nhận lại tài sản bảo lưu quyền sở hữu.
– Theo thỏa thuận của các bên.
3.Cầm giữ tài sản
Cầm giữ tài sản là gì?
Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Xác lập cầm giữ tài sản
Cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản.
Quyền của bên cầm giữ
Quyền của bên cầm giữ được quy định tại Điều 348 BLDS, cụ thể:
– Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ.
– Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ.
– Được khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý.
Giá trị của việc khai thác tài sản cầm giữ được bù trừ vào giá trị nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ.
Nghĩa vụ của bên cầm giữ
Điều 349 BLDS quy định bên cầm giữ có những nghĩa vụ sau:
– Giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ.
– Không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ.
– Không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.
– Giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ đã được thực hiện.
– Bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ.
Chấm dứt cầm giữ
Cầm giữ tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây:
– Bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế.
– Các bên thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm khác để thay thế cho cầm giữ.
– Nghĩa vụ đã được thực hiện xong.
– Tài sản cầm giữ không còn.
– Theo thỏa thuận của các bên.
Trên đây là nội dung Một số biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Bảo lãnh là gì? theo quy định của pháp luật dân sự hiện nay
Cầm cố tài sản là gì? theo quy định của pháp luật dân sự hiện nay
Án lệ 04/2016/AL Về xác định ý chí người vợ khi chuyển nhượng nhà đất
Án lệ 04/2016/AL Về xác định ý chí người vợ khi chuyển nhượng nhà đất Ngày 06 tháng 4 năm 2016, Tòa án nhân dân tối [...]
Điều kiện thành lập công ty chứng khoán
Điều kiện để thành lập công ty chứng khoán căn cứ theo Điều 62 Luật chứng khoán năm 2006; Điều 71 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP; [...]