Điều kiện thành lập tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định hiện nay
Điều kiện thành lập tổ chức khoa học và công nghệ là gì? Cá nhân, tổ chức muốn thành lập tổ chức khoa học và công nghệ cần đáp ứng những yêu cầu gì?
Điều 11 Luật khoa học và công nghệ 2013 và Điều 4 Nghị định 08/2014/NĐ-CP quy định Tổ chức khoa học và công nghệ được thành lập khi có đủ điều kiện sau đây:
– Có điều lệ tổ chức và hoạt động, mục tiêu, phương hướng hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật;
– Nhân lực khoa học và công nghệ, cơ sở vật chất – kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu, phương hướng và điều lệ tổ chức và hoạt động.
Về điều lệ tổ chức và hoạt động
Tên tổ chức khoa học và công nghệ bao gồm tên đầy đủ, tên giao dịch quốc tế và tên viết tắt (nếu có), được viết bằng các chữ cái trong Bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu, phát âm được. Tên đầy đủ bao gồm hình thức của tổ chức khoa học và công nghệ, tên riêng của tổ chức khoa học và công nghệ.
Tên gọi của tổ chức phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động chính, không được trùng lặp với tổ chức khoa học và công nghệ khác, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo đảm không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Tuân thủ quy định của pháp luật về một số nội dung sau
– Trụ sở chính có địa chỉ được xác định rõ theo địa danh hành chính, có số điện thoại, số fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
– Người đại diện.
– Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức khoa học và công nghệ phù hợp mục tiêu, phương hướng hoạt động.
– Lĩnh vực hoạt động, thuộc một trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm; sản xuất, kinh doanh sản phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; dịch vụ khoa học và công nghệ.
– Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các chức danh trong bộ máy lãnh đạo và các cơ quan khác của tổ chức khoa học và công nghệ.
– Vốn điều lệ của tổ chức, bao gồm tiền mặt và các tài sản khác quy ra tiền; nguyên tắc tăng giảm vốn hoạt động và các nguyên tắc về tài chính khác.
– Điều kiện, trình tự, thủ tục sáp nhập, chia, tách, giải thể (nếu có).
– Cam kết tuân thủ pháp luật.
Mục tiêu, phương hướng hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ
Mục tiêu, phương hướng hoạt động không được vi phạm các quy định tại Điều 8 của Luật khoa học và công nghệ và các văn bản pháp luật khác có liên quan, cụ thể Điều 8 quy định các hành vi bị cấm gồm:
– Lợi dụng hoạt động khoa học và công nghệ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người; trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
– Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả khoa học và công nghệ.
– Tiết lộ tài liệu, kết quả khoa học và công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước; lừa dối, giả mạo trong hoạt động khoa học và công nghệ.
– Cản trở hoạt động khoa học và công nghệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cơ sở vật chất – kỹ thuật
Có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng trụ sở, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, máy móc thiết bị, tài sản trí tuệ, các phương tiện vật chất – kỹ thuật khác để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức khoa học và công nghệ.
Đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập còn phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài còn phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Khoản 3 Điều 11 của Luật khoa học và công nghệ, cụ thể, việc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài phải tuân thủ các quy định và đáp ứng các yêu cầu sau đây:
– Có điều lệ tổ chức và hoạt động, mục tiêu, phương hướng hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật;
– Nhân lực khoa học và công nghệ, cơ sở vật chất – kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu, phương hướng và điều lệ tổ chức và hoạt động.
– Mục đích, nội dung, lĩnh vực hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật, yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ và phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam;
– Được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép thành lập;
– Được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) cho phép đặt trụ sở làm việc tại địa phương.
Nhân lực khoa học và công nghệ
Mỗi tổ chức khoa học và công nghệ phải có ít nhất 05 (năm) người có trình độ đại học trở lên bao gồm làm việc chính thức và kiêm nhiệm, trong đó có ít nhất 30% có trình độ chuyên môn phù hợp với lĩnh vực chủ yếu xin đăng ký hoạt động và ít nhất 40% làm việc chính thức.
Trường hợp thành lập tổ chức khoa học và công nghệ để phát triển ngành khoa học và công nghệ mới thì tổ chức khoa học và công nghệ phải có ít nhất (một) người có trình độ đại học trở lên thuộc ngành đăng ký hoạt động làm việc chính thức.
Người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ phải có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm quản lý, năng lực chuyên môn phù hợp.
Đối với tổ chức khoa học và công nghệ là cơ sở giáo dục đại học thì người đứng đầu phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về giáo dục đại học.
Trên đây là nội dung Điều kiện thành lập tổ chức khoa học và công nghệ Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Điều kiện thành lập cơ sở đào tạo ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài
Căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm hiện nay
Tái thẩm là thủ tục đặc biệt trong hoạt động tố tụng dân sự. Vậy căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm hiện [...]
Cách tính thời hạn kháng cáo theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Thời hạn kháng cáo được pháp luật tố tụng dân sự quy định như thế nào? Cách tính thời hạn kháng cáo được hiểu [...]