Tranh chấp hợp đồng tín dụng và các nguyên nhân phát sinh chủ yếu
Tranh chấp hợp đồng tín dụng và các nguyên nhân phát sinh chủ yếu là câu hỏi đặt chung cho nhiều đối tượng và nhất là đối với các bên tham gia hợp đồng tín dụng. Vấn đề này được chúng tôi giải đáp như sau:
Khái niệm, đặc điểm tranh chấp hợp đồng tín dụng
Việc nghiên cứu tranh chấp hợp đồng tín dụng sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu chúng ta hiểu được khái niệm và bản chất của loại tranh chấp này. Dưới đây là khái niệm, đặc điểm của tranh chấp hợp đồng tín dụng.
Về khái niệm
Tranh chấp hợp đồng tín dụng phát sinh khi quyền và lợi ích hợp pháp của một trong các bên bị xâm phạm. Một tranh chấp hợp đồng tín dụng chỉ được coi là có tranh chấp khi có sự xung đột, bất đồng về quyền lợi các bên đã được thể hiện ra bên ngoài bằng các hành vi xâm phạm cụ thể.
Như vậy, tranh chấp hợp đồng tín dụng là những mâu thuẫn phát sinh từ việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được ghi nhận trong hợp đồng tín dụng giữa bên cho vay là tổ chức tín dụng và bên vay là cá nhân, tổ chức.
Về đặc điểm
Tranh chấp hợp đồng tín dụng mang những đặc điểm sau:
Thứ nhất, giá trị của tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng thường có giá trị lớn
Xuất phát từ mục đích vay của khách hàng là sự thiếu hụt về vốn mà chủ yếu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, không thể tự mình xoay sở được hoặc khó có thể vay từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài do nguồn vốn khá lớn. Bên cạnh đó, cũng xuất phát từ hoạt động cho vay từ các tổ chức tín dụng khi mà mọi hoạt động của họ đều nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Chính vì vậy, tổ chức tín dụng thường tìm đến những hợp đồng tín dụng có giá trị lớn dựa trên sự định giá tài sản bảo đảm tại thời điểm cho vay.
Thứ hai, tranh chấp hợp đồng tín dụng có thể được giải quyết dựa trên nguyên tắc thỏa thuận
Do hợp đồng tín dụng là một loại hợp đồng dân sự mà quan hệ dân sự là quan hệ mang tính thỏa thuận, chính vì vậy trong việc thực hiện hợp đồng tín dụng mà phát sinh tranh chấp thì pháp luật vẫn ưu tiên các bên tự thỏa thuận với nhau để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất cho cả hai bên. Việc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên mang lại hiệu quả tối ưu nhất trong việc giải quyết tranh chấp, góp phần tiết kiệm thời gian, tiền bạc cũng như bảo vệ mối quan hệ hợp tác giữa các bên tham gia hợp đồng tín dụng.
Thứ ba, tranh chấp hợp đồng tín phát sinh từ sự xung đột về lợi ích giữa các bên tham gia hợp đồng
Quan hệ tín dụng bắt đầu khi hai bên thỏa thuận, ký kết với nhau hợp đồng tín dụng ghi nhận quyền và nghĩa vụ các bên. Chính vì vậy, khi lợi ích các bên bị ảnh hưởng thì tranh chấp phát sinh là điều tất yếu. Khởi nguồn của tranh chấp có thể là do bên cho vay giải ngân không đúng hạn hay do bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ và lãi suất kèm theo. Và dù cho là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp xuất phát từ bên nào thì hậu quả tất yếu sẽ có một bên bị xâm phạm đến lợi ích.
