Xử lý khi bắt hoặc tiếp nhận người bị bắt theo quyết định truy nã
Xử lý khi bắt hoặc tiếp nhận người bị bắt theo quyết định truy nã được quy định thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Đối tượng bị truy nã
Theo Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC thì đối tượng bị truy nã bao gồm:
- Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.
- Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn.
- Người bị kết án phạt tù bỏ trốn.
- Người bị kết án tử hình bỏ trốn.
- Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.
Nguyên tắc truy nã
Nguyên tắc truy nã theo Điều 3 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC như sau:
- Việc truy nã phải nhanh chóng, kịp thời và phải đúng người, đúng hành vi phạm tội, bảo đảm tôn trọng quyền tự do, dân chủ của công dân theo quy định của pháp luật.
- Nghiêm cấm ra quyết định truy nã trái với quy định của pháp luật và hướng dẫn của Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC.
Xử lý khi bắt hoặc tiếp nhận người bị bắt theo quyết định truy nã
Xử lý khi bắt hoặc tiếp nhận người bị bắt theo quyết định truy nã theo Điều 13 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC như sau:
♠ Sau khi bắt hoặc tiếp nhận người bị bắt theo quyết định truy nã (kể cả trường hợp người bị truy nã ra đầu thú), Cơ quan điều tra đã bắt hoặc tiếp nhận người bị truy nã phải thực hiện:
Lấy lời khai người bị bắt (lập danh bản, chỉ bản, chụp ảnh người bị bắt) và gửi ngay thông báo (kèm danh bản, chỉ bản, ảnh người bị bắt) cho cơ quan đã ra quyết định truy nã biết để đến nhận người bị bắt.
♠ Trường hợp xét thấy cơ quan ra quyết định truy nã không thể đến nhận ngay người bị bắt thì Cơ quan điều tra đã bắt hoặc tiếp nhận người bị bắt ra quyết định tạm giữ và gửi ngay quyết định tạm giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Nếu cơ quan đã ra quyết định truy nã vẫn chưa đến nhận người bị bắt thì chậm nhất trước khi hết thời hạn tạm giữ 12 giờ, Cơ quan điều tra đã bắt hoặc tiếp nhận người bị bắt phải chuyển hồ sơ kèm theo Công văn đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp gia hạn tạm giữ đối với người bị bắt.
Thời hạn gia hạn tạm giữ và việc xét phê chuẩn việc gia hạn tạm giữ được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 118 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
♠ Sau khi nhận được thông báo kèm theo danh bản, chỉ bản, ảnh người bị bắt, cơ quan đã ra quyết định truy nã phải kiểm tra ngay để xác định đúng là người đang bị truy nã hay không;
Nếu xác định đúng thì phải đến nhận ngay người bị bắt; nếu không đúng phải thông báo lại ngay để Cơ quan điều tra đang giữ người bị bắt biết và giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không thể đến nhận ngay người bị bắt thì cơ quan đã ra quyết định truy nã có thẩm quyền bắt để tạm giam phải ra ngay lệnh tạm giam và gửi lệnh tạm giam kèm theo quyết định truy nã cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn.
Trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị phê chuẩn, Viện kiểm sát có trách nhiệm xét phê chuẩn lệnh tạm giam đối với các trường hợp bắt theo quyết định truy nã để cơ quan ra quyết định truy nã kịp thời gửi lệnh tạm giam kèm theo quyết định phê chuẩn cho Cơ quan điều tra đã bắt hoặc tiếp nhận người bị bắt.
Khi nhận được lệnh tạm giam đã được Viện kiểm sát phê chuẩn, Cơ quan điều tra đã bắt hoặc tiếp nhận người bị bắt theo quyết định truy nã phải gửi ngay lệnh tạm giam kèm theo quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát cho trại tạm giam, nhà tạm giữ nơi đang tạm giữ người bị bắt.
