Quy định giải quyết khiếu nại về lý lịch tư pháp
Khi nào sẽ giải quyết khiếu nại về lý lịch tư pháp? Thời hiệu khiếu nại về lý lịch tư pháp là bao lâu? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Lý lịch tư pháp là gì?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp 2009, lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Khi nào giải quyết khiếu nại về lý lịch tư pháp?
Cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp có quyền khiếu nại trong các trường hợp sau đây:
(i) Có căn cứ cho rằng việc từ chối cấp Phiếu lý lịch tư pháp là trái pháp luật hoặc việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp quá thời hạn quy định xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
(ii) Có căn cứ cho rằng Phiếu lý lịch tư pháp được cấp có nội dung không chính xác, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
(Khoản 1 Điều 52 Luật Lý lịch tư pháp 2009)
Thời hiệu khiếu nại về lý lịch tư pháp
Tại Khoản 2 Điều 52 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định về thời hiệu khiếu nại về lý lịch tư pháp như sau:
Thời hiệu khiếu nại lần đầu đối với hành vi quy định tại mục 2 này là 45 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo việc từ chối hoặc kể từ ngày hết thời hạn giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp hoặc kể từ ngày nhận được Phiếu lý lịch tư pháp; trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hiệu khiếu nại là 60 ngày.
Thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền.
Quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lý lịch tư pháp
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lý lịch tư pháp được quy định như sau:
♣ Giám đốc Sở Tư pháp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với hành vi của mình quy định tại mục 2.Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
♣ Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với hành vi của mình quy định tại mục 2.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
♣ Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp không giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
♣ Thời hạn giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia là 15 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Thời hạn giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp là 30 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.
(Điều 53 Luật Lý lịch tư pháp 2009)
Các hành vi bị cấm theo Luật Lý lịch tư pháp 2009
Theo Điều 8 Luật Lý lịch tư pháp 2009, cá nhân, tổ chức bị cấm thực hiện các hành vi sau đây:
- Khai thác, sử dụng trái phép, làm sai lệch, hủy hoại dữ liệu lý lịch tư pháp.
- Cung cấp thông tin lý lịch tư pháp sai sự thật.
- Giả mạo giấy tờ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Tẩy xoá, sửa chữa, giả mạo Phiếu lý lịch tư pháp.
- Cấp Phiếu lý lịch tư pháp có nội dung sai sự thật, trái thẩm quyền, không đúng đối tượng.
- Sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp của người khác trái pháp luật, xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân.
>>Xem thêm: Thời hạn của di chúc
Trên đây là bài viết về: Quy định giải quyết khiếu nại về lý lịch tư pháp. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Căn cứ xác định người có quốc tịch Việt Nam theo quy định hiện nay
Người có quốc tịch Việt Nam được quy định ra sao? Căn cứ xác định người có quốc tịch Việt Nam theo quy định hiện [...]
Quyền tiếp cận thông tin của công dân Việt Nam hiện nay
Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, [...]