Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Cùng Lawkey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính
Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính gồm:
– Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
– Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
– Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
– Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
– Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính
Đối tượng vi phạm hành chính là nội dung cần thiết để cá nhân, tổ chức có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt. Việc xác định được hành vi vi phạm, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng nhưng không xác định được đối tượng vi phạm thì đều không thể ra được quyết định xử phạt.
3. Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt hành chính
Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Điều 6 quy định Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau:
Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế.
Thời hạn ra quyết định xử phạt hành chính
Khoản 1 Điều 66 quy định Thời hạn ra quyết định xử phạt hành chính là 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.
4. Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt
Khoản 3 Điều 16 Bộ luật dân sự 2015 quy định Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết. Như vậy, khi một cá nhân chết thì năng lực pháp luật dân sự đều chấm dứt và trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt.
5. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm
Điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về nội dung này như sau:
– Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự (THTTHS).
– Trong quá trình thi hành quyết định xử phạt, nếu hành vi vi phạm được phát hiện có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đã ra quyết định xử phạt phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đó và trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày tạm đình chỉ phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan THTTHS; trường hợp đã thi hành xong quyết định xử phạt thì người đã ra quyết định xử phạt phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan THTTHS.
+ Trong trường hợp này, nếu cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có quyết định khởi tố vụ án thì người có thẩm quyền xử phạt phải huỷ bỏ quyết định xử phạt và chuyển toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tài liệu về việc thi hành quyết định xử phạt cho cơ quan THTTHS.
– Cơ quan THTTHS có trách nhiệm xem xét, kết luận vụ việc và trả lời kết quả giải quyết bằng văn bản cho người có thẩm quyền đã chuyển hồ sơ trong thời hạn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; trường hợp không khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan THTTHS phải trả hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt đã chuyển hồ sơ đến.
Lưu ý:
– Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự phải được thông báo bằng văn bản cho cá nhân vi phạm.
– Đối với trường hợp 1, 2, 3, 4, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
– Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật bị tịch thu, tiêu hủy; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.
Trên đây là nội dung Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực theo Luật xử lý vi phạm hành chính
Khi nào công an được quyền khám điện thoại của cá nhân?
Quyền về bí mật đời tư của cá nhân được quy định rất rõ ràng tại Hiến pháp của nước Việt Nam. Vậy khi nào công [...]
Căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm hiện nay
Tái thẩm là thủ tục đặc biệt trong hoạt động tố tụng dân sự. Vậy căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm hiện [...]