Căn cước công dân gắn chip là gì?
Căn cước công dân gắn chip là gì? Lệ phí làm căn cước công dân là bao nhiêu? Làm căn cước công dân thì khi nào có? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Căn cước công dân gắn chip là gì?
Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014 quy định cụ thể về căn cước công dân như sau:
“Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này.”
Theo đó, căn cước công dân có gắn chip là căn cước công dân nhưng được gắn thêm một mã QR nằm ở góc trên mặt trước của thẻ và con chip ở mặt sau thẻ.
Hai thành phần này giúp thẻ căn cước công dân có thể tích hợp thêm các thông tin cá nhân như: hộ khẩu, bảo hiểm, bằng lái xe, số chứng minh nhân dân cũ…; mã hóa các dữ liệu cá nhân cơ bản như họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, đặc điểm nhận dạng.
Như vậy, căn cước công dân có gắn chip chính là thẻ căn cước công dân phiên bản tối ưu hơn, hiện đại hơn với nhiều tiện ích vượt trội hơn, tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý của Chính phủ.
Lệ phí làm căn cước công dân
Theo Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC về mức thu lệ phí như sau:
“Điều 4. Mức thu lệ phí
1. Công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân: 30.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
2. Đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
3. Cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ Căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.”
Như vậy, mức thu lệ phí đối với thẻ căn cước công dân được quy định như trên.
Thời gian trả thẻ khi làm căn cước công dân là bao lâu?
Thời hạn cơ quan quản lý căn cước công dân phải cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân gắn chip kể từ ngày nhận đủ hồ sơ được quy định tại Điều 25 Luật Căn cước công dân 2014 như sau:
“Điều 25. Thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân
1. Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại;
2. Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;
3. Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;
4. Theo lộ trình cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ Công an quy định rút ngắn thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.”
Trong trường hợp muốn đổi từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân, thời hạn cụ thể đối với từng địa điểm là:
- Không quá 07 ngày làm việc khi đổi tại thành phố, thị xã;
- Không quá 20 ngày làm việc khi đổi tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo;
- Không quá 15 ngày làm việc tại các khu vực còn lại.
Tuy nhiên trên thực tế, khoảng thời gian trên có thể rút ngắn hoặc kéo dài, tùy vào số lượng người đến làm căn cước công dân gắn chip, tốc độ làm việc của các cán bộ quản lý căn cước công dân cũng như tình hình dịch bệnh hiện nay.
>>Xem thêm: Làm thẻ Căn cước công dân tại nơi tạm trú được không?
Trên đây là bài viết về: Căn cước công dân gắn chip là gì?. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Tuyển dụng công chức theo quy định của pháp luật
Công chức là gì? Công chức được tuyển dụng như thế nào theo quy định pháp luật. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để [...]
Tố cáo là gì? nguyên tắc giải quyết tố cáo theo quy định hiện nay
Tố cáo là gì? Khái niệm và nguyên tắc tố cáo theo quy định tại Luật tố cáo 2018 được quy định như thế nào? Cùng Lawkey [...]