♠ Trường hợp người bị bắt theo quyết định truy nã của Cơ quan thi hành án hình sự hoặc của các trại giam, trại tạm giam trước khi hết thời hạn tạm giữ 12 giờ mà cơ quan đã ra quyết định truy nã vẫn không thể đến nhận người bị bắt thì:
Phải gửi ngay bản án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định thi hành án phạt tù, quyết định thi hành án phạt trục xuất cho Cơ quan điều tra đã bắt hoặc tiếp nhận người bị bắt (nếu ở xa thì Fax các văn bản trên sau đó gửi ngay bản chính) để làm căn cứ giam, giữ hoặc đưa vào cơ sở lưu trú (đối với trường hợp thi hành án phạt trục xuất).
♠ Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định truy nã theo yêu cầu của Viện kiểm sát hoặc Tòa án thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo bằng văn bản về việc đã bắt được người bị truy nã, Viện kiểm sát hoặc Tòa án đã yêu cầu truy nã phải thực hiện:
Ra ngay lệnh tạm giam và gửi cho Cơ quan điều tra đã bắt hoặc tiếp nhận người bị bắt (nếu ở xa thì Fax lệnh tạm giam trước, sau đó gửi ngay bản chính), đồng thời thông báo cho cơ quan đã ra quyết định truy nã biết về việc đã gửi lệnh tạm giam.
♠ Trước khi hết thời hạn tạm giữ 24 giờ (kể cả thời hạn gia hạn tạm giữ) mà trại tạm giam, nhà tạm giữ vẫn không nhận được lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã hoặc lệnh tạm giam của Viện kiểm sát, Tòa án nơi đã yêu cầu truy nã thì trại tạm giam, nhà tạm giữ thông báo ngay cho Cơ quan điều tra nơi đã bắt hoặc tiếp nhận người bị truy nã.
Ngay sau khi nhận được thông báo của trại tạm giam, nhà tạm giữ, Cơ quan điều tra nơi đã bắt hoặc tiếp nhận người bị truy nã có văn bản yêu cầu cơ quan đã ra quyết định truy nã đến nhận ngay người bị bắt.
♠ Trong trường hợp một người có nhiều quyết định truy nã, khi bắt giữ theo quyết định truy nã của cơ quan nào thì Cơ quan điều tra đã bắt hoặc tiếp nhận người bị truy nã thông báo cho cơ quan đó đến nhận người bị bắt.
Cơ quan đến nhận người bị bắt phải thông báo cho các cơ quan đã ra quyết định truy nã biết để ra quyết định đình nã và phối hợp điều tra theo quy định của pháp luật.
♠ Khi giao người bị bắt theo quyết định truy nã cho cơ quan đã ra quyết định truy nã, Cơ quan điều tra đã bắt hoặc tiếp nhận người bị bắt phải bàn giao kèm theo hồ sơ gồm:
1. Biên bản bắt người theo quyết định truy nã;
2. Biên bản ghi lời khai người bị bắt;
3. Quyết định tạm giữ;
4. Quyết định gia hạn tạm giữ;
5. Lệnh tạm giam;
6. Quyết định phê chuẩn lệnh tạm giam;
7. Danh bản, chỉ bản và các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Lưu ý: Khi bàn giao phải lập biên bản theo quy định.
♠ Khi dẫn giải đối tượng truy nã nếu cần thiết phải nghỉ qua đêm thì cán bộ dẫn giải xuất trình giấy tờ và đề xuất gửi đối tượng truy nã tại nhà tạm giữ, trại tạm giam nơi gần nhất.
Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ liên quan đến đối tượng truy nã, đồng thời làm thủ tục nhận gửi đối tượng truy nã.
>>Xem thêm: Doanh nghiệp không chốt sổ BHXH có bị xử phạt không?
Trên đây là bài viết về: Xử lý khi bắt hoặc tiếp nhận người bị bắt theo quyết định truy nã. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự
Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự là giấy tờ pháp lý không thể thiếu khi kinh doanh thiết bị, phần [...]
Con ngoài giá thú có quyền được nhận cấp dưỡng?
Con ngoài giá thú là con của cha và mẹ chưa đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Vậy con ngoài giá thú có quyền được [...]