Có phải đóng bảo hiểm xã hội đối với tiền lương làm thêm giờ?
Những nội dung mà người lao động cần biết về tiền lương làm thêm giờ, những khoản tiền phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật hiện hành.
Quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
Theo Điều 97 Bộ luật lao động 2012, Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
– Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
– Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
– Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định nêu trên, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Xem thêm: Những quy định mới nhất về tiền lương theo Bộ luật lao động 2012
Tiền làm thêm giờ không phải đóng bảo hiểm xã hội
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 30, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định như sau:
“Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại Khoản 1, Điều này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH”.
Trong đó:
– Mức lương và phụ cấp lương theo khoản 1 Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH gồm: Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
– Phụ cấp lương theo điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH gồm: Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh. Các khoản phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
– Các khoản bổ sung khác theo điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Như vậy, tiền lương làm thêm giờ lại là khoản tiền không xác định được mức cụ thể, bởi doanh nghiệp sẽ trả lương theo thời gian làm việc thực tế, người làm nhiều được hưởng nhiều, người làm ít được hưởng ít.
Do đó, tiền lương làm thêm giờ sẽ thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH – là khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Vì vậy, tiền lương làm thêm giờ sẽ không phải đóng BHXH.
Trên đây là nội dung bài viết Có phải đóng bảo hiểm xã hội đối với tiền lương làm thêm giờ?, LawKey gửi tới bạn đọc, nếu có thắc mắc liên hệ LawKey để được giải đáp.
Chế độ tai nạn lao động khi không tham gia BHXH bắt buộc
LawKey xin gửi đến bạn đọc những điều cần biết về giải quyết chế độ tai nạn lao động khi người lao động không [...]
Tết Dương lịch năm 2024 được nghỉ mấy ngày?
Tết Dương lịch năm 2024 người lao động được nghỉ mấy ngày? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. Tết Dương [...]