Quyền im lặng là gì? Hiểu thế nào về quyền im lặng
Quyền im lặng là gì? Hiểu thế nào về quyền im lặng theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện này? Ai được sử dụng quyền im lặng?
Nguồn gốc của “Quyền im lặng”
“Quyền im lặng” hay được biết đến rộng rãi bằng tên gọi “Quyền Miranda” bắt nguồn từ pháp luật Mỹ.
Quyền này được giải thích là: “Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa”
Nguyên tắc “quyền Miranda” được pháp luật tố tụng hình sự của nhiều nước trên thế giới ghi nhận. Tại Việt Nam, pháp luật hiện không đưa ra định nghĩa về “Quyền im lặng”.
Quyền im lặng là gì?
BLTTHS năm 2015 không nêu khái niệm về “Quyền im lặng”, nhưng đã cụ thể hóa một số nguyên tắc cơ bản về quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013 như: Nguyên tắc “Suy đoán vô tội” (Điều 13); “Xác định sự thật của vụ án” (Điều 15); “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự” (Điều 16); “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (Điều 26).
Điều 58 khoản 1 điểm e; điều 59 khoản 2 điểm c; điều 60 khoản 1 điểm d; điều 61 khoản 2 điểm h BLTTHS năm 2015 quy định về quyền được “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Ai được sử dụng quyền im lặng?
Theo quy định tại các Điều 58 khoản 1 điểm e; điều 59 khoản 2 điểm c; điều 60 khoản 1 điểm d; điều 61 khoản 2 điểm h BLTTHS năm 2015 thì những đối tượng sau được sử dụng quyền im lặng:
– Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt
– Người bị tạm giữ
– Bị can, bị cáo
Lưu ý:
– Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền chủ động về việc khai báo. Những gì bị can, bị cáo thấy bất lợi cho mình, họ có thể không buộc phải khai báo cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
– Quyền im lặng được thể hiện xuyên suốt từ khi bị bắt, bị khởi tố cho đến xét xử.
Một số quy định về nguyên tắc cơ bản đảm bảo cho Quyền im lặng của đương sự
Điều 13, 15, 16 và 26 Bộ luật TTHS đã quy định về các nguyên tắc gián tiếp đảm bảo cho Quyền im lặng của đương sự, cụ thể:
Suy đoán vô tội
Điều 13 Bộ luật TTHS quy định Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật TTHS quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật TTHS quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Theo đó, người bị buộc tội không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội và sẽ được kết luận không có tội khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật TTHS quy định
Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm
Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.
Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.
Xác định sự thật của vụ án
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự
Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.
Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này.
Trên đây là nội dung Quyền im lặng là gì? Hiểu thế nào về quyền im lặng theo luật Việt Nam Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất
Sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất là hai hình thức sở hữu thuộc sở hữu chung. Vậy Sở hữu chung theo phần [...]
Di sản thừa kế là gì? theo quy định của Bộ luật dân sự 2015
Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Vậy hiểu cụ thể di sản thừa kế là gì? [...]