Quy định về đối tượng đăng ký thuế và cấp mã số thuế
Đăng ký thuế bao gồm những hoạt động gì? Đối tượng đăng ký thuế bao gồm những chủ thể nào? Việc cấp mã số thuế được quy định như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết này của Luật LawKey nhé.
Đăng ký thuế là gì?
Đăng ký thuế là việc người nộp thuế kê khai với cơ quan thuế hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh các thông tin định danh của mình (các thông tin cơ bản để phân biệt người nộp thuế với những người nộp thuế khác). Đăng ký thuế bao gồm các hoạt động sau:
– Đăng ký thuế lần đầu;
– Thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế;
– Thông báo khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh;
– Chấm dứt hiệu lực mã số thuế;
– Khôi phục mã số thuế.
Đối tượng đăng ký thuế
Người nộp thuế thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Đối tượng đăng ký thuế bao gồm:
– Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Tổ chức, cá nhân không thuộc các trường hợp trên thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Cấp mã số thuế
Mã số thuế là một dãy số gồm 10 chữ số hoặc 13 chữ số và ký tự khác do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế dùng để quản lý thuế.
Việc cấp mã số thuế theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật quản lý thuế 2019 như sau:
– Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt quá trình hoạt động từ khi đăng ký thuế cho đến khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Người nộp thuế có chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thuế thì được cấp mã số thuế phụ thuộc. Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc thực hiện đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì mã số ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đồng thời là mã số thuế;
– Cá nhân được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó. Người phụ thuộc của cá nhân được cấp mã số thuế để giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Mã số thuế cấp cho người phụ thuộc đồng thời là mã số thuế của cá nhân khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước;
– Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay được cấp mã số thuế nộp thay để thực hiện khai thuế, nộp thuế thay cho người nộp thuế;
– Mã số thuế đã cấp không được sử dụng lại để cấp cho người nộp thuế khác;
– Mã số thuế của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác sau khi chuyển đổi loại hình, bán, tặng, cho, thừa kế được giữ nguyên;
– Mã số thuế cấp cho hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là mã số thuế cấp cho cá nhân người đại diện hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Cấu trúc mã số thuế như sau:
– Mã số thuế 10 chữ số được sử dụng cho doanh nghiệp, tổ chức có tư cách pháp nhân; đại diện hộ gia đình, hộ kinh doanh và cá nhân khác;
– Mã số thuế 13 chữ số và ký tự khác được sử dụng cho đơn vị phụ thuộc và các đối tượng khác.
Trên đây là nội dung bài viết Quy định về đối tượng đăng ký thuế và cấp mã số thuế. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết liên hệ LawKey để được tư vấn, giải đáp nhanh nhất.
Xem thêm:
Thủ tục đăng ký thuế và cấp mã số thuế bằng phương thức điện tử
Những hành vi vi phạm quy định trong việc tổ chức bồi dưỡng và cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng bị xử phạt
Những hành vi vi phạm quy định trong việc tổ chức bồi dưỡng và cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng bị xử phạt [...]
Những hành vi vi phạm quy định về bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán bị xử phạt
Những hành vi vi phạm quy định về bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán bị xử phạt Theo Luật kế toán 2015, Tài liệu [...]