Nghị định 06/2019/NĐ-CP
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2019/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2019 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM VÀ THỰC THI CÔNG ƯỚC VỀ BUÔN BÁN QUỐC TẾ CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; chế độ quản lý, bảo vệ, trình tự, thủ tục khai thác các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; nuôi động vật rừng thông thường; thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây viết tắt là CITES) tại Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES; nuôi động vật rừng thông thường trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ được hiểu như sau:
1. Loài dùng để chỉ một loài, một phân loài hoặc một quần thể động vật, thực vật cách biệt về địa lý.
2. Loài lai là kết quả giao phối hay cấy ghép hai loài hoặc hai phân loài động vật hoặc thực vật với nhau. Trong trường hợp loài lai là kết quả giao phối hay cấy ghép giữa hai loài được quy định trong các Nhóm hoặc Phụ lục khác nhau, loài lai đó được quản lý theo loài thuộc Nhóm hoặc Phụ lục mức độ bảo vệ cao hơn.
3. Giấy phép CITES, chứng chỉ CITES do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, tái nhập khẩu, nhập nội từ biển hợp pháp mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES; xuất khẩu mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Nghị định này và không thuộc Danh mục các loài thuộc Phụ lục CITES.
4. Phụ lục CITES bao gồm:
a) Phụ lục I là những loài động vật, thực vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng, bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại;
b) Phụ lục II là những loài động vật, thực vật hoang dã hiện chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có thể sẽ bị tuyệt chủng, nếu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật những loài này khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại không được kiểm soát;
c) Phụ lục III là những loài động vật, thực vật hoang dã mà một quốc gia thành viên CITES yêu cầu các quốc gia thành viên khác hợp tác để kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu vì mục đích thương mại.
5. Bộ phận của động vật, thực vật hoang dã nguy cấp là bất kỳ thành phần nào (như da, vỏ, rễ) ở dạng thô hay đã qua sơ chế (như bảo quản, làm bóng…) có khả năng nhận dạng được của loài đó.
6. Dẫn xuất của các loài động vật, thực vật là toàn bộ các dạng vật chất được lấy ra từ động vật, thực vật như: Máu, dịch mật của động vật; nhựa, tinh dầu lấy ra từ thực vật; hoặc là các phần của động vật, thực vật đã được chế biến như là thuốc, nước hoa, đồng hồ, túi xách…
7. Mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp bao gồm động vật, thực vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài đó.
8. Động vật rừng thông thường là các loài động vật rừng thuộc các lớp thú, chim, bò sát, lưỡng cư và không thuộc: Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm do Chính phủ ban hành hoặc Danh mục các loài thuộc Phụ lục CITES; Danh mục động vật được nuôi, thuần hoá thành vật nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.
9. Khai thác mẫu vật loài động vật, thực vật là hoạt động lấy mẫu vật loài động vật, thực vật hoang dã trong môi trường tự nhiên.
10. Vì mục đích thương mại là bất kỳ hoạt động giao dịch nào đối với mẫu vật loài động vật, thực vật hoang dã nhằm mục đích lợi nhuận.
11. Không vì mục đích thương mại là các hoạt động phục vụ ngoại giao; nghiên cứu khoa học; trao đổi giữa các vườn động vật, vườn thực vật, bảo tàng; triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm; biểu diễn xiếc; trao đổi, trao trả mẫu vật giữa các Cơ quan quản lý CITES.
12. Vườn động vật là nơi sưu tập, nuôi giữ các loài động vật hoang dã nhằm mục đích trưng bày, nhân giống, giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học.
13. Vườn thực vật là nơi sưu tập, chăm sóc các loài thực vật hoang dã phục vụ mục đích trưng bày, nhân giống, giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học.
14. Nhập nội từ biển là hoạt động đưa vào lãnh thổ Việt Nam mẫu vật loài động vật, thực vật hoang dã quy định tại Phụ lục CITES được khai thác từ vùng biển không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào.
15. Tái xuất khẩu là xuất khẩu mẫu vật đã nhập khẩu trước đó.
16. Môi trường có kiểm soát là môi trường có sự quản lý của con người nhằm tạo ra những loài thuần chủng hoặc những cây lai, con lai. Môi trường có kiểm soát phải đảm bảo các điều kiện để ngăn ngừa sự xâm nhập hoặc phát tán của động vật, thực vật, trứng, giao tử, hợp tử, hạt, mầm, gen, dịch bệnh ra ngoài hoặc vào trong môi trường đó.
17. Cơ sở nuôi, cơ sở trồng, bao gồm: Cơ sở nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và/hoặc loài động vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES và/hoặc loài động vật rừng thông thường; cơ sở trồng cấy nhân tạo loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và/hoặc loài thực vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES không vì mục đích thương mại hoặc vì mục đích thương mại.
18. Nuôi sinh trưởng là hình thức nuôi giữ con non, trứng của các loài động vật hoang dã khai thác từ tự nhiên để nuôi lớn, cho ấp nở thành các cá thể con trong môi trường có kiểm soát.
19. Nuôi sinh sản là hình thức nuôi giữ động vật hoang dã để sản sinh ra các thế hệ kế tiếp trong môi trường có kiểm soát.
20. Trồng cấy nhân tạo là hình thức trồng, cấy từ hạt, mầm, hợp tử, ghép cành hoặc các cách nhân giống khác thực vật hoang dã trong môi trường có kiểm soát.
21. Nguồn giống sinh sản là cá thể động vật ban đầu hợp pháp được nuôi trong cơ sở nuôi sinh sản để sản xuất ra các cá thể thế hệ kế tiếp.
22. Thế hệ F1 gồm các cá thể được sinh ra trong môi trường có kiểm soát, trong đó có ít nhất bố hoặc mẹ được khai thác từ tự nhiên.
23. Thế hệ F2 hoặc các thế hệ kế tiếp gồm các cá thể được sinh ra trong môi trường có kiểm soát bởi cặp bố, mẹ thế hệ F1 trở đi.
24. Vật dụng cá nhân, vật dụng hộ gia đình có nguồn gốc động vật, thực vật hoang dã là mẫu vật có nguồn gốc hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình. Mẫu vật sống không được coi là vật dụng cá nhân, vật dụng hộ gia đình.
25. Mẫu vật đồ lưu niệm là vật dụng cá nhân, vật dụng hộ gia đình có được ngoài quốc gia thường trú của chủ sở hữu mẫu vật. Động vật sống không được coi là mẫu vật đồ lưu niệm.
26. Mẫu vật săn bắt là mẫu vật có được từ các hoạt động săn bắt hợp pháp.
27. Mẫu vật tiền Công ước là mẫu vật có được trước ngày loài đó được quy định tại các Phụ lục CITES hoặc trước khi quốc gia thành viên gia nhập, trong các trường hợp sau:
a) Mẫu vật được đưa ra khỏi nơi sinh sống tự nhiên của chúng;
b) Mẫu vật được sinh ra trong môi trường có kiểm soát;
c) Chủ sở hữu có quyền sở hữu hợp pháp đối với mẫu vật.
28. Quốc gia thành viên CITES là quốc gia mà ở đó CITES có hiệu lực.
Chương II
DANH MỤC, CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM; NUÔI ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG
Điều 4. Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
1. Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ban hành kèm theo Nghị định này, gồm:
a) Nhóm I: Các loài thực vật rừng, động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục I CITES phân bố tự nhiên tại Việt Nam.
Nhóm IA: các loài thực vật rừng.
Nhóm IB: các loài động vật rừng.
b) Nhóm II: Các loài thực vật rừng, động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục II CITES có phân bố tự nhiên tại Việt Nam.
Nhóm IIA: Các loài thực vật rừng.
Nhóm IIB: Các loài động vật rừng.
2. Sửa đổi, bổ sung Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Định kỳ 05 năm một lần, hoặc trong trường hợp có thay đổi về các loài quy định tại khoản 1 Điều này hoặc Danh mục các loài thuộc Phụ lục I và II CITES thay đổi liên quan tới các loài thực vật rừng, động vật rừng phân bố tự nhiên ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Điều 5. Bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
1. Hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, chế biến, vận chuyển, buôn bán các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không được ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của loài đó trong tự nhiên.
2. Mọi hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải được quản lý, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp.
3. Khu vực sinh cảnh sống thường xuyên, tập trung của các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được nghiên cứu làm cơ sở để thành lập các khu rừng đặc dụng.
4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, xây dựng công trình, điều tra, thăm dò, nghiên cứu, tham quan, du lịch và các hoạt động khác trong các diện tích rừng có thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải thực hiện các quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 6. Điều tra, đánh giá hiện trạng thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
1. Các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được điều tra, đánh giá tình trạng cùng với hoạt động điều tra rừng theo quy định của Quy chế quản lý rừng.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra, đánh giá thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trên phạm vi cả nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, đánh giá trên diện tích rừng trong phạm vi của tỉnh.
3. Nhà nước khuyến khích chủ rừng thực hiện việc điều tra, đánh giá hiện trạng và diễn biến thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trong phạm vi diện tích được nhà nước giao, cho thuê.
Điều 7. Nghiên cứu khoa học về thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
1. Hoạt động nghiên cứu khoa học về bảo tồn, phát triển bền vững các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thực hiện theo đúng đề tài, dự án đã được phê duyệt và tuân thủ Quy chế quản lý rừng.
2. Trước khi thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học phải báo cáo bằng văn bản với chủ rừng và cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp cấp tỉnh để giám sát quá trình thực hiện.
Điều 8. Xử lý trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm xâm hại hoặc đe dọa tính mạng, tài sản của con người
1. Trong trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa xâm hại nghiêm trọng tài sản hoặc tính mạng con người; tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp xua đuổi, hạn chế gây tổn thương đến động vật, đồng thời thông tin ngay với cơ quan Kiểm lâm hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện nơi gần nhất.
2. Trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa tấn công trực tiếp đến tính mạng con người ở ngoài các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, sau khi đã áp dụng các biện pháp xua đuổi nhưng không có hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định và chỉ đạo việc bẫy, bắt, bắn cá thể động vật đó.
3. Xử lý đối với mẫu vật các loài động vật hoang dã sau khi bẫy, bắt, bắn quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 32 Nghị định này.
Điều 9. Khai thác, nuôi, trồng, chế biến, kinh doanh, quảng cáo, vận chuyển, xuất khẩu mẫu vật thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
1. Khai thác; nuôi, trồng; chế biến, kinh doanh, quảng cáo, trưng bày; xuất khẩu; vận chuyển, cất giữ mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm các loài Nhóm I thực hiện theo quy định tại Nghị định này đối với các loài thuộc Phụ lục I CITES.
2. Khai thác; nuôi, trồng; chế biến, kinh doanh, quảng cáo, trưng bày; xuất khẩu; vận chuyển, cất giữ mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm các loài Nhóm II thực hiện theo quy định tại Nghị định này đối với các loài thuộc Phụ lục II CITES.
3. Miễn trừ giấy phép CITES nhập khẩu trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I không thuộc Phụ lục I CITES.
Điều 10. Xử lý mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm sau tịch thu
1. Xử lý mẫu vật sống:
a) Việc xử lý tịch thu phải chăm sóc mẫu vật, tránh rủi ro để mẫu vật bị chết;
b) Ngay sau xử lý mẫu vật theo quy định của pháp luật phải bàn giao cho cơ quan Kiểm lâm sở tại để tổ chức chăm sóc và bảo quản mẫu vật. Đối với mẫu vật sống xử lý theo thứ tự ưu tiên sau: Thả lại môi trường tự nhiên phù hợp với sinh cảnh và phân bố tự nhiên của loài nếu mẫu vật khỏe mạnh; hoặc chuyển giao cho cơ sở cứu hộ động vật, vườn động vật hoặc vườn thực vật nếu mẫu vật yếu cần cứu hộ hoặc tiêu hủy.
2. Mẫu thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này xử lý như sau:
a) Mẫu vật các loài Nhóm IA, IB thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công;
b) Mẫu vật các loài Nhóm IIA, IIB chuyển giao cho tổ chức khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành để trưng bày vì mục đích giáo dục bảo tồn; bán đấu giá cho tổ chức, cá nhân nuôi, trồng, chế biến, kinh doanh theo quy định của pháp luật; hoặc tiêu hủy trong trường hợp không thể thực hiện các biện pháp xử lý khác.
Điều 11. Nuôi động vật rừng thông thường
Tổ chức, cá nhân nuôi động vật rừng thông thường phải đảm bảo các điều kiện sau:
1. Đảm bảo nguồn gốc động vật rừng nuôi hợp pháp theo quy định của pháp luật;
2. Đảm bảo an toàn cho con người; thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường, thú y;
3. Thực hiện việc ghi chép sổ theo dõi vật nuôi quy định theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc, kể từ ngày đưa động vật rừng thông thường về cơ sở nuôi, tổ chức, cá nhân phải gửi thông báo cho cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, quản lý theo quy định của pháp luật.
Chương III
THỰC THI CITES
Mục 1: KHAI THÁC
Điều 12. Khai thác mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I, II CITES
1. Khai thác từ tự nhiên mẫu vật thuộc Phụ lục I CITES trong các trường hợp sau:
a) Phục vụ các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học;
b) Tạo nguồn giống gốc phục vụ nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo;
c) Phục vụ công tác đối ngoại theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Khai thác từ tự nhiên mẫu vật thuộc Phụ lục II CITES trong các trường hợp sau:
a) Phục vụ các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học;
b) Tạo nguồn giống gốc phục vụ nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo;
c) Phục vụ công tác đối ngoại theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
d) Phục vụ thương mại bền vững theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác:
a) Có phương án khai thác theo Mẫu số 01 và Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Trước khi thực hiện hoạt động khai thác phải thông báo cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp hoặc thủy sản cấp tỉnh để giám sát thực hiện;
c) Khai thác không ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn và phát triển bền vững của quần thể;
d) Thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và CITES về khai thác mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Điều 13. Kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I, II CITES
1. Cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, nguồn gốc mẫu vật các loài động vật, thực vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục I, II CITES trên địa bàn.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, nguồn gốc mẫu vật các loài thủy sản thuộc Phụ lục I, II CITES trên địa bàn.
Mục 2: NUÔI, TRỒNG
Điều 14. Điều kiện nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES không vì mục đích thương mại
1. Có dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt và có phương án nuôi, trồng theo Mẫu số 04, Mẫu số 05, Mẫu số 06 và Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Cơ sở nuôi, trồng phù hợp với đặc tính sinh trưởng của loài được nuôi, trồng; đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi, trồng, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.
3. Đảm bảo nguồn giống hợp pháp: Khai thác hợp pháp; mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật; nhập khẩu hợp pháp hoặc mẫu vật từ cơ sở nuôi, trồng hợp pháp khác.
4. Trong quá trình nuôi, trồng phải lập sổ theo dõi nuôi, trồng theo Mẫu số 16, Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, về lâm nghiệp cấp tỉnh.
Điều 15. Điều kiện nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES vì mục đích thương mại
1. Đối với động vật:
a) Đảm bảo nguồn giống hợp pháp: Khai thác hợp pháp; mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật; nhập khẩu hợp pháp hoặc mẫu vật từ cơ sở nuôi hợp pháp khác;
b) Chuồng, trại được xây dựng phù hợp với đặc tính của loài nuôi; bảo đảm các điều kiện an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh;
c) Loài nuôi là loài được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam công bố có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát; và được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản việc nuôi sinh sản, sinh trưởng không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài có liên quan trong tự nhiên;
d) Có phương án nuôi theo Mẫu số 04, Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Đối với thực vật:
a) Đảm bảo nguồn giống hợp pháp: Khai thác hợp pháp; mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật; nhập khẩu hợp pháp hoặc mẫu vật từ cơ sở trồng hợp pháp khác;
b) Cơ sở trồng phù hợp với đặc tính của loài;
c) Có phương án trồng theo Mẫu số 05, Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Trong quá trình nuôi, trồng phải lập sổ theo dõi nuôi, trồng theo Mẫu số 16, Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, về lâm nghiệp cấp tỉnh.
Điều 16. Mã số cơ sở nuôi, trồng
1. Nội dung mã số gồm: tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của cơ sở, thông tin về loài nuôi, trồng theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Hình thức thể hiện mã số:
a) Hai chữ cái đầu thể hiện Phụ lục và loại mẫu vật: IA là thực vật thuộc Phụ lục I hoặc Nhóm I; IB là động vật thuộc Phụ lục I hoặc Nhóm I; IIA là thực vật thuộc Phụ lục II hoặc Nhóm II; IIB là động vật thuộc Phụ lục II hoặc Nhóm II tại Danh mục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Các chữ cái tiếp theo thể hiện mục đích của cơ sở nuôi, trồng: mã quốc gia VN đối với nuôi, trồng không vì mục đích thương mại; chữ viết tắt của tỉnh nơi đặt cơ sở đối với nuôi, trồng vì mục đích thương mại. Quy ước viết tắt tên tỉnh, thành phố được quy định theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
c) Các chữ số tiếp theo thể hiện số thứ tự của cơ sở nuôi, trồng cấy nhân tạo trên địa bàn tỉnh.
3. Trong trường hợp cơ sở nuôi, trồng đồng thời mẫu vật của nhiều loài có quy chế, bảo vệ khác nhau thì mã số của cơ sở nuôi, trồng theo loài có quy chế quản lý, bảo vệ cao nhất.
Điều 17. Đăng ký mã số cơ sở nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I CITES
1. Cơ quan cấp mã số
Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp mã số cơ sở nuôi, trồng các loài thuộc Phụ lục I CITES.
