08 ngộ nhận về sử dụng sổ tiết kiệm cần lưu ý
Gửi tiết kiệm ngân hàng từ lâu đã là hình thức đầu tư an toàn và được tin dùng của người Việt Nam. Tuy nhiên có một số ngộ nhận về sổ tiết kiệm mà rất nhiều người mắc phải. LawKey xin đưa ra 08 ngộ nhận chủ yếu về việc sử dụng sổ tiết kiệm như sau:
Có được cho con chưa thành niên đứng tên sổ tiết kiệm?
Trẻ dưới 15 tuổi có quyền đứng tên sổ tiết kiệm. Việc thực hiện giao dịch mở sổ phải thông qua bố mẹ hoặc người đại diện hợp pháp.
Khoản 1 Điều 75 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, con có quyền sở hữu tài sản được cho tặng, thừa kế, tài sản do lao động, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác.
Pháp luật cho phép cá nhân được sở hữu tài sản từ khi sinh ra nhưng giới hạn độ tuổi thực hiện giao dịch. Nếu con chưa đủ 15 tuổi, mọi giao dịch tiền gửi tiết kiệm phải thực hiện thông qua người đại diện. Trường hợp từ đủ 15 tuổi trở lên, con có quyền tự quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.
Có được cho người không cùng huyết thống thừa kế sổ tiết kiệm?
Chủ sổ có thể chuyển giao quyền sở hữu sổ tiết kiệm cho con đẻ, con riêng hoặc người không cùng huyết thống.
Về chuyển giao, Điều 14 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định, tổ chức tín dụng hướng dẫn người gửi tiền thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm. Chủ sổ có thể liên hệ tổ chức tín dụng nơi mở thẻ để được hướng dẫn chi tiết cách thực hiện thủ tục chuyển quyền.
Bên cạnh đó, chủ sở hữu có thể lập di chúc cho người khác thừa kế sổ tiết kiệm. Nếu chủ sở hữu ghi tên người thừa kế vào di chúc hợp pháp thì họ hoàn toàn có quyền hưởng thừa kế, không phân biệt người thân hay người không cùng huyết thống.
Nếu chẳng may làm mất sổ, có bị mất tiền không?
Nếu làm mất sổ, kẻ gian rất khó rút tiền vì chỉ có chính chủ hoặc người được ủy quyền mới có thể tất toán, dùng sổ cầm cố, bảo lãnh.
Nếu có người đến rút tiền, tổ chức tín dụng sẽ yêu cầu người đó xuất trình sổ tiết kiệm và các giấy tờ xác minh thông tin của người gửi (CMND/CCCD/Hộ chiếu) hoặc văn bản được chính chủ ủy quyền. Sau khi kiểm tra đầy đủ giấy tờ, tổ chức tín dụng phải đối chiếu, xem xét thông tin trên sổ tiết kiệm, chữ ký phải chính xác thì mới cho phép khách hàng rút tiền. Như vậy, tổ chức tín dụng sẽ có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người gửi khi phát hiện sổ tiết kiệm bị lợi dụng, theo điều 18 Thông tư 48/2018/TT-NHNN.
Tuy nhiên, khi phát hiện sổ tiết kiệm bị mất, chủ sở hữu phải thông báo kịp thời cho tổ chức tín dụng và làm thủ tục báo mất tại ngân hàng. Sau khi hoàn tất thủ tục xác minh danh tính, sở hữu, bạn có thể rút tiền hoặc được cấp lại sổ, nếu sổ tiết kiệm chưa tất toán và không bị phong tỏa.
Có được cầm cố sổ tiết kiệm cho ngân hàng hoặc tổ chức, cá nhân để vay tiền?
Điều 13 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định, tiền gửi tiết kiệm có thể được sử dụng để làm tài sản bảo đảm. Việc dùng sổ tiết kiệm để vay tiền được coi là hình thức cầm cố tài sản. Người sở hữu hoàn toàn có quyền sử dụng sổ tiết kiệm để cầm cố vay tiền.
Thế chấp sổ tiết kiệm là sử dụng sổ này để vay một nguồn vốn nhất định tại ngân hàng nhằm phục vụ mục đích: mua ô tô, mua nhà, kinh doanh, tiêu dùng… Khi nhận thế chấp sổ tiết kiệm, ngân hàng sẽ kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn của người vay để tránh “tín dụng ma”. Do đó, bạn cần có phương án sử dụng vốn vay cũng như phương án trả nợ phù hợp trước khi làm thủ tục cầm cố sổ tiết kiệm.
Ngoài ra, Điều 309 Bộ luật dân sự 2015 quy định, cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, pháp luật không quy định cụ thể đối tượng được phép nhận cầm cố, có nghĩa rằng, cá nhân, tổ chức khác cũng có quyền được nhận cầm cố sổ tiết kiệm như một biện pháp bảo đảm nghĩa vụ vay tiền.
Vợ chồng mở một sổ tiết kiệm. Chồng không may bị tai nạn bất tỉnh cần tiền chữa trị. Vợ có thể rút tiền mà không có giấy ủy quyền của chồng?
Với sổ tiết kiệm đứng tên nhiều người, tổ chức tín dụng sẽ yêu cầu người rút tiền phải xuất trình giấy tờ xác minh thông tin của tất cả người gửi (CMND/CCCD/Hộ chiếu). Ngoài ra, người đại diện phải xuất trình văn bản ủy quyền của những người đồng sở hữu.
Như vậy, để rút tiền trong sổ tiết kiệm đứng tên hai người, người vợ phải có giấy ủy quyền của chồng thì mới được phép thực hiện.
Chồng mất đột ngột không có di chúc. Vợ có thể rút tiền trong sổ tiết kiệm của chồng?
Nếu vợ muốn rút sổ tiết kiệm của người chồng đã mất thì phải thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Trường hợp người mất để lại di chúc hợp pháp, việc chia di sản thừa kế được thực hiện theo di chúc. Nếu không có di chúc, số tiền trong sổ tiết kiệm sẽ được coi là di sản thừa kế và được chia đều cho những người trong hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: vợ hoặc chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết, theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015.
Những người thừa kế phải thực hiện thủ tục khai nhận hoặc phân chia di sản thừa kế. Hồ sơ cần chuẩn bị để chia thừa kế gồm: di chúc (nếu có), phiếu yêu cầu công chứng, sổ tiết kiệm, giấy chứng tử, giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người mất và người nhận thừa kế, giấy tờ quan hệ nhân thân của những người thừa kế: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, những người thừa kế phải công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản. Khi có văn bản công chứng, người đồng thừa kế liên hệ với ngân hàng – nơi có sổ tiết kiệm để thực hiện thủ tục rút tiền trong sổ tiết kiệm.
Vợ có một sổ tiết kiệm mở trước khi kết hôn. Sau khi kết hôn, chồng góp lương hàng tháng vào sổ đó. Vậy khi ly hôn, chồng có được chia tiền?
Về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn, Khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, tài sản riêng của vợ, chồng sẽ thuộc quyền sở hữu riêng của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung.
Nếu một hoặc hai bên có yêu cầu chia tài sản trộn lẫn thì mỗi người sẽ được nhận phần giá trị tương ứng với khoản đóng góp vào khối tài sản đó.
Trường hợp sổ tiết kiệm đứng tên vợ, mở trước khi kết hôn thì tài sản này được coi là tài sản riêng của vợ. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, người chồng đưa lương cho vợ để gửi vào sổ tiết kiệm đó nên tài sản chung, riêng bị trộn lẫn. Người chồng có quyền yêu cầu chia số tiền đã góp vào sổ tiết kiệm mang tên vợ. Nếu chứng minh được số tiền đã góp, người chồng có thể được thanh toán phần giá trị này.
Chồng lập sổ và gửi tiết kiệm riêng song không cho vợ biết. Nếu ly hôn, tài sản này có chia đôi?
Trường hợp này, người vợ phải chứng minh mình có hay không công sức và tiền bạc đóng góp vào sổ tiết kiệm của chồng.
Nếu số tiền trong sổ tiết kiệm hoàn toàn do người chồng kiếm được, người vợ không đóng góp công sức hoặc tiền bạc thì sẽ không có quyền yêu cầu phân chia. Trường hợp chứng minh được mình có đóng góp vào sổ tiết kiệm, vợ có quyền yêu cầu chia tài sản.
Sổ tiết kiệm này là tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, dù người chồng đứng tên một mình nhưng vẫn được coi là tài sản chung. Theo nguyên tắc, số tiền trong sổ tiết kiệm sẽ được chia đôi, có tính đến công sức đóng góp của hai người, hoàn cảnh gia đình, lỗi của mỗi bên và một số yếu tố khác.
Trên đây là bài viết về 08 ngộ nhận về sử dụng sổ tiết kiệm cần lưu ý Lawkey gửi tới bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.
Quyền, nghĩa vụ của các bên trong chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản
Quyền, nghĩa vụ của các bên trong chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản theo quy định của Luật [...]
Hình thức kinh doanh bất động sản theo quy định pháp luật
Bất động sản là tài sản đặc thù do đó căn cứ vào từng chủ thể khác nhau mà pháp luật quy định không giống nhau về [...]