Giao dịch dân sự của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
Giao dịch dân sự của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự được quy định thế nào? Pháp luật dân sự cho phép những người này được tự mình thực hiện những giao dịch dân sự nào?
Tóm tắt câu hỏi:
X nghiện ma túy, thường xuyên mang đồ đạc trong nhà đi bán lấy tiền hút chích. Do đó, bố mẹ X đã làm đơn gửi Tòa án và Tòa án đã tuyên bố X bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Bố mẹ X được chỉ định là người đại diện theo pháp luật của X. Xin hỏi, sau khi quyết định của Tòa có hiệu lực pháp luật thì mọi giao dịch dân sự của X đều phải được bố mẹ đồng ý có đúng không?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Một số vấn đề pháp lý liên quan
Hạn chế năng lực hành vi dân sự
Điều 24 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định về hạn chế năng lực hành vi dân sự như sau:
– Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
+ Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.
– Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
– Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Như vậy, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là người thành niên có năng lực hành vi dân sự, tuy nhiên do họ bị nghiện ma túy hoặc các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình nên họ có thể bị yêu cầu tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Yêu cầu tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chỉ được thực hiện bởi người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có mối quan hệ với người đó. Tòa án cũng là cơ quan duy nhất có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
Đại diện theo pháp luật của cá nhân
Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Điều 136 BLDS quy định Đại diện theo pháp luật của cá nhân gồm:
– Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
– Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
– Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
– Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Đối chiếu với tình huống của anh/chị
Khoản 2 Điều 24 BLDS quy định: Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
Khác với người mất năng lực hành vi dân sự, mọi giao dịch dân sự của họ đều do người đại diện theo pháp luật xác lập thực hiện; với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, do bản thân họ là người có năng lực hành vi dân sự nhưng bị hạn chế năng lực hành vi dân sự để tránh việc phá tán tài sản của gia đình nên chỉ những giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của họ mới phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ những giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hằng ngày.
BLDS không quy định cụ thể những giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi là gồm những nội dung nào, tuy nhiên, Khoản 20 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định “Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.” Các giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày có thể được hiểu là các giao dịch có giá trị nhỏ, thực hiện tức thời với mục đích là để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập hàng ngày không thể thiếu trong cuộc sống.
Đối chiếu với những quy định trên thì không phải mọi giao dịch của X đều phải được bố mẹ X đồng ý, X hoàn toàn có quyền tự thực hiện các giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hằng ngày.
Trên đây là nội dung Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Giao dịch dân sự do người chưa đủ mười lăm tuổi xác lập, thực hiện
Giao dịch dân sự do người chưa thành niên xác lập có hiệu lực không?
Hình thức kinh doanh bất động sản theo quy định pháp luật
Bất động sản là tài sản đặc thù do đó căn cứ vào từng chủ thể khác nhau mà pháp luật quy định không giống nhau về [...]
Các việc cần làm của người được hưởng án treo theo quy định mới nhất
Luật thi hành án hình sự 2019 đưa ra các việc cần làm của người được hưởng án treo tại Điều 87, Điều 88 như sau: Nghĩa [...]