Điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ được quy định như sau:
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề tương đối nhạy cảm do đó bên cạnh các điều kiện chung, pháp luật còn quy định những điều kiện nhất định đối với loại hình kinh doanh này. Cụ thể:
Điều kiện về vốn
– Mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng).
– Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định.
Điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ
– Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
– Có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.
– Không có tiền án.
– Những người đã làm việc cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khác đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải thỏa mãn thêm điều kiện: trong ba năm trước liền kề, không giữ chức danh quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Điều kiện về tiêu chuẩn đối với người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ
– Người lao động được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ sáu tháng trở lên.
– Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
– Có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.
– Không có tiền án.
Hồ sơ đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Khi đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ, ngoài những quy định về hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải có:
– Hồ sơ chứng minh điều kiện về vốn, bao gồm:
- Biên bản góp vốn của các cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần hoặc của các thành viên sáng lập đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên; quyết định giao vốn của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà chủ sở hữu là một tổ chức; bản đăng ký vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân và đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà chủ sở hữu là cá nhân;
- Đối với số vốn được góp bằng tiền, phải có xác nhận của ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam về số tiền ký quỹ của các thành viên sáng lập. Số tiền ký quỹ phải bằng số vốn góp bằng tiền của các thành viên sáng lập và chỉ được giải toả sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ;
- Đối với số vốn góp bằng tài sản, phải có chứng thư của tổ chức có chức năng định giá ở Việt Nam về kết quả định giá tài sản được đưa vào góp vốn. Chứng thư phải còn hiệu lực tính đến ngày nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền.
– Hồ sơ chứng minh điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp, gồm:
- Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp đại học thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh. Trường hợp bằng tốt nghiệp do nước ngoài cấp, thì phải được dịch ra tiếng Việt Nam và công chứng;
- Phiếu lý lịch tư pháp.
Trường hợp cá nhân là người nước ngoài, phải có giấy chứng thực của chính quyền nước sở tại về việc cá nhân đó không có tiền án ở nước đó. Giấy chứng thực này phải được dịch ra tiếng Việt Nam và công chứng.
Trên đây là nội dung bài viết Điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết vui lòng liên hệ LawKey để được giải đáp nhanh nhất.
Xem thêm:
Tư vấn về đòi nợ theo quy định pháp luật hiện hành
Trách nhiệm của các bên khi tham gia hoạt động dịch vụ đòi nợ
Giấy chứng nhận phần vốn góp là gì? Lưu ý về loại giấy này theo quy định
Giấy chứng nhận góp vốn là gì? Các lưu ý về loại giấy này đối với công ty TNHH và công ty hợp danh theo quy định của [...]
Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh năm 2024
Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh được quy định như thế nào theo pháp luật hiện hành? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết [...]