2. Hồ sơ đề nghị đăng ký mã số cơ sở nuôi, trồng
a) Đề nghị cấp mã số cơ sở nuôi, trồng theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chính phương án nuôi theo Mẫu số 04, phương án trồng theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Trình tự tiếp nhận hồ sơ, cấp mã số nuôi, trồng
a) Đại diện hợp pháp của chủ cơ sở gửi trực tiếp; qua bưu điện hoặc qua cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này tới Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp mã số cho cơ sở. Trường hợp cần kiểm tra thực tế các điều kiện nuôi, trồng quy định tại Điều 14, Điều 15 Nghị định này, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cơ quan khoa học CITES Việt Nam và các tổ chức thực hiện, nhưng thời hạn cấp không quá 30 ngày.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thông báo bằng văn bản cho cơ sở biết;
c) Đối với cơ sở nuôi, trồng vì mục đích thương mại loài thuộc Phụ lục I CITES phải đăng ký với Ban Thư ký CITES, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn 15 ngày làm việc gửi Ban Thư ký CITES, nhưng thời hạn cấp không quá 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo từ Ban Thư ký;
d) Trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ ngày cấp mã số cơ sở nuôi, trồng, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam đăng tải mã số đã cấp lên cổng thông tin điện tử của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
4. Trường hợp cơ sở nuôi, trồng nhiều Nhóm loài khác nhau, trong đó có loài thuộc Phụ lục I CITES thì sẽ cấp mã số theo quy định tại Điều này.
5. Hủy mã số trong trường hợp: Cơ sở tự đề nghị hủy; cơ sở không đáp ứng các điều kiện nuôi, trồng; cơ sở vi phạm các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
6. Xử lý động vật, thực vật do chủ cơ sở nuôi, trồng tự nguyện trao trả cho nhà nước:
a) Đại diện hợp pháp của cơ sở nuôi, trồng tự nguyện trao trả động vật, thực vật cho nhà nước gửi thông báo tới:
Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh đối với các loài thủy sản;
Chi cục Kiểm lâm đối với các loài động vật, thực vật khác;
b) Xử lý động vật, thực vật do chủ cơ sở nuôi, trồng tự nguyện trao trả:
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức, cá nhân, cơ quan quy định tại điểm a khoản này phải hoàn thành xử lý động vật, thực vật do chủ nuôi tự nguyện trao trả theo thứ tự ưu tiên sau:
Thả, trồng lại vào môi trường tự nhiên phù hợp với sinh cảnh và phân bố tự nhiên của loài nếu động vật, thực vật khỏe mạnh và có khả năng tái thả, trồng;
Chuyển giao cho các cơ sở cứu hộ động vật; vườn động vật hoặc vườn thực vật; cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành để phục vụ nghiên cứu, giáo dục bảo tồn;
Tiêu hủy trong trường hợp động vật, thực vật bị bệnh hoặc không thực hiện được các biện pháp nêu trên;
c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành xử lý động vật, thực vật do tổ chức, cá nhân tự nguyện trao trả, Cơ quan quy định tại điểm a khoản này báo cáo Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam và thông báo cho chủ cơ sở nuôi, trồng tự nguyện trao trả về kết quả xử lý.
Điều 18. Đăng ký mã số cơ sở nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục II, III CITES
1. Cơ quan cấp mã số
a) Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh có trách nhiệm cấp mã số cơ sở nuôi, trồng các loài thuộc Phụ lục II, III CITES không thuộc điểm b khoản này;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh có trách nhiệm cấp mã số cơ sở nuôi, trồng các loài thủy sản thuộc Phụ lục II CITES.
2. Hồ sơ đề nghị đăng ký mã số cơ sở nuôi, trồng
a) Đề nghị cấp mã số cơ sở nuôi, trồng theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chính phương án nuôi theo Mẫu số 06, phương án trồng theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Trình tự tiếp nhận hồ sơ, cấp mã số nuôi, trồng
a) Đại diện hợp pháp của chủ cơ sở gửi trực tiếp; qua bưu điện hoặc qua cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 tới cơ quan quy định tại khoản 1 của Điều này;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm cấp mã số. Trường hợp cần kiểm tra thực tế các điều kiện nuôi, trồng quy định tại Điều 14, Điều 15 Nghị định này, cơ quan cấp mã số chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện, nhưng thời hạn cấp không quá 30 ngày;
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp mã số thông báo bằng văn bản cho cơ sở biết.
c) Trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ ngày cấp mã số cơ sở nuôi, trồng, cơ quan cấp mã số gửi thông tin về Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam để đăng tải mã số đã cấp lên cổng thông tin điện tử của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
4. Hủy mã số trong trường hợp: Cơ sở tự đề nghị hủy; Cơ sở không đáp ứng các điều kiện nuôi, trồng; cơ sở vi phạm các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
5. Xử lý động vật, thực vật chủ cơ sở nuôi, trồng tự nguyện trao trả cho Nhà nước
Động vật, thực vật do chủ cơ sở nuôi, trồng tự nguyện trao trả cho Nhà nước được xử lý như quy định tại điểm a và điểm b khoản 6 Điều 17 Nghị định này.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành xử lý động vật, thực vật do chủ nuôi tự nguyện trao trả, cơ quan xử lý thông báo cho chủ cơ sở nuôi, trồng về kết quả xử lý.
Mục 3: XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, TÁI XUẤT KHẨU, NHẬP NỘI TỪ BIỂN VÀ QUÁ CẢNH
Điều 19. Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật từ tự nhiên của các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES
1. Có giấy phép, chứng chỉ CITES theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.
2. Mẫu vật các loài thuộc Phụ lục CITES là vật dụng cá nhân, hộ gia đình được miễn trừ giấy phép, chứng chỉ CITES khi đáp ứng các điều kiện:
a) Không vì mục đích thương mại;
b) Mang theo người hoặc là vật dụng hộ gia đình;
c) Số lượng không vượt quá quy định theo công bố của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
Điều 20. Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo của các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES
1. Đối với mẫu vật các loài thuộc Phụ lục I CITES:
a) Có giấy phép, chứng chỉ theo quy định của Nghị định này;
b) Mẫu vật động vật từ thế hệ F2 trở về sau được sinh sản tại cơ sở nuôi sinh sản đã được cấp mã số theo quy định tại Điều 17, 18 Nghị định này;
c) Mẫu vật thực vật từ cơ sở trồng cấy nhân tạo đã được cấp mã số theo quy định tại Điều 17, 18 Nghị định này.
2. Đối với mẫu vật các loài thuộc Phụ lục II, III CITES:
a) Có giấy phép, chứng chỉ quy định của Nghị định này;
b) Mẫu vật các loài động vật từ thế hệ F1 có nguồn gốc từ cơ sở nuôi sinh sản, mẫu vật nuôi sinh trưởng từ cơ sở nuôi sinh trưởng đã được cấp mã số theo quy định tại Điều 17, 18 Nghị định này;
c) Mẫu vật của các loài thực vật thuộc Phụ lục II, III CITES có nguồn gốc từ cơ sở trồng nhân tạo đã được cấp mã số theo quy định tại Điều 17, 18 Nghị định này.
Điều 21. Điều kiện quá cảnh mẫu vật sống động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES
1. Có giấy phép CITES xuất khẩu, tái xuất khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES nước xuất khẩu cấp.
2. Gửi bản sao giấy phép CITES xuất khẩu, tái xuất khẩu tới Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam 15 ngày làm việc trước khi làm thủ tục quá cảnh.
3. Trong quá trình vận chuyển phải đảm bảo an toàn cho người, động vật quá cảnh; đảm bảo các điều kiện chăm sóc, đối xử nhân đạo với động vật.
Điều 22. Giấy phép, chứng chỉ CITES
1. Giấy phép CITES quy định theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này áp dụng cho việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES và các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Giấy phép CITES phải được ghi đầy đủ thông tin, dán tem CITES hoặc mã vạch, ký và đóng dấu của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
2. Chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm quy định theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này áp dụng cho mẫu vật lưu niệm quy định tại các Phụ lục CITES. Chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm phải được ghi đầy đủ thông tin, có chữ ký, họ và tên của chủ cơ sở nuôi, trồng.
3. Chứng chỉ mẫu vật tiền Công ước quy định theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này áp dụng cho các mẫu vật tiền Công ước.
4. Thời hạn hiệu lực tối đa của giấy phép, chứng chỉ xuất khẩu và tái xuất khẩu là 06 tháng; thời hạn hiệu lực tối đa của giấy phép nhập khẩu là 12 tháng, kể từ ngày được cấp.
5. Giấy phép, chứng chỉ CITES chỉ được cấp một bản duy nhất và luôn đi kèm lô hàng/mẫu vật CITES.
6. Cơ quan cấp giấy phép CITES, chứng chỉ mẫu vật tiền công ước là Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
7. Cơ sở chế biến, kinh doanh trực tiếp cấp chứng chỉ CITES mẫu vật lưu niệm.
Điều 23. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép CITES xuất khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES
1. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép CITES xuất khẩu, tái xuất khẩu.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép:
a) Đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao tài liệu chứng minh mẫu vật có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của Nghị định này;
c) Trường hợp xuất khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật không vì mục đích thương mại phục vụ nghiên cứu khoa học, quan hệ ngoại giao: Ngoài thành phần hồ sơ quy định tại điểm a và điểm b khoản này, nộp thêm bản sao giấy phép nhập khẩu do Cơ quan quản lý CITES nước nhập khẩu cấp đối với mẫu vật loài thuộc Phụ lục I CITES; bản sao bản ký kết về chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với trường hợp phục vụ nghiên cứu khoa học; văn bản xác nhận quà biếu, tặng ngoại giao do cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối với trường hợp phục vụ quan hệ ngoại giao;
d) Trường hợp xuất khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật không vì mục đích thương mại phục vụ triển lãm không vì mục đích thương mại, biểu diễn xiếc: Ngoài thành phần hồ sơ quy định tại điểm a và điểm b khoản này, nộp thêm bản sao quyết định cử đi tham dự triển lãm, biểu diễn xiếc ở nước ngoài của cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy mời tham dự của tổ chức nước ngoài; bản sao giấy phép nhập khẩu do Cơ quan quản lý CITES nước nhập khẩu cấp đối với mẫu vật quy định tại Phụ lục I CITES;
đ) Trường hợp xuất khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật săn bắn: Ngoài thành phần hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, nộp thêm bản sao hồ sơ nguồn gốc hợp pháp của mẫu vật hoặc bản sao giấy phép, chứng chỉ mẫu vật săn bắn do cơ quan có thẩm quyền của nước có liên quan cấp;
e) Trường hợp xuất khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật tiền Công ước: Ngoài thành phần hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, nộp thêm bản sao hồ sơ chứng minh mẫu vật tiền Công ước; hoặc bản sao giấy phép CITES nhập khẩu đối với trường hợp tái xuất khẩu mẫu vật.
3. Trình tự tiếp nhận hồ sơ cấp phép:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu được cấp giấy phép xuất khẩu, tái xuất khẩu gửi trực tiếp; qua đường bưu điện hoặc qua Hệ thống thủ tục hành chính một cửa quốc gia 01 hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này tới Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam;
b) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thông báo cho tổ chức, cá nhân biết;
c) Trong thời hạn 08 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép. Trường hợp cần tham vấn Cơ quan khoa học CITES Việt Nam hoặc cơ quan có liên quan của nước nhập khẩu thì Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam tổ chức thực hiện, nhưng thời hạn cấp không quá 30 ngày làm việc;
d) Trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thực hiện việc trả giấy phép cho tổ chức, cá nhân đề nghị, đồng thời đăng tải kết quả giải quyết lên cổng thông tin điện tử của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
Điều 24. Trình tự thủ tục cấp chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm
1. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp ấn phẩm chứng chỉ cho chủ cơ sở chế biến, kinh doanh.
2. Điều kiện cơ sở được cấp ấn phẩm chứng chỉ:
a) Mẫu vật lưu niệm từ cơ sở nuôi trồng có mã số;
b) Thực hiện việc ghi chép sổ theo dõi hoạt động theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Thanh toán chi phí in ấn phẩm chứng chỉ cho Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
3. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm:
a) Đề nghị cấp chứng chỉ theo Mẫu số 13 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao sổ theo dõi hoạt động theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Trình tự tiếp nhận hồ sơ cấp ấn phẩm chứng chỉ CITES:
a) Cơ sở chế biến, kinh doanh có nhu cầu được cấp ấn phẩm chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua Hệ thống thủ tục hành chính một cửa quốc gia 01 hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này tới Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp ấn phẩm chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm cho cơ sở yêu cầu.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thông báo cho cơ sở biết.
5. Chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm chỉ cấp cho các sản phẩm hoàn chỉnh tại các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Mỗi chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm cấp tối đa 04 mẫu vật cho một khách hàng.
6. Cơ sở chế biến, kinh doanh trực tiếp cấp chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm cho khách hàng.
7. Cơ sở cấp chứng chỉ phải chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp tỉnh; báo cáo về tình hình sử dụng chứng chỉ trước ngày 01 tháng 12 hàng năm và nộp lại số chứng chỉ không sử dụng trước ngày 15 tháng 01 năm kế tiếp về Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
Điều 25. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép CITES nhập khẩu mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES
1. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép CITES nhập khẩu.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép:
a) Đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao giấy phép CITES xuất khẩu do Cơ quan quản lý CITES của nước xuất khẩu, tái xuất khẩu cấp;
c) Trường hợp nhập khẩu mẫu vật sống của loài động vật, thực vật lần đầu tiên được nhập khẩu và không có phân bố tự nhiên ở Việt Nam: Ngoài thành phần hồ sơ quy định tại điểm a, b khoản này, có xác nhận bằng văn bản của Cơ quan khoa học CITES Việt Nam về cơ sở có đủ điều kiện, năng lực nuôi giữ, chăm sóc mẫu vật;
d) Trường hợp nhập khẩu không vì mục đích thương mại phục vụ nghiên cứu khoa học, ngoại giao và tham gia triển lãm, biểu diễn xiếc: Ngoài thành phần hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, nộp thêm một trong các giấy tờ sau: Bản sao văn bản ký kết về chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với trường hợp nghiên cứu khoa học; hoặc văn bản xác nhận quà biếu, tặng ngoại giao do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với trường hợp phục vụ ngoại giao; hoặc bản sao giấy mời tham gia triển lãm, biểu diễn xiếc của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp phục vụ triển lãm không vì mục đích thương mại, biểu diễn xiếc;
đ) Trường hợp nhập khẩu mẫu vật tiền Công ước, mẫu vật săn bắn: Ngoài thành phần hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, nộp thêm bản sao hồ sơ chứng minh mẫu vật tiền Công ước hoặc bản sao giấy phép, chứng chỉ của Cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu cấp đối với mẫu vật tiền Công ước; hoặc bản sao giấy phép CITES xuất khẩu, giấy chứng nhận mẫu vật săn bắn do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp đối với mẫu vật săn bắn.
3. Trình tự tiếp nhận hồ sơ cấp phép:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu được cấp giấy phép nhập khẩu gửi trực tiếp; qua đường bưu điện hoặc qua Hệ thống thủ tục hành chính một cửa quốc gia 01 hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này tới Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam;
b) Trong thời hạn 08 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép. Trường hợp cần tham vấn Cơ quan khoa học CITES Việt Nam hoặc cơ quan có liên quan của nước xuất khẩu thì Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam tổ chức thực hiện, nhưng thời hạn cấp không quá 30 ngày.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thông báo cho tổ chức, cá nhân biết;
c) Trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thực hiện việc trả giấy phép cho tổ chức, cá nhân đề nghị đồng thời đăng tải kết quả giải quyết lên cổng thông tin điện tử của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
Điều 26. Trình tự, thủ tục cấp phép CITES nhập nội từ biển mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I, II CITES
1. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép CITES nhập nội từ biển.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép:
a) Đề nghị nhập nội từ biển mẫu vật theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao xác nhận của Cơ quan khoa học CITES Việt Nam theo đề nghị của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam rằng việc nhập nội không làm ảnh hưởng tới sự tồn tại của loài đó trong tự nhiên;
c) Cung cấp mã số cơ sở hoặc tài liệu chứng minh có đủ điều kiện để nuôi giữ, chăm sóc và đối xử nhân đạo đối với mẫu vật sống đối với cơ sở chưa đăng ký mã số;
d) Hồ sơ chứng minh mẫu vật nhập nội không được sử dụng vì mục đích thương mại đối với loài thuộc Phụ lục I CITES.
3. Trình tự tiếp nhận hồ sơ cấp phép:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu được cấp giấy phép nhập nội từ biển gửi trực tiếp; qua đường bưu điện hoặc qua Hệ thống thủ tục hành chính một cửa quốc gia 01 hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này tới Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam;
b) Trong thời hạn 08 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép. Trường hợp cần tham vấn Cơ quan khoa học CITES Việt Nam, cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản trung ương và các cơ quan có liên quan, thì Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam tổ chức thực hiện, nhưng thời hạn cấp không quá 30 ngày.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thông báo cho tổ chức, cá nhân biết;
c) Trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thực hiện việc trả giấy phép cho tổ chức, cá nhân đề nghị đồng thời đăng tải kết quả giải quyết lên cổng thông tin điện tử của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
Điều 27. Trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ CITES mẫu vật tiền Công ước mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES
1. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy chứng chỉ CITES mẫu vật tiền Công ước.
2. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ
a) Đề nghị cấp chứng chỉ mẫu vật tiền Công ước theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hồ sơ nguồn gốc hợp pháp của mẫu vật.
3. Trình tự tiếp nhận hồ sơ cấp phép:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu được cấp chứng chỉ CITES mẫu vật tiền Công ước gửi trực tiếp; qua đường bưu điện hoặc qua Hệ thống thủ tục hành chính một cửa quốc gia 01 hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này tới Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam;
b) Trong thời hạn 08 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp chứng chỉ CITES mẫu vật tiền Công ước. Trường hợp cần tham vấn các cơ quan có liên quan, thì Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam tổ chức thực hiện, nhưng thời hạn cấp không quá 30 ngày.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thông báo cho tổ chức, cá nhân biết.
Điều 28. Quy định về cấp giấy phép CITES thông qua Hệ thống thủ tục hành chính một cửa quốc gia
1. Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ qua Hệ thống thủ tục hành chính một cửa quốc gia không phải nộp hồ sơ giấy. Thành phần hồ sơ nộp trên hệ thống thực hiện theo các Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26 và Điều 27 Nghị định này. Các chứng từ tải lên trên hệ thống phải được sao chụp từ chứng từ gốc.
2. Kết quả xử lý hồ sơ được trả trực tiếp; qua đường bưu điện hoặc qua Hệ thống thủ tục hành chính một cửa quốc gia.
3. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lưu giữ bản chính các chứng từ liên quan theo quy định về thành phần hồ sơ tại Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26 và Điều 27 Nghị định này trong 05 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ và xuất trình với các cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
Mục 4: CHẾ BIẾN, KINH DOANH, VẬN CHUYỂN, CẤT GIỮ
Điều 29. Chế biến, kinh doanh, quảng cáo, trưng bày mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES
1. Điều kiện chế biến, kinh doanh:
a) Cơ sở chế biến, kinh doanh và hoạt động chế biến, kinh doanh mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thực hiện theo quy định của Nghị định này, pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ thực vật, thú y, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định hiện hành của nhà nước;
b) Mẫu vật có nguồn gốc hợp pháp theo quy định tại Nghị định này;
c) Có sổ theo dõi hoạt động theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; chịu sự kiểm tra của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2. Được chế biến, kinh doanh, quảng cáo, trưng bày vì mục đích thương mại:
a) Mẫu vật các loài thuộc Phụ lục II CITES khai thác hợp pháp từ tự nhiên;
b) Mẫu vật các loài động vật thuộc Phụ lục I CITES có nguồn gốc nuôi sinh sản từ thế hệ F2 trở về sau; các loài động vật thuộc Phụ lục II CITES có nguồn gốc nuôi sinh sản từ thế hệ F1 trở về sau; mẫu vật các loài thực vật thuộc Phụ lục I CITES có nguồn gốc trồng cấy nhân tạo theo quy định của Nghị định này;
c) Mẫu vật các loài thuộc Phụ lục II CITES sau xử lý tịch thu.
3. Sản phẩm chế biến từ động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục phải được quản lý truy xuất nguồn gốc:
a) Tổ chức, cá nhân chế biến động vật, thực vật hoang dã nguy cấp phải mở sổ theo dõi hoạt động theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, gồm theo dõi nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra của quá trình chế biến phù hợp với loại mẫu vật chế biến;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh kiểm tra nguồn gốc, hoạt động chế biến sản phẩm các loài thủy sản hoang dã nguy cấp trên cơ sở sổ theo dõi hoạt động;
c) Cơ quan Kiểm lâm sở tại kiểm tra nguồn gốc; hoạt động chế biến sản phẩm động vật, thực vật hoang dã thuộc các Phụ lục CITES không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này trên cơ sở sổ theo dõi hoạt động.
Điều 30. Vận chuyển, cất giữ mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES
1. Vận chuyển mẫu vật phải đáp ứng những điều kiện sau:
a) Có hồ sơ hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý lâm sản và thủy sản;
b) Có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật khi vận chuyển mẫu vật ra địa bàn ngoài tỉnh theo quy định của pháp luật về thú y và bảo vệ thực vật;
c) Đảm bảo an toàn cho mẫu vật sống và người có liên quan trong quá trình vận chuyển và tại cơ sở tiếp nhận mẫu vật.
2. Cất giữ mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES phải có nguồn gốc hợp pháp.
Mục 5: GIÁM ĐỊNH VÀ XỬ LÝ SAU TỊCH THU
Điều 31. Giám định mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES
1. Mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES được giám định trong những trường hợp sau:
a) Cần xác định chính xác loài, loài phụ hoặc quần thể động vật, thực vật hoang dã để áp dụng các quy định phù hợp của pháp luật Việt Nam và CITES;
b) Phục vụ công tác điều tra, xử lý vi phạm về động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
c) Các trường hợp khác mà Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam và các cơ quan chức năng thấy cần thiết để đảm bảo việc chấp hành pháp luật;
d) Các trường hợp yêu cầu xác định mẫu vật của các quốc gia nhập khẩu.
2. Việc lấy mẫu giám định mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và CITES.
3. Chi phí giám định do tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc cơ quan trưng cầu giám định chi trả.
4. Cơ quan khoa học CITES Việt Nam là cơ quan giám định mẫu vật CITES.
Điều 32. Xử lý mẫu vật bị tịch thu của các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES
1. Xử lý mẫu vật động vật sống, thực vật sống bị tịch thu theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này.
2. Xử lý mẫu vật bị tịch thu và có kết luận của cơ quan kiểm dịch xác nhận là mang dịch bệnh truyền nhiễm thì thực hiện việc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
3. Mẫu vật bị tịch thu có nguồn gốc nước ngoài xử lý như sau:
a) Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam xem xét, quyết định việc trả lại mẫu vật cho nước xuất xứ đối với mẫu vật quy định tại các Phụ lục CITES xác định được nước xuất xứ. Chi phí chăm sóc, bảo quản và trả lại mẫu vật do quốc gia xuất xứ nhận lại chi trả;
Trong vòng 30 ngày làm việc, kể từ ngày Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thông báo bằng văn bản đến Cơ quan quản lý CITES của nước xuất xứ về mẫu vật bị tịch thu mà Cơ quan quản lý CITES nước xuất xứ không có phản hồi hoặc từ chối tiếp nhận lại mẫu vật thì mẫu vật sẽ bị tịch thu và xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Đối với các mẫu vật bị tịch thu trong trường hợp không có nơi cất giữ đảm bảo thì cơ quan bắt giữ lập biên bản, chuyển giao cho cơ quan Kiểm lâm sở tại đối với mẫu vật thực vật rừng, động vật rừng; cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản cấp tỉnh đối với mẫu vật các loài thủy sản; cơ sở có khả năng cứu hộ đối với mẫu vật sống hoặc cơ quan kiểm dịch động vật, thực vật gần nhất để xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, phù hợp với Công ước CITES.
Mục 6: BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC THI CITES
Điều 33. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cơ cấu tổ chức của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam phù hợp với quy định của CITES và pháp luật Việt Nam để tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các quy định tại Nghị định này.
2. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng; văn phòng chính đặt tại Hà Nội, có đại diện tại miền Trung và miền Nam.
3. Chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam:
a) Đại diện Việt Nam tham gia, đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên CITES tại các cuộc họp Hội nghị các nước thành viên CITES;
b) Chủ trì, phối hợp với các Cơ quan khoa học CITES Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc thực thi CITES tại Việt Nam;
c) Tổ chức thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế; truyền thông về thực thi CITES và phòng chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
d) Dịch và công bố danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp quy định tại các Phụ lục CITES sau khi được Hội nghị các quốc gia thành viên thông qua việc bổ sung, sửa đổi; dịch và công bố hướng dẫn của CITES về việc lấy mẫu giám định động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
đ) Đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp quy định tại các Phụ lục CITES;
e) Cấp, thu hồi giấy phép, chứng chỉ quy định tại Nghị định này và xác nhận theo yêu cầu của quốc gia nhập khẩu;
g) In ấn, phát hành giấy phép, giấy chứng chỉ CITES;
h) Hướng dẫn, cấp, hủy mã số cơ sở nuôi, trồng thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES; đăng ký tới Ban Thư ký CITES các cơ sở nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp quy định tại Phụ lục I CITES vì mục đích thương mại đủ điều kiện xuất khẩu;
i) Tổ chức kiểm tra hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES tại khu vực cửa khẩu;
k) Xử lý và hướng dẫn xử lý mẫu vật quy định tại các Phụ lục CITES bị tịch thu theo quy định của pháp luật Việt Nam và CITES;
l) Chủ trì phối hợp với các bên có liên quan tổ chức đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan quản lý, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan về việc thực thi CITES;
m) Đại diện Việt Nam trong các hiệp định song phương, đa phương về kiểm soát buôn bán mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES;
4. Nhà nước đảm bảo kinh phí cho các hoạt động của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ cho hoạt động của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
Điều 34. Cơ quan khoa học CITES Việt Nam
1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định các cơ quan khoa học có chuyên môn và năng lực phù hợp làm Cơ quan khoa học CITES Việt Nam đồng thời thông báo cho Ban Thư ký CITES theo quy định của CITES.
2. Chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan khoa học CITES Việt Nam:
Tư vấn cho Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, các cơ quan quản lý liên quan khi có yêu cầu về các vấn đề sau:
a) Thực trạng quần thể, vùng phân bố, mức độ nguy cấp, quý, hiếm của các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trong tự nhiên; xây dựng hạn ngạch khai thác;
b) Cấp giấy phép CITES, chứng chỉ CITES xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES;
c) Tên khoa học các loài động vật, thực vật;
d) Giám định mẫu vật động vật, thực vật hoang dã;
đ) Cứu hộ, chăm sóc mẫu vật sống;
e) Sinh cảnh và vùng phân bố phù hợp để thả động vật hoang dã bị tịch thu;
g) Nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã; thẩm định các dự án về nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã;
h) Công bố danh mục các loài có khả năng gây nuôi sinh sản vì mục đích thương mại.
3. Được Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam ủy quyền bằng văn bản để kiểm tra các cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo, các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật khi cần thiết.
4. Tham gia đoàn công tác của Việt Nam trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo quốc tế liên quan đến việc thực thi CITES.
5. Soạn thảo tài liệu khoa học, các đề xuất liên quan đến việc thực thi CITES; chuẩn bị các báo cáo kỹ thuật theo yêu cầu của Ban Thư ký CITES; phối hợp với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam và các cơ quan thực thi pháp luật lấy mẫu giám định đối với các mẫu vật khi có yêu cầu.
6. Nhà nước đảm bảo kinh phí cho các hoạt động của Cơ quan khoa học CITES Việt Nam khi thực hiện việc tư vấn, tham mưu cho Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Điều 35. Công bố hạn ngạch xuất khẩu quốc tế; xây dựng hạn ngạch khai thác
1. Công bố hạn ngạch xuất khẩu quốc tế:
a) Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam công bố trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hạn ngạch xuất khẩu do Ban thư ký CITES thông báo đối với những loài có hạn ngạch xuất khẩu quốc tế;
b) Hạn ngạch xuất khẩu quốc tế được sử dụng để xác định số lượng, khối lượng mẫu vật một loài được khai thác.
2. Xây dựng hạn ngạch khai thác
Khi tổ chức, cá nhân đề nghị khai thác mẫu vật một loài mà CITES quy định áp dụng hạn ngạch xuất khẩu, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam tham vấn Cơ quan khoa học CITES Việt Nam về khả năng khai thác để quyết định việc xây dựng hạn ngạch khai thác.
Trường hợp Cơ quan Khoa học CITES Việt Nam xác nhận rằng việc khai thác ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại của loài đó trong tự nhiên thì không xây dựng hạn ngạch khai thác.
Trường hợp Cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác định rằng việc khai thác không ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại của loài đó trong tự nhiên thì Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam phối hợp với Cơ quan khoa học CITES Việt Nam xây dựng hạn ngạch khai thác theo hướng dẫn của CITES.
Điều 36. Thu hồi, hoàn trả giấy phép, chứng chỉ CITES
1. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thu hồi giấy phép, chứng chỉ trong các trường hợp sau đây:
a) Giấy phép, chứng chỉ được cấp không đúng quy định;
b) Giấy phép, chứng chỉ được sử dụng sai mục đích;
c) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép, chứng chỉ có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và quy định của CITES.
2. Hoàn trả giấy phép, chứng chỉ hết hiệu lực:
a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày giấy phép, chứng chỉ hết hiệu lực mà giấy phép, chứng chỉ không được sử dụng, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã được cấp giấy phép, chứng chỉ phải gửi trả giấy phép, chứng chỉ hết hiệu lực cho Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam;
b) Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có quyền từ chối cấp phép các lần tiếp theo trong trường hợp các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghĩa vụ nộp trả giấy phép, chứng chỉ hết hiệu lực trước đó.
Điều 37. Thống kê và lưu giữ mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES sau tịch thu
1. Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, Bộ Tài chính có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu thống kê mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công do cơ quan trực thuộc lưu giữ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo Hội nghị các quốc gia thành viên CITES theo quy định của CITES.
2. Nội dung thông tin cung cấp gồm: Số lượng, khối lượng mẫu vật theo từng loại cụ thể hiện đang lưu giữ, nguồn gốc của mẫu vật.
3. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam tổng hợp báo cáo về số lượng mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES đang lưu giữ khi có yêu cầu của Ban thư ký CITES.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 38. Trách nhiệm quản lý cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES
1. Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, kiểm tra các cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, kiểm tra các cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài thủy sản thuộc các Phụ lục CITES.
3. Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh, cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản cấp tỉnh thực hiện việc quản lý, theo dõi và cập nhật thông tin sau mỗi lần kiểm tra vào sổ theo dõi nuôi động vật theo Mẫu số 16, sổ theo dõi cơ sở trồng thực vật theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Hệ thống sổ theo dõi phải được lưu giữ dưới dạng bản cứng và tệp tin điện tử.
Cơ quan cấp mã số và cơ quan kiểm soát cơ sở nuôi, trồng khuyến khích cơ sở báo cáo hoạt động của cơ sở bằng tệp tin điện tử.
4. Cơ quan quản lý quy định tại khoản 1, 2 Điều này cập nhật thông tin sau mỗi lần kiểm tra, gửi kèm báo cáo (theo Mẫu số 18 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam để cập nhật số liệu phục vụ công tác quản lý từng thời kỳ trước ngày 30 tháng 11 hàng năm và phối hợp với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, các cơ quan có liên quan kiểm tra cơ sở nuôi, trồng các loài thuộc Phụ lục I, II của CITES. Việc kiểm tra được tiến hành phù hợp theo từng giai đoạn vòng đời của các loài nuôi.
5. Việc kiểm tra phải lập thành báo cáo theo các Mẫu số 19, 20, 21 và 22 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 39. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES
1. Cơ quan Hải quan xác nhận số lượng mẫu vật thực tế xuất khẩu, tái xuất khẩu vào giấy phép, chứng chỉ quy định tại Điều 22 Nghị định này do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp; trả giấy phép xuất khẩu, tái xuất khẩu cho tổ chức, cá nhân xuất khẩu để gửi kèm theo hàng hóa; ghi số hiệu và ngày, tháng, năm của giấy phép, chứng chỉ vào tờ khai Hải quan; gửi bản sao giấy phép, chứng chỉ đã xác nhận trong mỗi quý vào tuần đầu của quý tiếp theo cho Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
Đối với mẫu vật nhập khẩu, Cơ quan Hải quan xác nhận số lượng thực nhập trên giấy phép nhập khẩu, thu và lưu giấy phép nhập khẩu; ghi số hiệu và ngày, tháng, năm của giấy phép, chứng chỉ vào tờ khai Hải quan; trả giấy phép xuất khẩu, tái xuất khẩu do nước xuất khẩu cấp cho nhà nhập khẩu; gửi bản sao giấy phép, chứng chỉ nhập khẩu đã xác nhận trong mỗi quý vào tuần đầu của quý tiếp theo cho Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
2. Các cơ quan: Kiểm lâm, Thủy sản, Hải quan, Công an, Bộ đội Biên phòng, Thuế, Quản lý thị trường, Thú y, Kiểm dịch động vật, Kiểm dịch thực vật, Bảo vệ môi trường, Bảo tồn đa dạng sinh học trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm:
a) Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh, nhập nội từ biển, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES; nuôi động vật rừng thông thường;
b) Cung cấp thông tin và phối hợp với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam về việc xử lý các vụ vi phạm liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh, nhập nội từ biển mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES theo nội dung yêu cầu của CITES.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 40. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 3 năm 2019.
2. Các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành:
a.) Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;
b) Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm;
c) Điều 5 Nghị định số 98/2011/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về nông nghiệp;
d) Chương IV Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm;
đ) Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường;
e) Thông tư số 16/2007/TT-BNN ngày 14 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quản lý, sử dụng chứng chỉ xuất khẩu mẫu vật lưu niệm thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
g) Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN ngày 29 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế quản lý gấu nuôi.
3. Đối với các loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đồng thời thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì áp dụng chế độ quản lý theo quy định tại Nghị định này, trừ hoạt động khai thác tạo nguồn giống ban đầu phục vụ nghiên cứu khoa học.
4. Hoạt động xuất khẩu, tái xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, nhập nội từ biển, quá cảnh mẫu vật CITES thực hiện theo quy định của Nghị định này.
