Thời hạn giải quyết tố cáo
Theo quy định pháp luật thì thời hạn giải quyết tố cáo là bao lâu? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Thời hạn giải quyết tố cáo
Điều 30 Luật Tố cáo 2018 quy định về thời hạn giải quyết tố cáo như sau:
♠ Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.
♠ Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.
Trong đó, vụ việc phức tạp là vụ việc có một trong các tiêu chí sau:
- Tố cáo về một nội dung nhưng phải xác minh từ 02 địa điểm trở lên;
- Tố cáo có từ 02 nội dung phải xác minh trở lên;
- Nhiều người tố cáo về cùng một nội dung hoặc nội dung tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều người;
- Tố cáo có yếu tố nước ngoài: người tố cáo ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài; hành vi bị tố cáo xảy ra ở nước ngoài; nội dung tố cáo phải xác minh ở nước ngoài;
- Nội dung tố cáo liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức;
- Các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình giải quyết tố cáo còn ý kiến khác nhau;
- Có tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thời gian kiểm tra, xác minh, đánh giá hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn.
(Khoản 2 Điều 3 Nghị định 31/2019/NĐ-CP)
♠ Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
Trong đó, theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 31/2019/NĐ-CP, vụ việc đặc biệt phức tạp là vụ việc có từ 02 tiêu chí trở lên được quy định là tiêu chí xác định vụ việc phức tạp nêu trên.
Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều kiện thụ lý tố cáo
Căn cứ khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo 2018, người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện sau:
- Tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Tố cáo 2018 về tiếp nhận tố cáo;
- Người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự. Trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật;
- Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo;
- Nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.
Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi:
Người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật.
Nội dung của quyết định thụ lý tố cáo
Quyết định thụ lý tố cáo bao gồm các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Tố cáo 2018 như sau:
1. Ngày, tháng, năm ra quyết định;
2. Căn cứ ra quyết định;
3. Nội dung tố cáo được thụ lý;
4. Thời hạn giải quyết tố cáo.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thông báo cho người tố cáo và thông báo về nội dung tố cáo cho người bị tố cáo biết.
(Khoản 3 Điều 29 Luật Tố cáo 2018)
>>Xem thêm: Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo theo Luật tố cáo 2018
Trên đây là bài viết về: Thời hạn giải quyết tố cáo. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Nghiệp vụ thị trường mở của Ngân hàng nhà nước là gì?
Nghiệp vụ thị trường mở là một hoạt động của Ngân hàng nhà nước nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, quản [...]
Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị
Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan [...]