Bị tạm đình chỉ công việc có phải đóng BHXH, BHYT?
Người lao động bị tạm đình chỉ công việc có phải đóng BHXH, BHYT? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Người lao động bị tạm đình chỉ công việc có phải đóng BHXH, BHYT?
Theo khoản 7 Điều 42 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 có quy định như sau:
Người lao động mà bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì người lao động và đơn vị được tạm dừng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn phải đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật.
Sau thời gian tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác nếu được cơ quan có thẩm quyền xác định bị oan, sai, không vi phạm pháp luật thì thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trên tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc và truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh, không tính lãi đối với số tiền truy đóng;
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động là có tội thì không thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN và không phải truy đóng BHYT cho thời gian bị tạm giam.
Như vậy, trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn phải đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật.
Người lao động có được tạm ứng tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc không?
Tại Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về tạm đình chỉ công việc như sau:
♣ Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh.
Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.
♣ Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.
♣ Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.
♣ Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
Như vậy, theo quy định nêu trên, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Nếu có quyết định xử lý kỷ luật lao động, thì người lao động không phải trả lại số tiền lương tạm ứng.
Nếu người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
Mức xử phạt vi phạm liên quan đến tạm đình chỉ công việc người lao động
Các mức xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tạm đình chỉ công việc người lao động được quy định tại khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:
♣ Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
♣ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
Tạm đình chỉ công việc quá thời hạn theo quy định của pháp luật;
Trước khi đình chỉ công việc của người lao động, người sử dụng lao động không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc làm thành viên.
♣ Biện pháp khắc phục: Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương những ngày tạm đình chỉ công việc đối với người lao động.
Lưu ý: Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
>>Xem thêm: Có 2 HĐLĐ trở lên thì khấu trừ thuế TNCN như thế nào?
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Trường hợp người lao động nước ngoài không phải xin giấy phép lao động
Khi các doanh nghiệp tuyển dụng người lao động nước ngoài, xin cấp giấy phép lao động là điều đầu tiên doanh nghiệp [...]
Thế nào là khám chữa bệnh đúng tuyến theo quy định?
Những nội dung bạn đọc cần biết về các trường hợp, mức hưởng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh đúng tuyến theo [...]