Điều 41. Điều khoản chuyển tiếp
1. Các cơ sở nuôi, trồng không vì mục đích thương mại thành lập trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn 03 (ba) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, chủ cơ sở thực hiện mở sổ, ghi chép và lưu giữ sổ theo dõi đầu vật nuôi theo Mẫu số 16, sổ theo dõi cơ sở trồng thực vật theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; gửi sổ tới cơ quan có thẩm quyền để cấp mã số cơ sở nuôi, trồng.
2. Các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phải mở sổ theo dõi đầu vật nuôi hoặc sổ theo dõi mẫu vật thực vật trồng cấy nhân tạo gửi về Cơ quan cấp mã số cơ sở nuôi, trồng theo quy định tại Nghị định này.
3. Tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, chứng chỉ; chấp thuận quá cảnh trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì thực hiện theo các quy định tại Nghị định này.
4. Tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ đề nghị đăng ký cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Điều 42. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: – Ban Bí thư Trung ương Đảng; – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – Văn phòng Tổng Bí thư; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; – Văn phòng Quốc hội; – Tòa án nhân dân tối cao; – Viện kiểm sát nhân dân tối cao; – Kiểm toán nhà nước; – Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; – Ngân hàng Chính sách xã hội; – Ngân hàng Phát triển Việt Nam; – Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; – Cơ quan trung ương của các đoàn thể; – VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, Các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; – Lưu: VT, NN (2b). XH | TM. CHÍNH PHỦ Nguyễn Xuân Phúc |
DANH MỤC
THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM
(Kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ)
NHÓM I
I A
TT | Tên Việt Nam | Tên khoa học |
| NGÀNH THÔNG | PINOPHYTA |
| LỚP THÔNG | PINOSIDA |
| Họ Hoàng đàn | Cupressaceae |
1 | Bách vàng | Xanthocyparis vietnamensis |
2 | Bách đài loan | Taiwania cryptomerioides |
3 | Hoàng đàn hữu liên | Cupressus tonkinensis |
4 | Sa mộc dầu | Cunninghamia konishii |
5 | Thông nước | Glyptostrobus pensilis |
| Họ Thông | Pinaceae |
6 | Du sam đá vôi | Keteleeria davidiana |
7 | Vân sam fan si pang | Abies delavayi subsp. fansipanensis |
| Họ Hoàng liên gai | Berberidaceae |
8 | Các loài Hoàng liên gai thuộc chi Berberis | Berberis spp. |
| Họ Mao lương | Ranunculaceae |
9 | Hoàng liên chân gà | Coptis quinquesecta |
10 | Hoàng liên bắc | Coptis chinensis |
| Họ Ngũ gia bì | Araliaceae |
11 | Sâm vũ diệp (Vũ diệp tam thất) | Panax bipinnatifidus |
12 | Tam thất hoang | Panax stipuleanatus |
| LỚP HÀNH | LILIOPSIDA |
| Họ lan | Orchidaceae |
13 | Lan kim tuyến | Anoectochilus setaceus |
14 | Lan kim tuyến | Anoectochilus acalcaratus |
15 | Lan kim tuyến | Anoectochilus calcareus |
16 | Lan hài bóng | Paphiopedilum vietnamense |
17 | Lan hài vàng | Paphiopedilum villosum |
18 | Lan hài đài cuộn | Paphiopedilum appletonianum |
19 | Lan hài chai | Paphiopedilum callosum |
20 | Lan hài râu | Paphiopedilum dianthum |
21 | Lan hài hê len | Paphiopedilum helenae |
22 | Lan hài henry | Paphiopedilum henryanum |
23 | Lan hài xanh | Paphiopedilum malipoense |
24 | Lan hài chân tím | Paphiopedilum tranlienianum |
25 | Lan hài lông | Paphiopedilum hirsutissimum |
26 | Lan hài hằng | Paphiopedilum hangianum |
27 | Lan hài đỏ | Paphiopedilum delenatii |
28 | Lan hài trân châu | Paphiopedilum emersonii |
29 | Lan hài hồng | Paphiopedilum micranthum |
30 | Lan hài xuân cảnh | Paphiopedilum canhii |
31 | Lan hài tía | Paphiopedilum purpuratum |
32 | Lan hài trần tuấn | Paphiopedilum trantuanhii |
33 | Lan hài đốm | Paphiopedilum concolor |
34 | Lan hài tam đảo | Paphiopedilum gratrixianum |
| NGÀNH NGỌC LAN | MAGNOLIOPHYTA |
| LỚP NGỌC LAN | MAGNOLIOPSIDA |
| Họ Dầu | Dipterocarpaceae |
35 | Chai lá cong | Shorea falcata |
36 | Kiền kiền phú quốc | Hopea pierrei |
37 | Sao hình tim | Hopea cordata |
38 | Sao mạng cà ná | Hopea reticulata |
| NGÀNH MỘC LAN | MAGNOLIOPHYTA |
| LỚP MỘC LAN | MAGNOLIOPSIDA |
| Họ Ngũ gia bì | Araliaceae |
39 | Sâm ngọc linh | Panax vietnamensis |
I B
TT | Tên Việt Nam | Tên khoa học |
| LỚP THÚ | MAMMALIA |
| BỘ LINH TRƯỞNG | PRIMATES |
1 | Cu li lớn | Nycticebus bengalensis |
2 | Cu li nhỏ | Nycticebus pygmaeus |
3 | Chà vá chân đen | Pygathrix nigripes |
4 | Chà vá chân nâu | Pygathrix nemaeus |
5 | Chà vá chân xám | Pygathrix cinerea |
6 | Voọc bạc đông dương | Trachypithecus germaini |
7 | Voọc bạc trường sơn | Trachypithecus margarita |
8 | Voọc cát bà | Trachypithecus poliocephalus |
9 | Voọc đen má trắng | Trachypithecus francoisi |
10 | Voọc hà tĩnh | Trachypithecus hatinhensis |
11 | Voọc mông trắng | Trachypithecus delacouri |
12 | Voọc mũi hếch | Rhinopithecus avunculus |
13 | Voọc xám | Trachypithecus crepusculus |
14 | Vượn cao vít | Nomascus nasutus |
15 | Vượn đen tuyền | Nomascus concolor |
16 | Vượn má hung | Nomascus gabriellae |
17 | Vượn má trắng | Nomascus leucogenys |
18 | Vượn má vàng trung bộ | Nomascus annamensis |
19 | Vượn siki | Nomascus siki |
| BỘ THÚ ĂN THỊT | CARNIVORA |
20 | Sói đỏ (Chó sói lửa) | Cuon alpinus |
21 | Gấu chó | Helarctos malayanus |
22 | Gấu ngựa | Ursus thibetanus |
23 | Rái cá lông mượt | Lutrogale perspicillata |
24 | Rái cá thường | Lutra lutra |
25 | Rái cá vuốt bé | Aonyx cinereus |
26 | Rái cá lông mũi | Lutra sumatrana |
27 | Cầy mực | Arctictis binturong |
28 | Cầy gấm | Prionodon pardicolor |
29 | Báo gấm | Neofelis nebulosa |
30 | Báo hoa mai | Panthera pardus |
31 | Beo lửa | Catopuma temminckii |
32 | Hổ đông dương | Panthera tigris corbetti |
33 | Mèo cá | Prionailurus viverrinus |
34 | Mèo gấm | Pardofelis marmorata |
| BỘ CÓ VÒI | PROBOSCIDEA |
35 | Voi châu á | Elephas maximus |
| BỘ MÓNG GUỐC LẺ | PERISSODACTYLA |
36 | Tê giác một sừng | Rhinoceros sondaicus |
| BỘ MÓNG GUỐC CHẴN | ARTIODACTYLA |
37 | Bò rừng | Bos javanicus |
38 | Bò tót | Bos gaurus |
39 | Hươu vàng | Axis porcinus annamiticus |
40 | Hươu xạ | Moschus berezovskii |
41 | Mang lớn | Megamuntiacus vuquangensis |
42 | Mang trường sơn | Muntiacus truongsonensis |
43 | Nai cà tong | Rucervus eldii |
44 | Sao la | Pseudoryx nghetinhensis |
45 | Sơn dương | Naemorhedus milneedwardsii |
| BỘ TÊ TÊ | PHOLIDOTA |
46 | Tê tê java | Manis javanica |
47 | Tê tê vàng | Manis pentadactyla |
| BỘ THỎ RỪNG | LAGOMORPHA |
48 | Thỏ vằn | Nesolagus timminsi |
| LỚP CHIM | AVES |
| BỘ BỒ NÔNG | PELECANIFORMES |
49 | Bồ nông chân xám | Pelecanus philippensis |
50 | Cò thìa | Platalea minor |
51 | Quắm cánh xanh | Pseudibis davisoni |
52 | Quắm lớn (Cò quắm lớn) | Thaumatibis gigantea |
53 | Vạc hoa | Gorsachius magnificus |
| BỘ CỔ RẮN | SULIFORMES |
54 | Cổ rắn | Anhinga melanogaster |
| BỘ BỒ NÔNG | PELECANIFORMES |
55 | Cò trắng trung quốc | Egretta eulophotes |
| BỘ HẠC | CICONIFORMES |
56 | Già đẫy nhỏ | Leptoptilos javanicus |
57 | Hạc cổ trắng | Ciconia episcopus |
58 | Hạc xám | Mycteria cinerea |
| BỘ ƯNG | ACCIPITRIFORMES |
59 | Đại bàng đầu nâu | Aquila heliaca |
60 | Kền kền ấn độ | Gyps indicus |
61 | Kền kền ben gan | Gyps bengalensis |
| BỘ CẮT | FALCONIFORMES |
62 | Cắt lớn | Falco peregrinus |
| BỘ CHOẮT | CHARADRIIFORMES |
63 | Choắt lớn mỏ vàng | Tringa guttifer |
| BỘ NGỖNG | ANSERIFORMES |
64 | Ngan cánh trắng | Asarcornis scutulata |
| BỘ GÀ | GALLIFORMES |
65 | Gà lôi lam mào trắng | Lophura edwardsi |
66 | Gà lôi tía | Tragopan temminckii |
67 | Gà lôi trắng | Lophura nycthemera |
68 | Gà so cổ hung | Arborophila davidi |
69 | Gà tiền mặt đỏ | Polyplectron germaini |
70 | Gà tiền mặt vàng | Polyplectron bicalcaratum |
71 | Trĩ sao | Rheinardia ocellata |
| BỘ SẾU | GRUIFORMES |
72 | Sếu đầu đỏ (Sếu cổ trụi) | Grus antigone |
| BỘ Ô TÁC | OTIDIFORMES |
73 | Ô tác | Houbaropsis bengalensis |
| BỘ BỒ CÂU | COLUMBIFORMES |
74 | Bồ câu ni cô ba | Caloenas nicobarica |
| BỘ HỒNG HOÀNG | Bucerotiformes |
75 | Hồng hoàng | Buceros bicornis |
76 | Niệc cổ hung | Aceros nipalensis |
77 | Niệc mỏ vằn | Rhyticeros undulatus |
78 | Niệc nâu | Anorrhinus austeni |
| BỘ SẺ | PASSERRIFORMES |
79 | Khướu ngọc linh | Trochalopteron ngoclinhense |
| LỚP BÒ SÁT | REPTILIA |
| BỘ CÓ VẢY | SQUAMATA |
80 | Tắc kè đuôi vàng | Cnemaspis psychedelica |
81 | Thằn lằn cá sấu | Shinisaurus crocodilurus |
82 | Kỳ đà vân | Varanus nebulosus (Varanus bengalensis) |
83 | Rắn hổ chúa | Ophiophagus hannah |
| BỘ RÙA | TESTUDINES |
84 | Rùa ba-ta-gua miền nam | Batagur affinis |
85 | Rùa hộp bua-rê (Rùa hộp trán vàng miền bắc) | Cuora bourreti |
86 | Rùa hộp Việt Nam (Rùa hộp trán vàng miền nam) | Cuora picturata |
87 | Rùa trung bộ | Mauremys annamensis |
88 | Rùa đầu to | Platysternon megacephalum |
89 | Giải sin-hoe | Rafetus swinhoei |
90 | Giải | Pelochelys cantorii |
| BỘ CÁ SẤU | CROCODILIA |
91 | Cá sấu nước lợ (Cá sấu hoa cà) | Crocodylus porosus |
92 | Cá sấu nước ngọt (Cá sấu xiêm) | Crocodylus siamensis |
NHÓM II
II A
TT | Tên Việt Nam | Tên khoa học |
| NGÀNH DƯƠNG XỈ | POLYPODIOPHYTA |
| LỚP DƯƠNG XỈ | POLYPODIOPSIDA |
| Họ Dương xỉ | Polypodiaceae |
1 | Cốt toái bổ | Drynaria fortune |
2 | Tắc kè đá | Drynaria bonii |
| Họ lông cu li | Dicksoniaceae |
3 | Cẩu tích | Cibotium barometz |
| Họ dương xỉ thân gỗ | Cyatheaceae |
4 | Các loài Dương xỉ thân gỗ thuộc chi Cyathea | Cyathea spp. |
| NGÀNH THÔNG ĐẤT | LYCOPODIOPHYTA |
| LỚP THÔNG ĐẤT | LYCOPODIOPSIDA |
| Họ Thông đất | Lycopodiaceae |
5 | Thạch tùng răng cưa | Huperzia serrata |
| NGÀNH THÔNG | PINOPHYTA |
| LỚP THÔNG | PINOPSIDA |
| Họ Hoàng đàn | Cupressaceae |
6 | Bách xanh núi đá | Calocedrus rupestris |
7 | Bách xanh | Calocedrus macrolepis |
8 | Pơ mu | Fokienia hodginsii |
| Họ Thông đỏ | Taxaceae |
9 | Thông đỏ lá ngắn | Taxus chinensis |
10 | Thông đỏ lá dài | Taxus wallichiana |
| Họ Đỉnh tùng | Cephalotaxaceae |
11 | Đỉnh tùng (Phỉ ba mũi) | Cephalotaxus mannii |
| Họ kim giao | Podocarpaceae |
12 | Thông tre lá ngắn | Podocarpus pilgeri |
| Họ Thông | Pinaceae |
13 | Thông xuân nha (5 lá rủ) | Pinus cernua |
14 | Thông Đà Lạt | Pinus dalatensis |
15 | Thông lá dẹt | Pinus krempfii |
16 | Thông Pà cò | Pinus kwangtungensis |
17 | Thông hai lá quả nhỏ (Thông đá vôi quả nhỏ) | Pinus kwangshanensis |
18 | Thiết sam giả lá ngắn | Pseudotsuga brevifolia |
| NGÀNH MỘC LAN | MAGNOLIOPHYTA |
| LỚP MỘC LAN | MAGNOLIOPSIDA |
| Họ Ngũ gia bì | Araliaceae |
19 | Sâm lai châu | Panax vietnamensis var. Fuscidiscus |
20 | Sâm lang bian | Panax vietnamensis var. Langbianensis |
| Họ Thị | Ebenaceae |
21 | Mun sọc | Diospyros salletii |
22 | Mun | Diospyros mun |
| Họ Nam mộc hương | Aristolochiaceae |
23 | Các loài Tế tân thuộc chi Asarum | Asarum spp. |
| Họ Núc nác | Bignoniaceae |
24 | Các loài Đinh thuộc chi Fernandoa | Fernandoa spp. |
| Họ Vang | Caesalpiniaceae |
25 | Gõ đỏ (Cà te) | Afzelia xylocarpa |
26 | Gụ mật (Gõ mật) | Sindora siamensis |
27 | Gụ lau | Sindora tonkinensis |
| Họ Hoa chuông | Campanulaceae |
28 | Đẳng sâm | Codonopsis javanica |
| Họ Măng cụt | Clusiaceae |
29 | Trai lý (Rươi) | Garcinia fagraeoides |
| Họ Đậu | Fabaceae |
30 | Cẩm lai (Cẩm lai Bà Rịa) | Dalbergia oliveri |
31 | Giáng hương quả to | Pterocarpus macrocarpus |
32 | Lim xanh | Erythrophloeum fordii |
33 | Trắc | Dalbergia cochinchinensis |
34 | Trắc dây | Dalbergia rimosa |
35 | Sưa | Dalbergia tonkinensis |
| Họ Long não | Lauraceae |
36 | Gù hương (Quế balansa) | Cinnamomum balansae |
37 | Re xanh phấn | Cinnamomum glaucescens |
38 | Vù hương (Xá xị, Re hương) | Cinnamomum parthenoxylon |
| Họ Tiết dê | Menispermaceae |
39 | Các loài Bình vôi thuộc chi Stephania | Stephania spp. |
40 | Hoàng đằng | Fibraurea recisa |
41 | Nam hoàng liên | Fibraurea tinctoria (Fibraurea chloroleuca) |
42 | Vàng đắng | Coscinium fenestratum |
| LỚP TUẾ | CYCADOPSIDA |
| Họ Tuế | Cycadaceae |
43 | Các loài tuế thuộc chi Cycas | Cycas spp. |
| Họ Hoàng liên gai | Berberidaceae |
44 | Các loài Hoàng liên ô rô (Mã hồ, Mật gấu) thuộc chi Mahonia | Mahonia spp. |
45 | Bát giác liên | Podophyllum tonkinense |
| Họ Mao lương | Ranunculaceae |
46 | Thổ hoàng liên | Thalictrum foliolosum |
| Họ Đay | Tiliaceae |
47 | Nghiến | Excentrodendron tonkinense |
| Họ Ngũ vị tử | Schizandraceae |
48 | Các loài na rừng thuộc chi Kadsura | Kadsura spp. |
| LỚP HÀNH | LILIOPSIDA |
| Họ Tóc tiên | Convallariaceae |
49 | Hoàng tinh hoa trắng | Disporopsis longifolia |
50 | Hoàng tinh hoa đỏ | Polygonatum kingianum |
| Họ Hành | Liliaceae |
51 | Bách hợp | Lilium poilanei |
| Họ Trọng lâu | Phormiaceae |
52 | Các loài Bảy lá một hoa (Trọng lâu) thuộc chi Paris | Paris spp. |
| NGÀNH NGỌC LAN | MAGNOLIOPHYTA |
| LỚP NGỌC LAN | MAGNOLIOPSIDA |
| Họ Lan | Orchidaceae |
53 | Các loài Lan thuộc họ Orchidaceae, trừ các loài quy định tại Nhóm IA | Orchidaceae spp. |
| Họ Cau | Arecaceae |
54 | Song mật | Calamus platyacanthus |
55 | Song bột | Calamus poilanei |
IIB
TT | Tên Việt Nam | Tên khoa học |
| LỚP THÚ | MAMMALIA |
