Các trường hợp hộ kinh doanh bị chấm dứt kinh doanh dịch vụ kế toán
Các trường hợp nào thì hộ kinh doanh bị chấm dứt kinh doanh dịch vụ kế toán theo quy định hiện hành? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua viết dưới đây.
Thế nào là kinh doanh dịch vụ kế toán?
Theo khoản 13 Điều 3 Luật Kế toán 2015, kinh doanh dịch vụ kế toán là việc cung cấp dịch vụ làm kế toán, làm kế toán trưởng, lập báo cáo tài chính, tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán theo quy định Luật Kế toán 2015 cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán của hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh được phép kinh doanh dịch vụ kế toán khi đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Kế toán 2015, cụ thể như sau:
- Có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
- Cá nhân, đại diện nhóm cá nhân thành lập hộ kinh doanh phải là kế toán viên hành nghề.
Lưu ý: Hộ kinh doanh dịch vụ kế toán không cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. (Khoản 2 Điều 65 Luật Kế toán 2015)
Các trường hợp HKD bị chấm dứt kinh doanh dịch vụ kế toán
Cụ thể tại khoản 5 Điều 69 Luật Kế toán 2015, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán phải chấm dứt việc kinh doanh dịch vụ kế toán khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Không kinh doanh dịch vụ kế toán trong 12 tháng liên tục;
(2) Không khắc phục được các sai phạm hoặc vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 69 Luật Kế toán 2015 trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bị đình chỉ;
(3) Tự chấm dứt kinh doanh dịch vụ kế toán;
(4) Làm sai lệch hoặc thông đồng, móc nối để làm sai lệch tài liệu kế toán, báo cáo tài chính và cung cấp thông tin, số liệu báo cáo sai sự thật;
(5) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
(6) Tất cả kế toán viên hành nghề trong cùng hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
Ai được quyền thành lập hộ kinh doanh?
Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh, trừ các trường hợp sau đây:
Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Lưu ý:
- Cá nhân, thành viên hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
- Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
(Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kế toán
Theo Điều 13 Luật Kế toán 2015, cá nhân, tổ chức b nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây trong hoạt động kế toán:
Giả mạo, khai man hoặc thỏa thuận, ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa chứng từ kế toán hoặc tài liệu kế toán khác.
Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật.
Để ngoài sổ kế toán tài sản, nợ phải trả của đơn vị kế toán hoặc có liên quan đến đơn vị kế toán.
Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước khi kết thúc thời hạn lưu trữ quy định tại Điều 41 Luật Kế toán 2015.
Ban hành, công bố chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán không đúng thẩm quyền.
Mua chuộc, đe dọa, trù dập, ép buộc người làm kế toán thực hiện công việc kế toán không đúng với quy định Luật Kế toán 2015.
Người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ, trừ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu.
Bố trí hoặc thuê người làm kế toán, người làm kế toán trưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 51 và Điều 54 Luật Kế toán 2015.
Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ kế toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán dưới mọi hình thức.
Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán.
Kinh doanh dịch vụ kế toán khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hành nghề dịch vụ kế toán khi không bảo đảm điều kiện quy định Luật Kế toán 2015.
Sử dụng cụm từ “dịch vụ kế toán” trong tên gọi của doanh nghiệp nếu đã quá 06 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà vẫn không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc doanh nghiệp đã chấm dứt kinh doanh dịch vụ kế toán.
Thuê cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị mình.
Kế toán viên hành nghề và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thông đồng, móc nối với khách hàng để cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật.
Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kế toán.
>>Xem thêm: Hộ kinh doanh vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế thì áp dụng mức phạt của cá nhân hay tổ chức?
Trên đây là bài viết về: Các trường hợp hộ kinh doanh bị chấm dứt kinh doanh dịch vụ kế toán. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Tài sản khi doanh nghiệp phá sản được xử lý như thế nào?
Thanh lý tài sản được thực hiện sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản. Theo Luật phá sản 2014, thủ tục [...]
Đối tượng không được thành lập doanh nghiệp Luật Doanh nghiệp 2020
Mới đây, Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp 2020. Vậy theo luật mới đối tượng không được thành lập doanh nghiệp gồm [...]