Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đầu tư chứng khoán được không?
Doanh nghiệp FDI đầu tư chứng khoán tại Việt Nam được không? Lĩnh vực này có hạn chế đối với doanh nghiệp FDI không?
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty tôi là công ty có 100% vốn Nhật Bản dự kiến sẽ đầu tư chứng khoán, cụ thể sẽ mua các loại cổ phiếu, trái phiếu… Vậy luật sư cho tôi hỏi công ty tôi có được thực hiện hoạt động này không? Cần xin giấy phép nào để có thể thực hiện được?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Một số vấn đề pháp lý liên quan
Tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Điều 51 Luật Chứng khoán quy định nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư, hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng được quy định tại Điều 139 Nghị định 155/2020/NĐ-CP như sau:
– Công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà điều ước quốc tế có Việt Nam là thành viên quy định về sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo điều ước quốc tế;
– Công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật liên quan có quy định về sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó;
– Công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định về sở hữu nước ngoài tại danh mục hoặc tối đa 50% vốn điều lệ (trường hợp danh mục không quy định);
– Các trường hợp khác không thuộc các trường hợp nêu trên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế;
– Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài;
– Trường hợp công ty đại chúng quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa thấp hơn tỷ lệ nêu trên thì tỷ lệ cụ thể phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua và quy định tại Điều lệ công ty.
Hoạt động đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài
Điều 138 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam dưới các hình thức sau:
– Trực tiếp đầu tư, giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam: nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trước khi thực hiện các hoạt động đầu tư
– Gián tiếp đầu tư dưới hình thức ủy thác vốn cho công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam: nhà đầu tư nước ngoài không phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán; công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam nhận ủy thác vốn của nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán
Nhà đầu tư nước ngoài được mở tài khoản giao dịch chứng khoán và thực hiện đầu tư ngay sau khi được cấp mã số giao dịch chứng khoán dưới hình thức xác nhận điện tử.
Nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán
Theo Điều 72 Luật Chứng khoán, công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh sau đây:
1. Môi giới chứng khoán;
2. Tự doanh chứng khoán;
3. Bảo lãnh phát hành chứng khoán;
4. Tư vấn đầu tư chứng khoán.
Lưu ý, công ty chứng khoán chỉ được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán/ bảo lãnh phát hành chứng khoán khi được cấp phép thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán/ nghiệp vụ tự doanh chứng khoán.
Xem thêm: Môi giới chứng khoán là gì? Thủ tục cấp chứng chỉ môi giới chứng khoán
Nghiệp vụ kinh doanh của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán
Theo Điều 73 Luật Chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh sau đây:
1. Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;
2. Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán;
3. Tư vấn đầu tư chứng khoán.
Các nghiệp vụ kinh doanh nêu trên được cấp chung trong Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
Xem thêm: Thủ tục thành lập công ty chứng khoán theo quy định hiện nay
Đối chiếu với tình huống của anh/chị
Nếu công ty chỉ mua cổ phiếu, trái phiếu… mà không thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán hay công ty quản lỹ quỹ đầu tư chứng khoán theo các quy định nêu trên thì không cần phải xin giấy phép thành lập tương ứng.
Tuy nhiên, khách phải tuân thủ các quy định đối với tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài khi tham gia thị trường trướng khoán (VD: phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trước khi đầu tư…).
Trên đây là nội dung tư vấn Doanh nghiệp FDI đầu tư chứng khoán tại Việt Nam được không? Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Hạn chế đối với công ty chứng khoán theo pháp luật hiện nay
Khi chuyển tiền nhầm tài khoản ngân hàng người chuyển tiền cần làm gì?
Trong thời đại phát triển, việc chuyển tiền thanh toán hay vạy nợ giữa các cá nhân trở lên dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ [...]
Quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội theo quy định mới nhất
Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong trường hợp nào? Trình tự, thủ tục thực hiện ra sao? Dưới đây là quyết [...]