| BỘ GẶM NHẤM | RODENTIA |
1 | Chuột đá | Laonastes aenigmamus |
2 | Sóc đen | Ratufa bicolor |
3 | Sóc bay trâu | Petaurista petaurista |
| BỘ DƠI | CHIROPTERA |
4 | Dơi ngựa lớn | Pteropus vampyrus |
5 | Dơi ngựa nhỏ | Pteropus lylei |
| BỘ THỎ | LAGORMORPHA |
6 | Thỏ rừng | Lepus sinensis |
| BỘ KHỈ HẦU | PRIMATES |
7 | Khỉ mặt đỏ | Macaca arctoides |
8 | Khỉ mốc | Macaca assamensis |
9 | Khỉ vàng | Macaca mulatta |
10 | Khỉ đuôi dài | Macaca fascicularis |
11 | Khỉ đuôi lợn | Macaca leonina |
| BỘ THÚ ĂN THỊT | CARNIVORA |
12 | Chó rừng | Canis aureus |
13 | Cầy giông đốm lớn | Viverra megaspila |
14 | Cầy vằn bắc | Chrotogale owstoni |
15 | Cáo lửa | Vulpes vulpes |
16 | Cầy giông | Viverra zibetha |
17 | Cầy hương | Viverricula indica |
18 | Cầy tai trắng | Arctogalidia trivirgata |
19 | Cầy vòi hương | Paradoxurus hermaphroditus |
20 | Cầy vòi mốc | Paguma larvata |
21 | Mèo ri | Felis chaus |
22 | Mèo rừng | Prionailurus bengalensis |
23 | Triết chỉ lưng | Mustela strigidorsa |
| BỘ MÓNG GUỐC CHẴN | ARTIODACTYLA |
24 | Mang pù hoạt | Muntiacus puhoatensis (Muntiacus rooseveltorum) |
25 | Nai | Rusa unicolor |
26 | Cheo cheo | Tragulus javanicus |
| LỚP CHIM | AVES |
| BỘ HẠC | CICONIIFORMES |
27 | Già đẫy lớn | Leptoptilos dubius |
28 | Hạc đen | Ciconia nigra |
| BỘ BỒ NÔNG | PELECANIFORMES |
29 | Cò quăm đầu đen | Threskiornis melanocephalus |
| BỘ CHOẮT | CHARADRIIFORMES |
30 | Rẽ mỏ thìa | Calidris pygmeus |
| BỘ NGỖNG | ANSERIFORMES |
31 | Vịt đầu đen | Aythya baeri |
32 | Vịt mỏ nhọn | Mergus squamatus |
| BỘ GÀ | GALIFORMES |
33 | Công | Pavo muticus |
34 | Các loài Gà so thuộc giống Arborophila | Arborophila spp. (trừ loài Arborophila davidi đã liệt kê ở nhóm IB) |
| BỘ SẾU | GRUIFORMES |
35 | Chân bơi | Heliopais personatus |
| BỘ HỒNG HOÀNG | BUCEROTIFORMES |
36 | Các loài trong họ Hồng hoàng | Bucerotidae spp. (trừ các loài Buceros bicornis, Aceros nipalensis, Rhyticeros undulatus và Anorrhinus austeni thuộc Nhóm IB) |
| BỘ VẸT | PSITTAFORMES |
37 | Các loài Vẹt thuộc giống Psittacula | Psittacula spp. |
38 | Vẹt lùn | Loriculus verlanis |
| BỘ CÚ | STRIGIFORMES |
39 | Các loài trong bộ Cú Strigiformes | Strigiformes spp. |
| BỘ ƯNG | ACCIPITRIFORMES |
40 | Các loài trong bộ Ưng | Accipitriformes spp. (trừ các loài Aquila heliaca, Gyps indicus, Gyps bengalensis và Sarcogyps calvus đã liệt kê trong nhóm IB) |
41 | Ó tai | Sarcogyps calvus |
| Bộ CẮT | FALCONIFORMES |
42 | Các loài trong bộ Cắt | Falconiformes spp. (trừ loài Falco peregrinus đã liệt kê trong nhóm IB) |
| BỘ BỒ CÂU | COLUMBIFORMES |
43 | Bồ câu nâu | Columba punicea |
| BỘ SẺ | PASSERRIFORMES |
44 | Khướu đầu đen má xám | Trochalopteron yersini |
45 | Các loài thuộc giống Garrulax | Garrulax spp. |
46 | Mi núi bà | Laniellus langbianis |
47 | Sẻ đồng ngực vàng | Emberiza aureola |
48 | Các loài thuộc giống Pitta | Pitta spp. |
49 | Kim oanh mỏ đỏ | Leiothrix lutea |
50 | Kim oanh tai bạc | Leiothrix argentauris |
51 | Nhồng (Yểng) | Gracula religiosa |
| LỚP BÒ SÁT | REPTILIA |
| BỘ CÓ VẢY | SQUAMATA |
52 | Các loài Thạch sùng mí thuộc giống Goniurosaurus | Goniurosaurus spp. |
53 | Kỳ đà hoa | Varanus salvator |
54 | Rắn hổ mang một mắt kính | Naja kaouthia |
55 | Rắn hổ mang trung quốc | Naja atra |
56 | Rắn hổ mang xiêm | Naja siamensis |
57 | Rắn ráo trâu | Ptyas mucosus |
58 | Trăn cộc | Python brongersmai (Python curtus) |
59 | Trăn đất | Python molurus (Python bivittatus) |
60 | Trăn gấm | Python reticulatus (Malayopython reticulatus) |
| BỘ RÙA | TESTUDINES |
61 | Rùa hộp ba vạch, rùa vàng | Cuora cyclornata (Cuora trifasciata) |
62 | Rùa hộp trán vàng (Rùa hộp trán vàng miền trung) | Cuora galbinifrons |
63 | Rùa hộp lưng đen | Cuora amboinensis |
64 | Rùa sa nhân | Cuora mouhotii |
65 | Rùa đất pul-kin | Cyclemys pulchristriata |
66 | Rùa đất châu Á | Cyclemys dentata |
67 | Rùa đất sê-pôn | Cyclemys oldhami |
68 | Rùa đất speng-le-ri | Geomyda spengleri |
69 | Rùa răng | Heosemys annandalii |
70 | Rùa đất lớn | Heosemys grandis |
71 | Rùa ba gờ | Malayemys subtrijuga |
72 | Rùa bốn mắt | Sacalia quadriocellata |
73 | Rùa câm | Mauremys mutica |
74 | Rùa cổ bự | Siebenrockiella crassicollis |
75 | Rùa đầm cổ đỏ | Mauremys nigricans |
76 | Rùa núi vàng | Indotestudo elongata |
77 | Rùa núi viền | Manouria impressa |
78 | Cua đinh | Amyda cartilaginea |
79 | Ba ba gai | Palea steindachneri |
| LỚP ẾCH NHÁI | AMPHIBIA |
| BỘ CÓ ĐUÔI | CAUDATA |
80 | Cá cóc bụng hoa (Cá cóc tam đảo) | Paramesotriton deloustali |
81 | Các loài Cá cóc thuộc giống Tylototriton | Tylototriton spp. |
| LỚP CÔN TRÙNG | INSECTA |
| BỘ CÁNH VẢY | LEPIDOPTERA |
82 | Bướm phượng đuôi kiếm răng nhọn | Teinopalpus aureus aureus |
83 | Bướm phượng đuôi kiếm răng tù | Teinopalpus imperialis imperialis |
84 | Bướm phượng cánh chim chấm liền | Troides helena cerberus |
85 | Bướm phượng cánh chim chấm rời | Troides aeacus aeacus |
| BỘ CÁNH CỨNG | COLEOPTERA |
86 | Cua bay việt nam | Cheirotonus battareli |
87 | Cua bay đen | Cheirotonus jansoni |
PHỤ LỤC
(Kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ)
Mẫu số 01 | Phương án khai thác từ tự nhiên mẫu vật thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES |
Mẫu số 02 | Phương án khai thác từ tự nhiên mẫu vật động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; động vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES |
Mẫu số 03 | Đề nghị cấp mã số cơ sở nuôi, trồng các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES |
Mẫu số 04 | Phương án nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB; Động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I CITES |
Mẫu số 05 | Phương án trồng các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA; Thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I CITES |
Mẫu số 06 | Phương án nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB; động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục II, III CITES |
Mẫu số 07 | Phương án trồng thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA; các loài thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục II, III CITES |
Mẫu số 08 | Mã số cơ sở nuôi |
Mẫu số 09 | Giấy phép CITES |
Mẫu số 10 | Chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm |
Mẫu số 11 | Chứng chỉ mẫu vật tiền Công ước |
Mẫu số 12 | Đề nghị cấp giấy phép CITES/sample request for cites permit |
Mẫu số 13 | Đề nghị cấp ấn phẩm chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm/sample request for cites souvernir export certificate |
Mẫu số 14 | Sổ theo dõi hoạt động sản xuất, chế biến mẫu vật thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES |
Mẫu số 15 | Đề nghị cấp giấy phép CITES nhập nội từ biển/chứng chỉ CITES mẫu vật tiền công ước/sample request for cites certificate |
Mẫu số 16 | Mẫu sổ theo dõi hoạt động nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES, động vật rừng thông thường |
Mẫu số 16A | Sổ theo dõi hoạt động nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES, động vật rừng thông thường (không áp dụng cho cơ sở nuôi sinh trưởng) |
Mẫu số 16B | Sổ theo dõi nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES, động vật rừng thông thường (áp dụng cho cơ sở nuôi sinh trưởng) |
Mẫu số 16C | Sổ theo dõi sinh sản của động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES và động vật rừng thông thường (áp dụng cho các loài động vật đẻ trứng) |
Mẫu số 16D | Sổ theo dõi sinh sản của động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES và động vật rừng thông thường (áp dụng cho các loài động vật đẻ con) |
Mẫu số 17 | Mẫu sổ theo dõi cơ sở trồng thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES |
Mẫu số 17A | Sổ theo dõi cơ sở nhân giống nhân tạo thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES |
Mẫu số 17B | Sổ theo dõi cơ sở trồng thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES |
Mẫu số 18 | Báo cáo hoạt động nuôi, trồng thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES và động vật rừng thông thường |
Mẫu số 19 | Báo cáo kiểm tra (dành cho cơ sở có hoạt động nghiên cứu trồng thực vật) |
Mẫu số 20 | Báo cáo kiểm tra (dành cho cơ sở có hoạt động nghiên cứu nuôi sinh trưởng động vật) |
Mẫu số 21 | Báo cáo kiểm tra (dành cho cơ sở có hoạt động nghiên cứu nuôi sinh sản loài động vật đẻ trứng) |
Mẫu số 22 | Báo cáo kiểm tra (dành cho cơ sở có hoạt động nghiên cứu nuôi sinh sản loài đẻ con) |
Mẫu số 01
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————
PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC TỪ TỰ NHIÊN MẪU VẬT THỰC VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM; THỰC VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES
1. Tên tổ chức, cá nhân:
– Tổ chức: tên đầy đủ, địa chỉ, điện thoại, số Quyết định thành lập, ngày cấp, nơi cấp.
– Cá nhân: họ và tên, địa chỉ thường trú, điện thoại, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp, nơi làm việc.
2. Giới thiệu chung:
Giới thiệu về tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép khai thác; mục đích khai thác; tác động của việc khai thác nêu rõ đối với quần thể của loài tại khu vực khai thác; tác động đối với các loài khác trong khu vực…, v.v.
3. Loài đề nghị khai thác:
– Tên loài (bao gồm tên khoa học và tên thông thường):
+ Tên khoa học:……………………………………………………………………………………………..
+ Tên thông thường:……………………………………………………………………………………….
– Số lượng, khối lượng (bằng số và bằng chữ):………………… ; trong đó:…………………
– Mô tả mẫu vật (cây, hạt, lá, hoa, cành, ngọn…), kích thước mẫu vật:……………………….
4. Mục đích của việc khai thác:
– Nghiên cứu nhân giống…………………………………………………………………………………..
– Nghiên cứu phân loại……………………………………………………………………………………..
– Nghiên cứu bệnh học…………………………………………………………………………………….
– Bổ sung/tạo nguồn giống ban đầu……………………………………………………………………
– Lưu giữ gen…………………………………………………………………………………………………
– Mục đích khác………………………………………………………………………………………………
5. Khu vực khai thác
Mô tả hiện trạng của khu vực đề nghị khai thác:
a) Vị trí khu vực khai thác: thuộc lô:…, khoảnh: …, tiểu khu: …:
b) Bản đồ khu khai thác tỷ lệ 1:5.000 hoặc 1:10.000
c) Diện tích khu vực khai thác:…………………………………………………………………………..
d) Tên, địa chỉ chủ rừng: (trường hợp có 2 chủ rừng trở lên thì lập bảng kèm theo)………
đ) Loại rừng/hệ sinh thái khu vực khai thác:………………………………………………………….
6. Đánh giá trữ lượng loài đề nghị khai thác
a) Tổng quan tình trạng phân bố của loài trong nước và ngoài nước (nếu có);
b) Kích cỡ và cấu trúc quần thể loài khai thác.
7. Thời gian khai thác: từ ngày … tháng … năm …đến ngày … tháng … năm …
8. Cách khai thác:
– Phương tiện, công cụ khai thác:………………………………………………………………………
– Phương thức khai thác:………………………………………………………………………………….
9. Nguồn nhân lực:
Danh sách những người thực hiện khai thác:………………………………………………………..
10. Đánh giá các rủi ro có thể xảy ra khi tiến hành khai thác và biện pháp khắc phục.
11. Ý kiến của chủ rừng (nếu tổ chức/cá nhân đề nghị cấp thỏa thuận khai khác không phải là chủ rừng):
Địa điểm…, ngày…. tháng … năm … |
Mẫu số 02
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————–
PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC TỪ TỰ NHIÊN MẪU VẬT ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ HIẾM; ĐỘNG VẬT HOANG DÃ THUỘC PHỤ LỤC CITES
1. Tên tổ chức, cá nhân:
– Tổ chức: tên đầy đủ, địa chỉ, điện thoại, số Quyết định thành lập, ngày cấp, nơi cấp
– Cá nhân: họ và tên, địa chỉ thường trú, điện thoại, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp, nơi làm việc.
2. Giới thiệu chung:
Giới thiệu về tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép khai thác; mục đích khai thác; tác động của việc khai thác nêu rõ đối với quần thể của loài tại khu vực khai thác; tác động đối với các loài khác trong khu vực…, v.v.
3. Loài đề nghị khai thác
– Tên loài (bao gồm tên khoa học và tên thông thường):
+ Tên khoa học:……………………………………………………………………………………………..
+ Tên thông thường:……………………………………………………………………………………….
– Số lượng, khối lượng (bằng số và bằng chữ):………………; trong đó:…………………….
– Mô tả mẫu vật (trứng, con non, con trưởng thành…), kích thước mẫu vật:………………..
4. Mục đích của việc khai thác:
– Nghiên cứu nhân giống…………………………………………………………………………………..
– Nghiên cứu phân loại……………………………………………………………………………………..
– Nghiên cứu bệnh học…………………………………………………………………………………….
– Bổ sung/tạo nguồn giống ban đầu……………………………………………………………………
– Lưu giữ gen…………………………………………………………………………………………………
– Mục đích khác………………………………………………………………………………………………
5. Khu vực khai thác
Mô tả hiện trạng của khu vực đề nghị khai thác:
a) Vị trí khu vực khai thác: thuộc lô: …, khoảnh: …, tiểu khu: …
b) Ranh giới: Bản đồ khu khai thác tỷ lệ 1:5.000 hoặc 1:10.000
c) Diện tích khu vực khai thác:…………………………………………………………………………..
d) Tên, địa chỉ chủ rừng: (trường hợp có 2 chủ rừng trở lên thì lập bảng kèm theo)………
đ) Loại rừng/hệ sinh thái khu vực khai thác:………………………………………………………….
6. Đánh giá trữ lượng loài đề nghị khai thác
a) Tổng quan tình tình trạng phân bố của loài trong nước và ngoài nước……………………
b) Kích cỡ và cấu trúc quần thể loài khai thác……………………………………………………….
