Khi nào áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt?
Khi nào áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo Bộ luật Tố tụng hình sự? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Khi nào áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt?
Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:
- Ghi âm, ghi hình bí mật;
- Nghe điện thoại bí mật;
- Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể áp dụng trong các trường hợp sau đây:
- Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền;
- Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
(Điều 223 và Điều 224 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
Hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt gồm:
- Văn bản đề nghị xét phê chuẩn nêu rõ lý do, căn cứ áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các thông tin, tài liệu cần thiết thu thập khi áp dụng biện pháp này;
- Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt của Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;
“Điều 225. Thẩm quyền, trách nhiệm quyết định và thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
…
2. Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt ghi rõ thông tin cần thiết về đối tượng bị áp dụng, tên biện pháp được áp dụng, thời hạn, địa điểm áp dụng, cơ quan tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.”
- Các tài liệu khác là căn cứ để Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên đề nghị xét phê chuẩn.
(Khoản 3 Điều 25 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP)
Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo Bộ luật Tố tụng hình sự
Cụ thể, thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn.
Trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Nếu xét thấy cần gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn xem xét, quyết định việc gia hạn.
(Điều 226 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
Các trường hợp hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải kịp thời hủy bỏ quyết định đó khi thuộc một trong các trường hợp:
- Có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền;
- Có vi phạm trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt;
- Không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
(Điều 228 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
Ai có thẩm quyền hủy bỏ, kết thúc việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt?
Theo đó, khi xét thấy không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Trong trường hợp có căn cứ để hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 228 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn ra quyết định hủy bỏ quyết định đó và gửi cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định hủy bỏ để chuyển ngay quyết định đó đến cơ quan tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt để kết thúc ngay việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
(Điều 27 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP)
>>Xem thêm: Xác định người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng trong vụ án dân sự
Trên đây là nội dung bài viết của chúng tôi. Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.
Nhà đầu tư nước ngoài có được mua cổ phần của tổ chức tín dụng?
Nhà đầu tư nước ngoài có được mua cổ phần của tổ chức tín dụng cổ phần và phải tuân thủ các quy định của pháp [...]
Thủ tục cấp giấy phép hoạt động xếp hạng tín nhiệm
Giấy phép hoạt động xếp hạng tín nhiệm (tên đầy đủ là Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng [...]