Tài sản công là gì?
Tài sản công là gì? Hiện nay, có những hình thức cho thuê tài sản công nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tài sản công là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm:
- Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;
- Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;
- Tài sản công tại doanh nghiệp;
- Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước;
- Đất đai và các loại tài nguyên khác.
Các trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được cho thuê tài sản công
Khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 như sau:
- Tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất;
- Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để cho thuê mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.
Các hình thức cho thuê tài sản công
Việc cho thuê tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo các hình thức theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Nghị định 151/2017/NĐ-CP như sau:
♠ Đấu giá áp dụng đối với gói cho thuê tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp. Việc đấu giá cho thuê tài sản được thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 Điều 24 Nghị định 151/2017/NĐ-CP và pháp luật về đấu giá tài sản;
♠ Cho thuê trực tiếp áp dụng trong các trường hợp sau:
- Tài sản là phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị;
- Cho thuê từng hạng mục thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp (hội trường, phòng họp, phòng hội thảo, phòng thí nghiệm, phòng điều trị…) trong thời gian dưới 15 ngày hoặc từ 15 ngày trở lên nhưng không liên tục.
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập xác định và niêm yết giá cho thuê tại trụ sở đơn vị.
Đồng thời, thông báo công khai giá cho thuê tài sản trên Trang thông tin của đơn vị (nếu có), Cổng thông tin điện tử của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Trang thông tin điện tử về tài sản công của Bộ Tài chính, Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công.
Giá cho thuê tài sản công
Phương thức và giá cho thuê tài sản công được quy định tại khoản 3 Điều 57 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 như sau:
- Đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp và tài sản khác có giá trị lớn theo quy định của Chính phủ thực hiện theo phương thức đấu giá. Giá cho thuê là giá trúng đấu giá.
- Đối với tài sản không thuộc trường hợp trên thực hiện theo phương thức thoả thuận. Giá cho thuê tài sản do người cho thuê và người đi thuê tài sản thoả thuận theo giá thuê trên thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ.
Thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công
Thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đề án cho thuê đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp; tài sản khác có giá trị lớn theo quy định của Chính phủ;
- Hội đồng quản lý hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt đề án cho thuê đối với tài sản không thuộc trường hợp nêu trên.
(Khoản 2 Điều 57 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017)
Yêu cầu đối với việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê
Theo khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu sau:
- Được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại mục 5 nêu trên cho phép;
- Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao;
- Không làm mất quyền sở hữu về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao;
- Sử dụng tài sản đúng mục đích được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị;
- Phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản;
- Tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật;
- Nhà nước không cấp kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa đối với tài sản công chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn thu được từ việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công theo quy định;
- Thực hiện theo cơ chế thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
>>Xem thêm: Sử dụng tài sản công để tham gia DAĐT theo hình thức đối tác công tư
Trên đây là bài viết về: Tài sản công là gì?. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Trình tự tiếp nhận tin báo về tai nạn giao thông theo quy định
Theo Thông tư 63/2020/TT-BCA, khi nhận được tin báo về tai nạn giao thông, các đơn vị cảnh sát giao thông thực hiện tiếp nhận [...]
Những hành vi bị cấm khi tiếp công dân của cơ quan nhà nước
Khái niệm tiếp công dân là gì? Cơ quan nhà nước khi tiếp công dân phải tuân thủ những nguyên tắc nào? Những hành vi bị [...]