7. Thời gian khai thác: từ ngày … tháng … năm …đến ngày … tháng… năm …
8. Cách khai thác:
– Phương tiện, công cụ khai thác:………………………………………………………………………
– Phương thức khai thác (con non, con trưởng thành, trứng,…):……………………………….
9. Nguồn nhân lực:
– Danh sách những người thực hiện khai thác:………………………………………………………
10. Ý kiến của chủ rừng (nếu tổ chức/ cá nhân đề nghị cấp thỏa thuận khai khác không phải là chủ rừng):
Địa điểm … ngày …. tháng … năm … |
Mẫu số 03
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————–
ĐỀ NGHỊ CẤP MÃ SỐ CƠ SỞ NUÔI, TRỒNG CÁC LOÀI THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM; ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES
Kính gửi: ………………………………………..
1. Tên và địa chỉ:
Tên của tổ chức, cá nhân đề nghị:………………………………………………………………………
Địa chỉ:…………………………………………………………………………………………………………
Điện thoại: ……………………………… Fax (nếu có):……………………………………………….
2. Địa chỉ cơ sở nuôi, trồng:……………………………………………………………………………..
3. Nội dung đề nghị cấp đăng ký: Cấp mới □; Cấp bổ sung □
4. Mục đích nuôi, trồng:
Phi thương mại □; Thương mại trong nước □; Xuất khẩu thương mại □
5. Các loài nuôi, trồng:
STT | Tên loài | Số lượng (cá thể) | Nguồn gốc | Ghi chú | |
Tên thông thường | Tên khoa học | ||||
1 |
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
6. Các tài liệu kèm theo:
– Hồ sơ nguồn gốc;
– …
Địa điểm …, ngày …. tháng … năm … |
Mẫu số 04
PHƯƠNG ÁN
NUÔI ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM NHÓM IB; ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC I CITES
1. Tên và địa chỉ của cơ sở:………………………………………………………………………………
2. Họ, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện:…………………………………………………………..
Số CMND/Hộ chiếu/căn cước công dân/:………Ngày cấp:………. Nơi cấp:………………..
3. Ngày thành lập cơ sở:………………………………………………………………………………….
4. Loài nuôi (tên khoa học, tên thông thường):………………………………………………………
5. Thông tin chi tiết về số lượng và tuổi của con đực, cái trong đàn giống sinh sản:……..
6. Tài liệu chứng minh các con giống có nguồn gốc hợp pháp theo quy định tại Nghị định, CITES: ………………………………….
7. Hiện trạng tổng đàn gồm: đàn bố mẹ, đàn giống hậu bị đang nuôi và đàn con (số lượng cá thể, giới tính và độ tuổi): ………….
Năm | Hậu bị | Bố mẹ | Giai đoạn trứng (nếu có) và con non dưới 1 tuổi | Bán | Con ≥ 1 tuổi | Tổng đàn (con) | ||||||||
Đực | Cái | Đực | Cái | Số ổ trứng (nếu có) | Số ổ trứng bình quân / ổ (nếu có) | Số trứng (nếu có) | Tỷ lệ trứng hỏng (%) (nếu có) | Số trứng nở (nếu có) | Con dưới 1 tuổi | Tỷ lệ chết con < 1 tuổi (%) | ||||
Quá khứ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Hiện tại |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Dự kiến |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
8. Nếu cơ sở mới sản xuất được thế hệ F1 thì cung cấp tài liệu chứng minh cơ sở được quản lý và hoạt động theo phương pháp mà một cơ sở khác đã áp dụng và được công nhận đã sản xuất được thế hệ F2:
9. Thông tin về năng lực sản xuất (sản lượng) hàng năm trước đây, hiện tại và dự kiến trong các năm tới, gồm:
a) Số lượng cá thể con sinh sản hàng năm; và
b) Những biến động bất thường trong sinh sản hàng năm (nếu có), giải thích nguyên nhân những biến động bất thường.
10. Đánh giá nhu cầu dự kiến và nguồn cung cấp con giống bổ sung cho đàn giống sinh sản của cơ sở nhằm tránh sinh sản đồng huyết, cận huyết.
11. Loại sản phẩm chính đối với trường hợp nuôi vì mục đích thương mại (động vật sống, da, xương, huyết thanh, các bộ phận hoặc dẫn xuất khác):
12. Mô tả chi tiết phương pháp đánh dấu mẫu vật (dùng thẻ, chíp điện tử, cắt tai, cắt vẩy) nhằm xác định nguồn giống sinh sản, các thế hệ kế tiếp và các loại sản phẩm xuất khẩu:
13. Mô tả cơ sở hạ tầng của cơ sở nuôi hiện tại và dự kiến trong tương lai: diện tích, công nghệ chăn nuôi, cung cấp thức ăn, điều kiện thú y, vệ sinh môi trường, cách thức lưu trữ thông tin:
14. Mô tả thủ tục kiểm tra và giám sát được sử dụng để nhận dạng động vật nuôi hợp pháp (gồm bố mẹ, đàn hậu bị và các con) và phát hiện các cá thể có nguồn gốc bất hợp pháp được đưa vào cơ sở nuôi.
15. Các thông tin khác theo yêu cầu CITES đối với những loài động vật quy định tại Phụ lục I CITES:
16. Thuyết minh về hoạt động được cơ sở nuôi sử dụng và cam kết về những đóng góp cho công tác bảo tồn loài:
– Số lượng cá thể đực, cái thuần chủng, độ tuổi của động vật tái thả lại khu vực phân bố tự nhiên của loài hoặc trao đổi với các cơ sở nuôi không vì mục đích thương mại.
– Thời điểm tái thả lại môi trường tự nhiên:
– Tần suất tái thả (nếu có):
– Các biện pháp khác:
17. Mô tả các rủi ro và các biện pháp xử lý rủi ro:
– Các rủi ro đối với môi trường tự nhiên (nếu có) và các biện pháp phòng, chống rủi ro;
– Các rủi do đối với an toàn của con người và vật nuôi khác (nếu có) và các biện pháp phòng chống rủi ro;
– Các rủi ro về dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh;
– Các rủi do khi động vật thoát khỏi chuồng/cơ sở nuôi hoặc bị đánh cắp; mô tả các biện pháp phòng, chống động vật thoát ra ngoài môi trường tự nhiên đối với loài được nuôi tại khu vực không phải là khu vực phân bố tự nhiên của loài.
18. Mô tả các biện pháp đảm bảo động vật nuôi được đối xử nhân đạo ở mọi khâu (nuôi, giết mổ, vận chuyển….)./.
Địa điểm …, ngày …. tháng … năm … |
Mẫu số 05
PHƯƠNG ÁN
TRỒNG CÁC LOÀI THỰC VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM NHÓM IA; THỰC VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC I CITES
1. Tên và địa chỉ của cơ sở:………………………………………………………………………………
2. Họ, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện:…………………………………………………………..
Số CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu: …………… Ngày cấp: ………… Nơi cấp:……….
3. Thời điểm thành lập cơ sở trồng:……………………………………………………………………
4. Loài hoặc phân loài đăng ký trồng (tên khoa học, tên thông thường):…………………….
5. Số lượng loài thực vật đăng ký trồng:……………………………………………………………..
6. Mô tả về cơ sở trồng, đặc biệt là mô tả thông tin về loài hoặc nhóm loài thực vật đã được trồng trong quá khứ…………………………………………………………………………………………………………………..
7. Tài liệu chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật hiện hành của nguồn giống của loài đăng ký trồng:…………………………………………………………………………………………………………..
8. Mô tả phương pháp trồng:…………………………………………………………………………….
9. Mô tả điều kiện hạ tầng cơ sở:……………………………………………………………………….
10. Sản lượng hàng năm trước đây, hiện tại và dự kiến trong các năm tới:…………………
11. Mô tả các biện pháp phòng, chống sự phát tán của thực vật ra môi trường tự nhiên đối với loài được trồng tại khu vực không phải là khu vực phân bố tự nhiên của loài……………………………………………..
12. Các thông tin khác theo yêu cầu của CITES đối với những loài thực vật quy định tại Phụ lục I CITES:
13. Thuyết minh và cam kết về những đóng góp cho công tác bảo tồn loài (chỉ áp dụng cho hoạt động trồng phi thương mại):
– Số lượng thực vật thuần chủng và độ tuổi của thực vật tái trồng lại khu vực phân bố tự nhiên của loài hoặc trao đổi với các cơ sở trồng không vì mục đích thương mại.
– Thời điểm/tần suất tái trồng lại khu vực phân bố tự nhiên của loài:………………………….
Địa điểm …, ngày …. tháng … năm … |
Mẫu số 06
PHƯƠNG ÁN
NUÔI ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM NHÓM IIB; ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC II, III CITES
1. Tên và địa chỉ của cơ sở:………………………………………………………………………………
2. Họ, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện:…………………………………………………………..
Số CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu:……….Ngày cấp:…………Nơi cấp:……………….
3. Loài đăng ký nuôi sinh sản (tên khoa học và tên thông thường):……………………………
4. Thông tin chi tiết về số lượng và tuổi của con đực, cái trong đàn giống sinh sản:……..
5. Tài liệu chứng minh các con giống đó được đánh bắt hợp pháp theo quy định tại Nghị định, CITES:
6. Bản đánh giá nhu cầu và nguồn cung cấp mẫu vật để tăng cường nguồn giống sinh sản nhằm phát triển nguồn gen:…………………………………………………………………………………………………………………..
7. Loại sản phẩm đối với các cơ sở nuôi thương mại (động vật sống, da, xương, huyết thanh, các bộ phận hoặc dẫn xuất khác):…………………………………………………………………………………………………….
8. Mô tả cơ sở hạ tầng của cơ sở nuôi: diện tích, công nghệ chăn nuôi, cung cấp thức ăn, khả năng thú y, vệ sinh môi trường và cách thức lưu trữ thông tin:…………………………………………………………………
9. Thuyết minh và cam kết về những đóng góp cho công tác bảo tồn loài:
– Số lượng cá thể đực, cái thuần chủng, độ tuổi của động vật tái thả lại khu vực phân bố tự nhiên của loài hoặc trao đổi với các cơ sở nuôi không vì mục đích thương mại.
– Đóng góp khác cho bảo tồn (giáo dục thiên nhiên, tài trợ cho các dự án bảo tồn…)
10. Mô tả các rủi ro và các biện pháp xử lý rủi ro:
– Các rủi ro đối với môi trường tự nhiên (nếu có) và các biện pháp phòng, chống rủi ro này;
– Các rủi ro đối với an toàn của con người và vật nuôi khác và các biện pháp phòng chống rủi ro này;
– Các rủi ro về dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh;
– Các rủi ro khi động vật thoát khỏi chuồng/cơ sở nuôi hoặc bị đánh cắp; mô tả các biện pháp phòng, chống động vật thoát ra ngoài môi trường tự nhiên đối với loài được nuôi tại khu vực không phải là khu vực phân bố tự nhiên của loài./.
Địa điểm …, ngày …. tháng … năm … |
Mẫu số 07
PHƯƠNG ÁN
TRỒNG THỰC VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM NHÓM IIA; CÁC LOÀI THỰC VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC II, III CITES
1. Tên và địa chỉ của cơ sở:………………………………………………………………………………
2. Họ, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện:…………………………………………………………..
Số CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu:………Ngày cấp:………. Nơi cấp:…………………
3. Loài đăng ký trồng (tên khoa học và tên thông thường):………………………………………
4. Mô tả số lượng nguồn giống khai thác hợp pháp từ tự nhiên:………………………………
5. Mô tả điều kiện hạ tầng và phương thức trồng:………………………………………………….
6. Sản lượng hàng năm trước đây, hiện tại và dự kiến trong các năm tới:…………………..
7. Tài liệu chứng minh nguồn gốc giống hợp pháp theo của loài đăng ký trồng.
8. Thuyết minh và cam kết về những đóng góp cho công tác bảo tồn loài đối với trường hợp trồng không vì mục đích thương mại:
– Số lượng thực vật thuần chủng và độ tuổi của thực vật tái trồng lại khu vực phân bố tự nhiên của loài hoặc trao đổi với các cơ sở trồng không vì mục đích thương mại.
– Đóng góp khác cho bảo tồn (giáo dục thiên nhiên, tài trợ cho các dự án bảo tồn…)
9. Mô tả các biện pháp phòng, chống sự phát tán của thực vật ra môi trường tự nhiên đối với loài được trồng tại khu vực không phải là khu vực phân bố tự nhiên của loài./.
Địa điểm……, ngày …. tháng … năm … |
Mẫu số 08
MÃ SỐ CƠ SỞ NUÔI, TRỒNG
1. Quy cách mã số:
Hai chữ cái đầu thể hiện Phụ lục và loại mẫu vật: IA là thực vật thuộc Phụ lục I hoặc Nhóm I; IB là động vật thuộc Phụ lục I hoặc Nhóm I; IIA là thực vật thuộc Phụ lục II hoặc Nhóm II; IIB là động vật thuộc Phụ lục II hoặc Nhóm II.
Các chữ cái tiếp theo thể hiện mục đích của cơ sở nuôi, trồng: VN đối với nuôi, trồng không vì mục đích thương mại; Hai chữ viết tắt của tỉnh nơi đặt cơ sở đối với nuôi, trồng vì mục đích thương mại.
Ví dụ:
IA-VN-008 trong đó:
I: Phụ lục I hoặc Nhóm I
A: loài thực vật
VN: Mã quốc gia với loài nuôi, trồng phi thương mại
008: số của cơ sở trồng
IB-VN-008: trong đó:
I: Phụ lục I hoặc Nhóm I
B: loài động vật
VN: Mã quốc gia với loài nuôi, trồng phi thương mại
008: số của cơ sở nuôi
IIA-HAN-008 trong đó
II: Phụ lục II hoặc Nhóm II
A: loài thực vật
HAN: Mã tỉnh, thành phố với loài trồng thương mại (HAN mã của thành phố Hà Nội)
008: số của cơ sở trồng
IIB-HAN-008 trong đó
II: Phụ lục II hoặc Nhóm II
B: loài động vật
HAN: Mã tỉnh, thành phố với loài trồng thương mại (HAN mã của thành phố Hà Nội)
008: số của cơ sở nuôi
2. Thông tin kèm theo mã số
Các mã số được cấp kèm theo thông tin ví dụ dưới đây:
Tên cơ sở: Cơ sở nuôi cá sấu nước ngọt Suối Tiên
Địa chỉ: Xóm 3, xã Tân Phú – Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày thành lập: Ngày 01 tháng 01 năm 1989
Ngày cấp mã số: Ngày 01 tháng 01 năm 2002
Loài nuôi, trồng:
Cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis)
Nguồn gốc mẫu vật:
Mua từ cơ sở nuôi hợp pháp B
Quy cánh đánh dấu:
Tất cả các cá thể được đánh dấu bằng việc cắt vảy đuôi (khi đạt 3 tháng tuổi)
Ghi chú: Đối với cơ sở nuôi, trồng nhiều Nhóm loài thì mã số áp dụng đối với loài có quy chế quản lý, bảo vệ cao nhất, phần thông tin kèm theo mã số ghi đầy đủ thành phần loài.
QUY ƯỚC VIẾT TẮT TÊN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ
TT | Tên tỉnh, thành phố | Viết tắt | TT | Tên tỉnh, thành phố | Viết tắt |
1 | An Giang | AGG | 33 | Kon Tum | KTM |
2 | Bắc Kạn | BCN | 34 | Lai Châu | LCU |
3 | Bình Dương | BDG | 35 | Lâm Đồng | LDG |
4 | Bình Định | BĐH | 36 | Lạng Sơn | LSN |
5 | Bắc Giang | BGG | 37 | Lào Cai | LCI |
6 | Bạc Liêu | BLU | 38 | Long An | LAN |
7 | Bắc Ninh | BNH | 39 | Nam Định | NDH |
8 | Bình Phước | BPC | 40 | Nghệ An | NAN |
9 | Bến Tre | BTE | 41 | Ninh Bình | NBH |
10 | Bình Thuận | BTN | 42 | Ninh Thuận | NTN |
11 | Bà rịa – Vũng tàu | BTV | 43 | Phú Thọ | PTO |
12 | Cao Bằng | CBG | 44 | Phú Yên | PYN |
13 | Cà Mau | CMU | 45 | Quảng Bình | QBH |
14 | Cần Thơ | CTO | 46 | Quảng Nam | QNM |
15 | Đà Nẵng | DAN | 47 | Quảng Ngãi | QNI |
16 | Đắk Lắk | DLC | 48 | Quảng Ninh | QNH |
17 | Đắk Nông | DNG | 49 | Quảng Trị | QTI |
18 | Điện Biên | DBN | 50 | TP. Hồ Chí Minh | HCM |
19 | Đồng Nai | DNI | 51 | Sơn La | SLA |
20 | Đồng Tháp | DTP | 52 | Sóc Trăng | STG |
21 | Gia Lai | GLI | 53 | Tây Ninh | TNH |
22 | Hà Giang | HAG | 54 | Thái Bình | TBH |
23 | Hà Nam | HNM | 55 | Thái Nguyên | TNN |
24 | Hà Nội | HAN | 56 | Thanh Hoá | THA |
25 | Hà Tĩnh | HTH | 57 | Thừa Thiên Huế | TTH |
26 | Hải Dương | HDG | 58 | Tiền Giang | TGG |
27 | Hải Phòng | HPG | 59 | Tuyên Quang | TQG |
28 | Hậu Giang | HGG | 60 | Trà Vinh | TVH |
29 | Hòa Bình | HBH | 61 | Vĩnh Long | VLG |
30 | Hưng Yên | HYN | 62 | Vĩnh Phúc | VPC |
31 | Kiên Giang | KGG | 63 | Yên Bái | YBI |
32 | Khánh Hòa | KHA |
|
|
Mẫu số 09
GIẤY PHÉP CITES
The code to be used for box no 5a as follows:
(Các ký tự hiển thị trong ô số 5a)
T Commercial/Thương mại
Z Zoos/Trao đổi giữa các vườn thú
G Botanical gardens/Trao đổi giữa các vườn thực vật
Q Circusese and travelling exhibitions/Xiếc hoặc triển lãm lưu động
S Scientific/Khoa học
H Hunting trophies/Săn lấy mẫu
P Personal/Tài sản cá nhân
M Bio-medical research/Nghiên cứu y sinh
E Educational/Giáo dục
N Reintroduction or introduction into the wild/Thả hoặc thả lại vào tự nhiên
B Breeding in captivity or artificial propagation/Gây nuôi sinh sản hoặc trồng cấy nhân tạo
The code to be used for box No. 10 as follows:
(Các ký tự hiển thị trong ô số 10)
W Speciemens taken from the wild/Mẫu vật được đánh bắt từ tự nhiên
R Speciemens originating from a ranching operation/Mẫu vật có nguồn gốc từ các cơ sở chăn nuôi
D Appendix I animals bred in captivity for commercial purpose or Appendix I plants artificially propagated for commercial purposes well as parts and products thereof, exported under the provisions of Article VII, paragraph 4, of the Conventio/Mẫu vật của các loài động, thực vật thuộc Phụ lục I được gây nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo vì mục đích thương mại, kể cả các bộ phận và dẫn xuất của chúng, và được xuất khẩu theo quy định ở khoản 4, điều VII Công ước.
