Các trường hợp giao dịch dân sự vi phạm ý chí của chủ thể
Giao dịch dân sự là một sự kiện pháp lý gồm hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương, giao dịch dân sự nhằm hướng tới phát sinh các hậu quả pháp lý nhất định. Trong bài viết dưới đây hãy cùng Lawkey tìm hiểu về các trường hợp giao dịch dân sự vi phạm ý chí của chủ thể.
Các trường hợp giao dịch dân sự vi phạm ý chí của chủ thể
Giao dịch dân sự xác lập giả tạo
Theo Điều 124 Bộ luật dân sự năm 2015 thì:
1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.
Giao dịch dân sự xác lập do nhầm lẫn
Nhầm lẫn là việc các bên hình dung sai về nội dung của giao dịch mà tham gia vào giao dịch gây thiệt hại cho mình hoặc bên kia
Điều 126 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về giao dịch dân sự xác lập do nhầm lẫn như sau:
1. Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.
Giao dịch dân sự xác lập do bị lừa dối
Theo Bộ luật dân sự hiện hành, lừa dối là một trong những yếu tố dẫn đến giao dịch dân sự vi phạm ý chí chủ thể. Điều 127 Bộ luật dân sự năm 2015 đã có quy định: khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối…thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu.
Để xét một giao dịch dân sự là lừa dối cần quan tâm đến những yếu tố như:
– Yếu tố lỗi: lỗi được xác định là lỗi cố ý, người thực hiện hành vi lừa dối nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
– Yếu tố chủ thể có hành vi lừa dối: chủ thể lừa dối có thể là của một bên chủ thể hoặc của người thứ ba là hành vi cố ý làm cho bên kia hiểu không đúng hiểu sai lệch về các vấn đề liên quan đến giao dịch, do đó chủ thể thực hiện hành vi lừa dối không bắt buộc là chủ thể xác lập giao dịch.
– Phạm vi lừa dối: phạm vi rộng bao gồm về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự.
– Cách thức thực hiện hành vi lừa dối: có thể thông qua hành động hoặc lời nói, ngôn từ.
Giao dịch dân sự xác lập do bị đe dọa, cưỡng ép
Cưỡng ép, đe dọa được ghi nhận là một trong những yếu tố khiến chủ thể không thể thực hiện ý chí tự nguyện của mình theo mong muốn.
Theo Điều 127 Bộ luật dân sự năm 2015 thì:
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.
Giao dịch dân sự xác lập do người không có nhận thức, làm chủ hành vi
Ngoài những người được pháp luật xác định là không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi không được xác lập giao dịch dân sự, pháp luật cũng quy định thêm về trường hợp người có năng lực dân sự và làm chủ hành vi nhưng tại thời điểm xác lập giao dịch dân sự không thể làm chủ hành vi, có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Trên đây là nội dung bài viết Các trường hợp giao dịch dân sự vi phạm ý chí của chủ thể Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn đọc vui lòng liên hệ LawKey để được giải đáp chi tiết.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là gì? Hình phạt theo luật mới nhất
Hiện nay, các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi. Vì vậy, đã có rất nhiều người bị lừa và mất [...]
Thủ tục cấp mã số APE và thủ tục đăng ký văn bản IDERA
Việt Nam là thành viên Công ước Cape Town, do đó cần tuân thủ các quy định về thủ tục cấp mã số AEP và thủ tục đăng [...]