Khái niệm và đặc điểm của thương nhân theo quy định
Khái niệm và đặc điểm của thương nhân được pháp luật quy định như thế nào? Bài viết dưới đây LawKey sẽ làm rõ vấn đề này theo quy định của pháp luật hiện hành như sau:
1. Khái niệm Thương nhân
Theo Điều 6 Luật thương mại 2005, thương nhân được quy định như sau:
– Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.
– Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm.
– Quyền hoạt động thương mại hợp pháp của thương nhân được Nhà nước bảo hộ.
– Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước.
2. Đặc điểm của Thương nhân
Từ khái niệm thương nhân nêu trên, có thể rút ra một số đặc điểm của thương nhân như sau:
– Về chủ thể
Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.
+ Đối với cá nhân (công dân Việt Nam và công dân nước ngoài): Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có đủ điều kiện kinh doanh thương mại theo quy định của pháp luật mới có thể trở thành thương nhân.
+ Đối với tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật.
– Thương nhân tiến hành hoạt động thương mại một cách một cách độc lập về mặt pháp lý
Điều này có nghĩa là, cá nhân, tổ chức đó phải tham gia vào hoạt động thương mại hoặc giao dịch thương mại với tư cách là chủ thể pháp luật độc lập, có khả năng bằng hành vi của mình, nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật và tự chịu trách nhiệm đối với các hành vi đó.
Chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp không phải là thương nhân vì không có khả năng tham gia và chịu trách nhiệm độc lập trong các quan hệ pháp luật mà chỉ là đơn vị phụ thuộc của thương nhân.
– Thương nhân phải hoạt động thương mại thường xuyên, mang tính chất nghề nghiệp
Các hoạt động thương mại phải được cá nhân, tổ chức tiến hành thường xuyên. Tức là hoạt động thương mại diễn ra liên tục, không bị gián đoạn hay chỉ hoạt động tạm thời, nguồn thu nhập chính là từ lợi nhuận của hoạt động thương mại.
– Thương nhân phải thực hiện hành vi thương mại
Cá nhân, tổ chức kinh tế phải tiến hành hoạt động thương mại, tức là thực hiện hành vi mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại hay xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
– Thương nhân phải có đăng ký kinh doanh
Tính chất hợp pháp của thương nhân được thể hiện qua hành vi đã hoàn tất thủ tục hành chính liên quan đến việc ra đời của chủ thể hoạt động thương mại. Đó là khi thực hiện xong thủ tục đăng ký kinh doanh và được cấp:
+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp).
+ Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (đối với cá nhân, nhóm kinh doanh, gia đình có hoạt động thương mại thường xuyên).
+ Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã).
Trên đây là nội dung bài viết “Khái niệm và đặc điểm của thương nhân theo quy định”, LawKey gửi đến bạn đọc, nếu có thắc mắc liên hệ LawKey để được giải đáp.
Các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật
Các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật bao gồm: Đấu thầu rộng rãi; đấu thầu hạn chế; chỉ định [...]
Nhượng quyền thương mại và các quy định liên quan
Nhượng quyền thương mại là gì? Điều kiện nhượng quyền thương mại? Các bên trong nhượng quyền thương mại được quy định [...]