Ký nhiều HĐLĐ: Đóng thuế TNCN, BHXH như thế nào?
Trong trường hợp NLĐ ký nhiều HĐLĐ với nhiều doanh nghiệp khác nhau thì theo quy định của pháp luật phải đóng thuế TNCN, BHXH như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
NLĐ có được ký nhiều HĐLĐ với nhiều doanh nghiệp không?
Tại Bộ luật lao động 2019 thì HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là HĐLĐ.
NLĐ có thể giao kết nhiều HĐLĐ với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
NLĐ đồng thời giao kết nhiều HĐLĐ với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
HĐLĐ phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
HĐLĐ không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
HĐLĐ xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
NLĐ ký nhiều HĐLĐ đóng thuế TNCN như thế nào?
Tại Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì doanh nghiệp chi trả thu nhập là tiền lương, tiền công cho NLĐ phải thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của NLĐ trước khi trả thu nhập theo quy định như sau:
Đối với cá nhân cư trú ký HĐLĐ từ ba (03) tháng trở lên thì doanh nghiệp thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi.
Đối với cá nhân cư trú ký HĐLĐ từ ba (03) tháng trở lên nhưng nghỉ làm trước khi kết thúc HĐLĐ thì doanh nghiệp vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.
Đối với cá nhân là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì doanh nghiệp căn cứ vào thời gian làm việc tại Việt Nam của người nộp thuế ghi trên Hợp đồng hoặc văn bản cử sang làm việc tại Việt Nam để tạm khấu trừ thuế theo Biểu lũy tiến từng phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam từ 183 ngày trong năm tính thuế) hoặc theo Biểu thuế toàn phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế).
Doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý Quỹ hưu trí tự nguyện có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân đối với tiền tích lũy mua bảo hiểm không bắt buộc, tiền tích lũy đóng quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 6, Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
Số thuế phải khấu trừ đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú được xác định theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC; của cá nhân không cư trú được xác định theo Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
Trường hợp NLĐ ký HĐLĐ dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì doanh nghiệp phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho NLĐ.
Như vậy, trường hợp NLĐ ký HĐLĐ với nhiều doanh nghiệp khác nhau thì sẽ bị khấu trừ thuế TNCN tương ứng với tiền lương, tiền công của từng HĐLĐ đã giao kết, cụ thể như sau:
(1) Đối với các HĐLĐ có thời hạn từ 3 tháng trở lên: Khấu trừ thuế TNCN theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.
(2) Đối với các HĐLĐ có thời hạn từ dưới 3 tháng: Khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập nếu có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên.
Đến ký quyết toán thuế TNCN, NLĐ trong trường hợp này có trách nhiệm thực hiện quyết toán thuế TNCN theo quy định.
NLĐ ký nhiều HĐLĐ đóng BHXH như thế nào?
Tại Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì NLĐ làm việc theo HĐLĐ:
- Hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
- Nếu không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
- Nếu giao kết HĐLĐ với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo mức nêu trên đối với HĐLĐ giao kết đầu tiên.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì trường hợp NLĐ ký nhiều HĐLĐ với nhiều doanh nghiệp khác nhau thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo mức nêu trên đối với HĐLĐ giao kết đầu tiên.
>>Xem thêm: Muốn nghỉ việc phải báo trước bao nhiêu ngày?
Trên đây là bài viết về: Ký nhiều HĐLĐ: Đóng thuế TNCN, BHXH như thế nào?. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Các trường hợp đình công bất hợp pháp
Đình công là quyền của người lao động (NLĐ) nhưng quyền đó không phải được thực hiện một cách tự do, không có giới [...]
Có được đóng bảo hiểm xã hội khi tham gia nghĩa vụ quân sự?
Những nội dung bạn đọc cần biết về đóng bảo hiểm xã hội đối với thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự theo quân sự [...]