A Plants that are aritificially propagated in accordance with Resolution Conf 2.12 as well as parts and products thereof, exported under the provisions of Article VII, paragraph 5 of the Convention (speciemens of species included in Appendix I if they are not reproduced artificially for commercial purposes and speciemens of species included in Appendices II and III)/Các loài thực vật được trồng cấy nhân tạo theo quy định ở khoản a) của Nghị quyết 11.11, kể cả các bộ phận và dẫn xuất của chúng, được xuất khẩu theo quy định ở khoản 5, điều VII Công ước (mẫu vật các loài Phụ lục I được trồng cấy nhân tạo vì mục đích phi thương mại và mẫu vật các loài thuộc Phụ lục II và III).
C Animals bred in captivity in accordance with Resolution Conf 2.12 as well as parts and products thereof, exported under the provisions of Article VII, paragraph 5 of the Convention (speciemens of species included in Appendix I if they are not bred in captivity for commercial purpose and speciemens of species included in Appendices II and III)/Các loài động vật được gây nuôi sinh sản theo quy định của Nghị quyết 10.16, kể cả các bộ phận và dẫn xuất của chúng, được xuất khẩu theo quy định ở khoản 5, điều VII Công ước (mẫu vật các loài thuộc Phụ lục I được gây nuôi sinh sản vì mục đích phi thương mại và mẫu vật các loài thuộc Phụ lục II và III)
F F1 – generation animals born in captivity, but which do not fulfil the definition of bred in captivity in Resolution Conf.2.12, as well as parts and products thereof/Các loài động vật được sinh ra trong các cơ sở gây nuôi sinh sản (F1 hoặc các thế hệ kế tiếp) nhưng chưa đáp ứng được quy định của định nghĩa “gây nuôi sinh sản” của Nghị quyết 10.16, kể cả các bộ phận và dẫn xuất của chúng
U Source unknown (Must be justified)/Nguồn gốc không rõ ràng (cần phải xác định)
I Confiscated or seized speciemens/Mẫu vật bị bắt hoặc thu giữ
Mẫu số 10
CHỨNG CHỈ CITES XUẤT KHẨU MẪU VẬT LƯU NIỆM
SOUVERNIR EXPORT CERTIFICATE
Mã số cơ sở/Operation No: ________ Số chứng chỉ/Certificate _____________
No:
Tên và địa chỉ cửa hàng:/Name and Address of the Shop _____________
Tên khách hàng/Name of Customer: _____________
Quốc tịch/Nationality: _____________
Số hộ chiếu/Passport No: __________________________
TT No. | Mô tả mẫu vật Description of Specimens | Tên khoa học Scientific Name: | Nguồn và Phụ lục Source & Appendice | Số lượng Quantity |
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
4 |
|
|
|
|
Chữ ký và họ tên của chủ cơ sở/Signature and full Name of the Operation Owner: __________________________
Ngày/Date: _____________/_____________/20
Lưu ý/Important note:
– Chứng chỉ này chỉ được cấp tối đa cho mỗi khách hàng 4 đơn vị cho mỗi loại mẫu vật /This certificate is only valid for up to 4 items per customer
– Nếu cần thêm thông tin về giấy phép này xin liên hệ với/For further information or clarification on this certificate, please contact:
CITES Mamagement Authority of Vietnam
No. 02 Ngoc Ha Street, Hanoi; Tel: (84 24) 3733 5676
Fax: (84 24) 3734 6742; Email: cites_vn.kl@mard.gov.vn
Mẫu số 11
CHỨNG CHỈ MẪU VẬT TIỀN CÔNG ƯỚC
PRE-CONVENTION CERTIFICATE
Cấp cho/Issuing for:__________________________________________________________
Số CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu/Identity card No:__________________________
Ngày cấp/Issuing date: _____________ Nơi cấp/Issuing place:______________________
Tên loài/Name of species:_____________________________________________________
Tên khoa học/tên thông thường/Scientific name/common name:_____________________
Mô tả mẫu vật/Description of specimen:_________________________________________
Số đánh dấu/Marking No.:_____________________________________________________
Nguồn và Phụ lục/Source & Appendice:_________________________________________
Số lượng/Quantity:___________________________________________________________
Ngày có mẫu vật/Date of accquisition:__________________________________________
Giấy tờ hợp pháp/Legal document:_____________________________________________
Nơi cấp/Place:……………………………… Ngày cấp/Date……………………………………
Chữ ký, dấu của Cơ quan quản lý CITES/Signature and official seal:……………………….
Mẫu số 12
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————–
ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP CITES/ SAMPLE REQUEST FOR CITES PERMIT
Kính gửi: ………………………………………………………………………….
1. Tên tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép/Name of requesting organization, individual:
– Tổ chức: Tên đầy đủ bằng tiếng Việt và tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có)/Organization: Fullname of the organization in Vietnamese and transaction name in English (if any):…………………………………
– Cá nhân: Họ, tên ghi trong CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu/Individual: Fullname as appeared in ID/Passport:…………………………………………………………………………………………………………………..
– Số CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu/ID/Passport:……..Ngày cấp/date:…..Nơi cấp/place:
2. Địa chỉ, điện thoại/Address, cellphone/telephone number:
– Tổ chức: Địa chỉ trụ sở, số, ngày đăng ký kinh doanh, số điện thoại liên hệ/Organization: Address of head office, Business registration number, date of issue and cellphone/telephone number:…………….
– Cá nhân: Địa chỉ thường trú, điện thoại/Individual: Permanent Address, cellphone/telephone number:
3. Nội dung đề nghị/Request:…………………………………………………………………………….
4. Tên loài/(Name of species)
– Tên khoa học (tên La tinh)/Scientific name (Latin name):………………………………………..
– Tên thông thường (tiếng Anh, tiếng Việt)/Common name (English, Vietnamese):…………
– Số lượng (bằng chữ: …)/Quantity (in words: ……):………………………………………………
– Đơn vị (con, kg, mảnh, chiếc …)/unit (individual, kg, piece …):……………………………….
– Mục đích của việc đề nghị cấp giấy phép, chứng chỉ CITES:/Purpose of requesting for CITES permit:
5. Nguồn gốc mẫu vật/Origin of specimens:…………………………………………………………
6. Mô tả chi tiết (kích cỡ, tình trạng, loại sản phẩm…)/Detailed description (size, status, type of products …):
7. Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu bằng tiếng Việt và tiếng Anh (nếu có)/Name and address of exporting and importing organization, individual in Vietnamese and in English (if any):
8. Thời gian dự kiến xuất, nhập khẩu/Expected exporting, importing time:
9. Cửa khẩu xuất, nhập khẩu (nêu rõ tên cửa khẩu, nước)/Export, import border gate (specify border gate’s name and country):……………………………………………………………………………………………………….
10. Chứng từ gửi kèm/Attached documents:………………………………………………………..
Địa điểm/place … Ngày/date … tháng/month … năm/year … |
Mẫu số 13
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————-
ĐỀ NGHỊ CẤP ẤN PHẨM CHỨNG CHỈ CITES XUẤT KHẨU MẪU VẬT LƯU NIỆM/ SAMPLE REQUEST FOR CITES SOUVERNIR EXPORT CERTIFICATE
Kính gửi/To1: ………………………………………………………………….
1. Tên tổ chức, cá nhân đề nghị/Name of requesting organization, individual:
– Tổ chức: Tên đầy đủ bằng tiếng Việt và tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có)/Organization: Fullname of the organization in Vietnamese and transaction name in English (if any):………………………….
– Cá nhân: Họ, tên ghi trong CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu/Individual: Fullname as appeared in ID/Passport:…………………………………………………………………………………………………………………..
– Số CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu/ID/Passport:…..Ngày cấp/date:………Nơi cấp/place: …..
2. Địa chỉ, điện thoại/Address, cellphone/telephone number:
– Tổ chức: Địa chỉ trụ sở, số, ngày đăng ký kinh doanh, số điện thoại liên hệ/Organization: Address of head office, Business registration number, date of issue and cellphone/telephone number:…………….
– Cá nhân: Địa chỉ thường trú, điện thoại/Individual: Permanent Address, cellphone/telephone number:
– Địa chỉ cơ sở nuôi, cơ sở trồng, cơ sở chế biến, kinh doanh/ Operation address:………
3. Mã số cơ sở nuôi, cơ sở trồng/Operation code:………………………………………………..
4. Tên loài/(Name of species)
– Tên khoa học (tên La tinh)/Scientific name (Latin name):………………………………………..
– Tên thông thường (tiếng Anh, tiếng Việt)/ Common name (English, Vietnamese):………..
5. Mô tả chi tiết mẫu vật lưu niệm đề nghị cấp chứng chỉ CITES (kích cỡ, tình trạng, loại sản phẩm …)/Detailed description (size, status, type of products …):………………………………………………………
6. Số lượng chứng chỉ đề nghị cấp:….(bằng chữ:…)/Quantity (in words:……):…………….
7. Nguồn gốc mẫu vật/Origin of specimens (nuôi, trồng; khai thác hợp pháp từ tự nhiên; mua của các tổ chức, cá nhân khác, nhập khẩu ….):……………………………………………………………………………………….
8. Chứng từ gửi kèm/Attached documents:………………………………………………………….
Địa điểm/place … Ngày/date … tháng/month … năm/year |
1 Cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản cấp tỉnh đối với mẫu vật các loài thủy sản; Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh đối với mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục Công ước CITES, trừ các loài thủy sản.
Mẫu số 14
SỔ THEO DÕI HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN MẪU VẬT THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM; ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES
1. Tên tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến:……………………………………………………….
2. Loài (tên phổ thông và tên khoa học):……………………………………………………………
Nguyên liệu đầu vào | Sản phẩm đầu ra | Ghi chú | ||||||||
Ngày nhập | Hồ sơ nguồn gốc | Loại nguyên liệu (da, lông, ngà…) | Đơn vị tính (cái/m2/cm3..) | Lượng nguyên liệu | Ngày sản xuất | Sản phẩm (loại sản phẩm) | Số lượng sản phẩm | Kích thước SP (cm2/m2/cm3…) | Nguyên liệu tiêu hao | |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| – |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
* Ghi chú: Cột Tổng lượng nguyên liệu đầu vào và lượng nguyên liệu tiêu hao phải có cùng đơn vị tính toán
Mẫu số 15
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———————
ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP CITES NHẬP NỘI TỪ BIỂN/ CHỨNG CHỈ CITES MẪU VẬT TIỀN CÔNG ƯỚC / SAMPLE REQUEST FOR CITES CERTIFICATE
Kính gửi: …………………………………………………………………….
1. Tên tổ chức, cá nhân đề nghị/Name of requesting organization, individual:
– Tổ chức: Tên đầy đủ bằng tiếng Việt và tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có)/Organization: Fullname of the organization in Vietnamese and transaction name in English (if any):………………………….
– Cá nhân: Họ, tên ghi trong CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu/Individual: Fullname as appeared in ID/Passport:…………………………………………………………………………………………………………………..
– Số CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu/ID/Passport…..Ngày cấp/date:….. Nơi cấp/place:……..
2. Địa chỉ, điện thoại/Address, cellphone/telephone number:
– Tổ chức: Địa chỉ trụ sở, số, ngày đăng ký kinh doanh, số điện thoại liên hệ/Organization: Address of head office, Business registration number, date of issue and cellphone/telephone number:…………….
– Cá nhân: Địa chỉ thường trú, điện thoại/Individual: Permanent Address, cellphone/telephone number:
3. Tên loài đề nghị/(Name of species)
– Tên khoa học (tên La tinh)/Scientific name (Latin name):………………………………………..
– Tên thông thường (tiếng Anh, tiếng Việt)/ Common name (English, Vietnamese):………..
4. Mô tả chi tiết mẫu vật (kích cỡ, tình trạng, giới tính, độ tuổi, loại sản phẩm …)/Detailed description (size, status, type of products …):
5. Số lượng:…………(bằng chữ: …)/Quantity (in words: ……..):
6. Nguồn gốc mẫu vật/Origin of specimens (khai thác hợp pháp từ tự nhiên; khai thác tại vùng biển (tọa độ); mua của các tổ chức, cá nhân khác ….):………………………………………………………………………….
7. Chứng từ gửi kèm/Attached documents:………………………………………………………….
Địa điểm/place … Ngày/date … tháng/month … năm/year … |
Mẫu số 16
MẪU SỔ THEO DÕI HOẠT ĐỘNG NUÔI ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM, ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES, ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG
Mẫu số 16A
MẪU SỔ THEO DÕI HOẠT ĐỘNG NUÔI ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM, ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES, ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG1
(Không áp dụng cho cơ sở nuôi sinh trưởng)
1. Họ và tên của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở nuôi:……………………………………………..
2. Địa chỉ (gồm địa chỉ của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở nuôi và địa điểm nuôi):………..
3. Tên tiếng phổ thông của loài nuôi:…………………………………………………………………..
4. Tên khoa học của loài nuôi:……………………………………………………………………………
5. Hình thức nuôi: □ Nuôi sinh sản □ Nuôi khác
6. Mã số cơ sở nuôi: ………………………………………………………………………………………
Ngày | Tổng số cá thể nuôi | Cá thể bố mẹ | Đàn giống hậu bị | Số lượng con dưới 1 tuổi | Số lượng cá thể trên 1 tuổi | Nhập cơ sở (mua, sinh sản ..vv) | Xuất cơ sở (bán, cho tặng, chết…) | Ghi chú | Xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm/Cơ quan thủy sản | |||||||||||
Tổng | Đực | Cái | Không xác định | Đực | Cái | Đực | Cái | Đực | Cái | Không xác định | Đực | Cái | Không xác định | Đực | Cái | Không xác định | ||||
1 | 2= 3+4+5 | 3= 6+8+11+14–17 | 4= 7+9+12+15-18 | 5= 10+13+16-19 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
1. Số liệu tại sổ, chủ nuôi phải ghi chép ngay khi có sự thay đổi và chốt định kỳ vào ngày cuối cùng của tháng.
2. Cột số 11, 12 và 13 không bao gồm số cá thể ở đàn giống hậu bị, số cá thể bố mẹ.
3. Cột 21, cán bộ Kiểm lâm, cán bộ cơ quan thủy sản ký xác nhận khi kiểm tra các cơ sở nuôi động vật hoang dã.
1 Mỗi loài có 01 sổ theo dõi riêng
Mẫu số 16B
SỔ THEO DÕI NUÔI ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM, ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES, ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG2
(Áp dụng cho cơ sở nuôi sinh trưởng)
1. Họ và tên của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở nuôi:……………………………………………..
2. Địa chỉ (gồm địa chỉ của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở nuôi và địa điểm nuôi):………..
3. Tên tiếng phổ thông của loài nuôi:…………………………………………………………………..
4. Tên khoa học của loài nuôi:……………………………………………………………………………
5. Hình thức nuôi: Nuôi sinh trưởng
6. Mã số cơ sở nuôi:……………………………………………………………………………………….
Ngày | Tổng số cá thể nuôi | Số lượng con dưới 1 tuổi | Số lượng cá thể trên 1 tuổi | Nhập cơ sở (mua, sinh sản ..vv) | Xuất cơ sở (bán, cho tặng, chết..) | Ghi chú (ví dụ số chíp …) | Xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm/Cơ quan thủy sản | |||||||||
Tổng | Đực | Cái | Không xác định | Đực | Cái | Không xác định | Đực | Cái | Không xác định | Đực | Cái | Không xác định | ||||
1 | 2= 3+4+5 | 3= 7+10-13 | 4= 8+11-14 | 5= 6+9+12-15 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
1. Số liệu tại sổ, chủ nuôi phải ghi chép ngay khi có sự thay đổi và chốt định kỳ vào ngày cuối cùng của tháng.
2. Cột 17, cán bộ của Cơ quan cấp mã số ký xác nhận khi kiểm tra các cơ sở nuôi động vật hoang dã.
2 Mỗi loài có 01 sổ theo dõi riêng
Mẫu số 16C
SỔ THEO DÕI SINH SẢN CỦA ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM, ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES VÀ ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG
(Áp dụng cho các loài động vật đẻ trứng)
1. Họ và tên của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở nuôi:……………………………………………..
2. Địa chỉ (gồm địa chỉ của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở nuôi và địa điểm nuôi):………..