Xem thêm: Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng hiện nay
Nguyên nhân phát sinh tranh chấp hợp đồng tín dụng
Như đã phân tích ở trên, tranh chấp hợp đồng là điều tất yếu khi mà lợi ích của một bên bị xâm phạm mà khởi nguồn chủ yếu là do vệc vi phạm nghĩa vụ của bên còn lại. Chính vì vậy mà chúng ta có thể thấy một vài nguyên nhân dẫn đến tranh chấp như sau:
Nguyên nhân từ phía bên cho vay
+ Bên cho vay vi phạm nghĩa vụ giải ngân: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến làm phát sinh tranh chấp hợp đồng tín dụng. Việc vi phạm nghĩa vụ giải ngân của bên cho vay làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên vay, làm lỡ kế hạch kinh doanh, chậm tiến độ và hiệu quả của dự án, làm hạn chế khả năng trả gốc và lãi sau này của bên vay.
+ Năng lực, phẩm chất, đạo đức của cán bộ tín dụng: Đây là nguyên nhân xuất phát từ phía chủ quan của các tổ chức tín dụng khi nguồn nhân lực chủ chốt trong hoạt động tín dụng không được đảm bảo yêu cầu về năng lực chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp. Các cán bộ tín dụng chỉ chú trọng việc tìm kiếm khách hàng; trong khi đó việc thẩm định, đánh giá biện pháp bảo đảm tiền vay còn hạn chế, chưa phân tích, đánh giá các điều kiện về biện pháp bảo đảm tiền vay. Bên cạnh đó, trình độ thẩm định của nhân viên tổ chức tín dụng còn chưa cao, một số còn chú trọng tư lợi cá nhân trong hoạt động cho vay nên có những sai sót và thiếu chặt chẽ dẫn đến kết quả thẩm định chưa đạt yêu cầu.
Nguyên nhân từ phía bên vay:
+ Nguyên nhân khách quan: Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, mở cửa thị trường, chính vì vậy luôn có sự thay đổi để phù hợp nhất là đối với các chính sách quản lý kinh tế, quy hoạch, kế hoạch làm cho hoạt động của bên vay không đúng với kế hoạch ban đầu. Ngoài ra, một số tác động ngoại cảnh như thiên tai, hỏa hoạn, sự biến động của thị trường, quan hệ cung cầu hàng hóa cũng tác động không nhỏ đến nghĩa vụ trả nợ của bên vay về sau.
+ Nguyên nhân chủ quan: Theo thực tiễn nghiên cứu thì đây là nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tranh chấp khi mà cá nhân, tổ chức vay vốn đầu tư không hiệu quả, hàng hóa làm ra không có tính cạnh tranh trên thị trường, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh doanh không đạt được, hậu quả là doanh nghiệp làm ăn thua lỗ lâm vào tình trạng phá sản. Cũng có nhiều trường hợp là phía bên vay cố tình trốn tránh nghĩa vụ trả nợ hay do thiếu hiểu biết về pháp luật nên ký kết các hợp đồng có nhiều yếu tố bất lợi cho mình.
Nguyên nhân phổ biến khác
Ngoài các nguyên nhân chủ yếu được phân tích ở trên thì còn một số nguyên nhân khác cũng làm phát sinh tranh chấp hợp đồng tín dụng như do sự bất cập của các quy định pháp luật; do việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về bình ổn kinh tế hoặc do sự thay đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng vay tiền tại các tổ chức tín dụng không đúng quy định pháp luật. Hậu quả để lại là việc thu hồi vốn của các tổ chức tín dụng sau này gặp rất nhiều khó khắn, thậm chí là không thu hồi được.
Xem thêm: Nên giải quyết tranh chấp bằng Toà án hay Trọng tài thương mại
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng và các nguyên nhân phát sinh chủ yếu” gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.
Đối tượng nào được cấp hộ chiếu công vụ theo quy định hiện nay?
Hộ chiếu công vụ được quy định như thế nào? Đối tượng nào được cấp hộ chiếu công vụ theo quy định hiện nay? [...]
Các trường hợp thu hồi và cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc
Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi hoặc cho phép cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc theo quy định của pháp [...]