3. Tên tiếng phổ thông của loài nuôi:…………………………………………………………………..
4. Tên khoa học của loài nuôi:……………………………………………………………………………
5. Độ tuổi của các cá thể bố mẹ:………………………………………………………………………..
6. Hình thức nuôi: □ Nuôi sinh sản □ Nuôi khác
7. Mã số cơ sở nuôi:……………………………………………………………………………………….
TT | Ngày (lấy trứng khỏi tổ/ ấp trứng/ con non nở, chết …) | Số cá thể bố mẹ | Số lượng trứng | Số lượng trứng được đưa vào ấp | Số con non nở | Số con con bị chết | Số con non còn sống | Số con con cộng dồn theo thời gian | Số con non tách khỏi khu nuôi nhốt (tách đàn) | Số con non còn lại | Ghi chú | Xác nhận của cơ quan Kiểm lâm/ thủy sản | |
Đực | Cái | ||||||||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9=7-8 | 10 | 11 | 12=10-11 | 13 | 14 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
1. Sổ theo dõi sinh sản của động vật hoang dã được lập riêng cho từng loài.
2. Số liệu tại sổ, chủ nuôi phải ghi chép ngay khi có sự thay đổi và chốt định kỳ vào ngày cuối cùng của tháng hoặc kết thúc mùa sinh sản của động vật.
3. Số cá thể tách khỏi khu nuôi nhốt con non được hiểu là khi chủ nuôi bán con giống hoặc con non được gia nhập đàn với các cá thể trưởng thành.
Mẫu số 16D
SỔ THEO DÕI SINH SẢN CỦA ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM, ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES VÀ ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG
(Áp dụng cho các loài động vật đẻ con)
1. Họ và tên của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở nuôi:……………………………………………..
2. Địa chỉ (gồm địa chỉ của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở nuôi và địa điểm nuôi):………..
3. Tên tiếng phổ thông của loài nuôi:…………………………………………………………………..
4. Tên khoa học của loài nuôi:……………………………………………………………………………
5. Độ tuổi của các cá thể bố mẹ:………………………………………………………………………..
6. Hình thức nuôi: □ Nuôi sinh sản □ Nuôi khác
7. Mã số cơ sở nuôi: ………………………………………………………………………………………
TT | Ngày (đẻ, chết…) | Số cá thể bố mẹ | Số con non nở | Số con con bị chết | Số con non còn sống | Số con con cộng dồn theo thời gian | Số con non tách khỏi khu nuôi nhốt (tách đàn) | Số con non còn lại | Ghi chú | Xác nhận của cơ quan Kiểm lâm/ thủy sản | |
Đực | Cái | ||||||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 7 | 8 | 9=7-8 | 10 | 11 | 12=10-11 | 13 | 14 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
1. Sổ theo dõi sinh sản của động vật hoang dã được lập riêng cho từng loài.
2. Số liệu tại sổ, chủ nuôi phải ghi chép ngay khi có sự thay đổi và chốt định kỳ vào ngày cuối cùng của tháng hoặc kết thúc mùa sinh sản của động vật.
3. Số cá thể tách khỏi khu nuôi nhốt con non được hiểu là khi chủ nuôi bán con giống hoặc con non được gia nhập đàn với các cá thể trưởng thành.
Mẫu số 17
MẪU SỔ THEO DÕI CƠ SỞ TRỒNG THỰC VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM VÀ THỰC VẬT HOANG DÃ THUỘC PHỤ LỤC CITES
Mẫu số 17A
sổ theo dõi cơ sở nhân giống nhân tạo thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực vật hoang dã thuộc phụ lục cites
1. Họ và tên của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở trồng:……………………………………………
2. Địa chỉ (gồm địa chỉ của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở trồng và địa điểm trồng):……..
3. Tên tiếng phổ thông của loài thực vật:……………………………………………………………..
4. Tên khoa học của loài thực vật:………………………………………………………………………
5. Mã số cơ sở trồng:……………………………………………………………………………………..
Ngày | Tập đoàn cây giống | Số lượng cây trong bình vô trùng | Số lượng cây non | Số cây trưởng thành | Bổ sung (mua hoặc các cách khác) | Chuyển giao (bán hoặc các cách khác) | Ghi chú | ||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
Tập đoàn cây giống: Ghi rõ số lượng cây giống ban đầu và nguồn gốc số cây giống đó.
Số lượng cây trong bình nghiệm: Ghi chép số lượng cây cấy mô nhân giống trong bình vô trùng.
Cây non: Ghi chép số lượng cây được đưa ra nuôi trồng. Để có được con số này, ta có thể lấy tổng số cây được lấy ra từ bình vô trùng nuôi trồng thành công trong 1 tháng đầu.
Cây trưởng thành: Ghi chép số lượng cây sống được trong 6 tháng đầu và tiếp tục được nuôi lớn cho đến khi ra hoa/quả hoặc sản phẩm xuất bán.
Bổ sung: Cột này được sử dụng để ghi chép số cây có được do mua từ các cơ sở khác, nhập khẩu. Ngày tiến hành bổ sung số cây cũng phải được ghi chép. Cây nhập khẩu phải ghi chú nước xuất xứ và số giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu ở cột ghi chú
Chuyển giao: Cột này được dùng để ghi chép số cây xuất khẩu hay bán đi. Cũng cần ghi chép lại ngày những cây đó được xuất khẩu hoặc bán đi. Khi thực vật xuất khẩu hoặc bán cho các cơ sở nuôi trồng khác thì ghi lại số giấy phép CITES xuất khẩu/giấy phép vận chuyển đặc biệt nếu có ở cột ghi chú.
Ghi chú: Sử dụng cột này để ghi chép những chi tiết về việc khai thác cây giống tự nhiên, bổ sung hoặc chuyển giao (ví dụ số giấy phép khai thác, số giấy phép vận chuyển, điểm đến của lô hàng được bán hay xuất khẩu, nguồn thực vật được bổ sung vào cơ sở,…..)
Phải ghi chép vào sổ khi:
(1) bổ sung thêm thực vật vào vườn ươm
(2) thực vật được trồng tại vườn ươm bị chết hoặc bán đi; và
(3) chuyển thực vật một hạng tuổi sang hạng tuổi khác (ví dụ chuyển cây từ bình vô trùng sang cây non)
Ghi chú: Dành cho chủ cơ sở trồng, Cơ quan cấp mã số cần lưu để theo dõi sau mỗi lần kiểm tra.
Mẫu số 17B
SỔ THEO DÕI CƠ SỞ TRỒNG THỰC VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM VÀ THỰC VẬT HOANG DÃ THUỘC PHỤ LỤC CITES
1. Họ và tên của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở trồng:……………………………………………
2. Địa chỉ (gồm địa chỉ của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở trồng và địa điểm trồng):……..
3. Tên tiếng phổ thông của loài thực vật:……………………………………………………………..
4. Tên khoa học của loài thực vật:………………………………………………………………………
5. Mã số cơ sở trồng:……………………………………………………………………………………..
Ngày | Số lượng | Đơn vị tính | Diện tích trồng | Năm trồng | Bổ sung (mua hoặc các cách khác) | Chuyển giao (bán hoặc các cách khác) | Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bổ sung: Cột này được sử dụng để ghi chép số cây có được do mua từ các cơ sở khác, nhập khẩu. Ngày tiến hành bổ sung số cây cũng phải được ghi chép. Cây nhập khẩu phải ghi chú nước xuất xứ và số giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu ở cột ghi chú
Chuyển giao: Cột này được dùng để ghi chép số cây xuất khẩu hay bán đi. Cũng cần ghi chép lại ngày những cây đó được xuất khẩu hoặc bán đi. Khi thực vật xuất khẩu hoặc bán cho các cơ sở nuôi trồng khác thì ghi lại số giấy phép CITES xuất khẩu/giấy phép vận chuyển đặc biệt nếu có ở cột ghi chú.
Ghi chú: Sử dụng cột này để ghi chép những chi tiết về việc khai thác cây giống tự nhiên, bổ sung hoặc chuyển giao (ví dụ số giấy phép khai thác, số giấy phép vận chuyển, điểm đến của lô hàng được bán hay xuất khẩu, nguồn thực vật được bổ sung vào cơ sở, …)
Phải ghi chép vào sổ khi:
(1) bổ sung thêm thực vật vào vườn ươm.
(2) thực vật được trồng tại vườn ươm bị chết hoặc bán đi;
Mẫu số 18
CƠ QUAN CHỦ QUẢN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| ………, ngày tháng …… năm …… |
BÁO CÁO
Hoạt động nuôi, trồng thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES và động vật rừng thông thường
I. HOẠT ĐỘNG NUÔI ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM; ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES VÀ ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG
1. Thông tin về các cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES và động vật rừng thông thường
TT | Họ tên và địa chỉ của chủ nuôi | Tên loài nuôi | Tổng | Đàn bố mẹ | Đàn hậu bị | Cá thể dưới 1 tuổi | Số cá thể trên 1 tuổi | Mã số cơ sở nuôi | Ngày được cấp mã số | Mục đích nuôi | Ghi chú | ||||||||
Tên thông thường | Tên khoa học | Tổng | Đực | Cái | Tổng | Đực | Cái | Tổng | Đực | Cái | Không xác định | ||||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5= 6+9+12+13 | 6=7+8 | 7 | 8 | 9= 10+11 | 10 | 11 | 12 | 13= 14+15+16 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 |
A | Quận/huyện…. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
I. | Xã/phường…. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
II. | Xã/phường…. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
B | Quận/huyện…. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
I. | Xã/phường…. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
Tổng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
1. Các cơ sở nuôi sinh sản phải điền đầy đủ thông tin, các cơ sở nuôi khác không điền thông tin tại các cột 6,7,8,9,19 và 11.
2. Mục đích nuôi được ghi như sau: (T) Thương mại; (Z) Vườn thú, trưng bày; (Q) Biểu diễn xiếc; (R) Cứu hộ; (S) Nghiên cứu khoa học; (O) Khác
2. Số liệu tổng hợp về các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES và động vật rừng thông thường nuôi
TT | Tên loài nuôi | Số lượng | Ghi chú | |||
Tên thông thường | Tên khoa học | Tổng số cá thể | Tổng số cơ sở nuôi | Số cơ sở đã đăng ký mã số | ||
1 | 2 | 3 | 4 | 5=6+7 | 6 | 7 |
I | Động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES | |||||
1 |
|
|
|
| ||
2 |
|
|
|
| ||
3 |
|
|
|
| ||
… |
|
|
|
| ||
II | Động vật rừng thông thường | |||||
1 |
|
|
|
| ||
2 |
|
|
|
| ||
3 |
|
|
|
| ||
|
|
|
|
| ||
… |
|
|
|
| ||
Tổng |
|
|
|
|
II. TRỒNG THỰC VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM VÀ THỰC VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES
TT | Họ và tên chủ cơ sở trồng | Loài thực vật trồng | Số lượng cây trồng | Ngày/năm trồng | Ngày đăng ký | Ghi chú | |||
Tên phổ thông | Tên khoa học | Số lượng | Đơn vị tính | Diện tích (ha) | |||||
A | Huyện ……….. |
|
|
|
|
|
|
|
|
I | Xã …………. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
III. KHAI THÁC TỪ TỰ NHIÊN THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM VÀ ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES
TT | Tổ chức, cá nhân khai thác | Loài động vật, thực vật khai thác | Mẫu vật khai thác | Địa điểm khai thác (chi tiết đến lô, khoảnh) | Ghi chú | ||||
Tên | Địa chỉ | Tên phổ thông | Tên khoa học | Loại mẫu vật KT | Số lượng | ĐV tính | |||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
NGƯỜI LẬP | THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ |
Mẫu số 19
BÁO CÁO KIỂM TRA
(Dành cho Cơ sở có hoạt động nghiên cứu trồng thực vật)
Tên cơ sở:…………………………………………………………………………………………………….
Tỉnh: ……………………………………………… Ngày kiểm tra:……………………………………
Ngày kiểm tra lần trước:……………………
Kiểm tra lần trước | Kiểm tra lần này | Chênh lệch | |
Số lượng cây non | —————— | —————— | —————— |
Số lượng cây trưởng thành | —————— | —————— | —————— |
Số lượng cây đã chuyển giao | —————— | —————— | —————— |
Nhận xét
…………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………..
Kết quả kiểm tra Đạt yêu cầu □ Không đạt yêu cầu □
…………………. Tên cán bộ kiểm tra | …………………. Chữ ký |
Mẫu số 20
BÁO CÁO KIỂM TRA
(Dành cho Cơ sở có hoạt động nghiên cứu nuôi sinh trưởng động vật)
Tên cơ sở:…………………………………………………………………………………………………….
Tỉnh ………………….………………….………………….Ngày kiểm tra:………………………….
Ngày kiểm tra lần trước ………………………
Kiểm tra lần trước | Kiểm tra lần này | Chênh lệch | |
Số lượng trứng | —————— | —————— | —————— |
Số lượng con non | —————— | —————— | —————— |
Số lượng con một tuổi | —————— | —————— | —————— |
Số lượng đàn nuôi lớn | —————— | —————— | —————— |
Số lượng cá thể đã chuyển giao | —————— | —————— | —————— |
Số lượng cá thể mới | —————— | —————— | —————— |
Nhận xét
…………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………..
Kết quả kiểm tra Đạt yêu cầu □ Không đạt yêu cầu □
…………….. Tên cán bộ kiểm tra | …………….. Chữ ký |
Ghi chú: Dành cho Cơ quan cấp mã số
Chú ý: Sau mỗi lần kiểm tra, công chức kiểm tra phải gạch chéo và ký tên vào báo cáo này
Mẫu số 21
BÁO CÁO KIỂM TRA
(Dành cho Cơ sở có hoạt động nghiên cứu nuôi sinh sản loài động vật đẻ trứng)
Tên cơ sở:…………………………………………………………………………………………………….
Tỉnh ………………………………. Ngày kiểm tra………………………………………………………
Ngày kiểm tra lần trước ……………………..
Kiểm tra lần trước | Kiểm tra lần này | Chênh lệch | |
Số lượng con đực sinh sản | —————— | —————— | —————— |
Số lượng con cái sinh sản | —————— | —————— | —————— |
Số lượng đàn giống hậu bị | —————— | —————— | —————— |
Số lượng trứng | —————— | —————— | —————— |
Số lượng con non | —————— | —————— | —————— |
Số lượng con một tuổi | —————— | —————— | —————— |
Số lượng đàn nuôi lớn | —————— | —————— | —————— |
Số lượng cá thể đã chuyển giao | —————— | —————— | —————— |
Số lượng cá thể mới | —————— | —————— | —————— |
Nhận xét
…………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………..
Kết quả kiểm tra Đạt yêu cầu □ Không đạt yêu cầu □
………………. Tên cán bộ kiểm tra | …………………. Chữ ký |
Ghi chú: Dành cho Cơ quan cấp mã số
Chú ý: Sau mỗi lần kiểm tra, công chức kiểm tra phải gạch chéo và ký tên vào báo cáo này
Mẫu số 22
BÁO CÁO KIỂM TRA
(Dành cho Cơ sở có hoạt động nghiên cứu nuôi sinh sản loài đẻ con)
Tên cơ sở:…………………………………………………………………………………………………….
Tỉnh ……………………………………………… Ngày kiểm tra……………………………………..
Ngày kiểm tra lần trước ……………….
Kiểm tra lần trước | Kiểm tra lần này | Chênh lệch | |
Số lượng con đực sinh sản | —————— | —————— | —————— |
Số lượng con cái sinh sản | —————— | —————— | —————— |
Số lượng đàn giống hậu bị | —————— | —————— | —————— |
Số lượng con non | —————— | —————— | —————— |
Số lượng con một tuổi | —————— | —————— | —————— |
Số lượng đàn nuôi lớn | —————— | —————— | —————— |
Số lượng cá thể đã chuyển giao | —————— | —————— | —————— |
Số lượng cá thể mới | —————— | —————— | —————— |
Nhận xét
…………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………..
Kết quả kiểm tra Đạt yêu cầu □ Không đạt yêu cầu □
……………….. Chữ ký Tên cán bộ kiểm tra | …………………….. Chữ ký Tên chủ cơ sở |
Ghi chú: Dành cho Cơ quan cấp mã số
Chú ý: Sau mỗi lần kiểm tra, công chức kiểm tra phải gạch chéo và ký tên vào báo cáo này.
Thông tư 75/2022/TT-BTC
BỘ TÀI CHÍNH ——- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— [...]
Nghị định 01/2016/NĐ-CP Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
CHÍNH PHỦ Số: 01/2016/NĐ-CP CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hà Nội, ngày 5 tháng [...]
- Thông tư 103/2014/TT-BTC thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài
- Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT Quy định về quản lý chất thải y tế
- Quyết định 1330/QĐ-BKHĐT năm 2022 công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thành lập và sắp xếp lại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư