Sử dụng đèn pha (đèn chiếu xa) gây tai nạn bị xử lý như thế nào
Sử dụng đèn pha giúp người điều khiển phương tiện dễ dàng quan sát trong điều kiện thiếu ánh sáng, tuy nhiên điều này lại gây cản trở cho người đi ngược chiều và có thể dẫn đến tai nạn không mong muốn.
Quy định của pháp luật về việc sử dụng đèn chiếu xa
Loại xe nào cần trang bị đèn chiếu xa
Căn cứ quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 53, Khoản 2 Điều 53 Luật giao thông đường bộ năm 2018, xe cơ giới tham gia giao thông phải có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu.
Trường hợp nào không được sử dụng đèn chiếu xa
Căn cứ quy định tại Khoản 12 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2018, các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này.
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 17 Luật giao thông đường bộ năm 2018, xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.
Xử phạt vi phạm trong trường hợp sử dụng đèn pha sai quy định
Đối với xe ô tô và xe tương tự xe ô tô
Căn cứ quy định tại các điểm b, g Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều thì bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện)
Căn cứ quy định tại các điểm m, n Khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng
Căn cứ quy định tại các điểm d, e Khoản 3 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Xử phạt vi phạm trong trường hợp gây tai nạn do bật đèn pha sai quy định
Đối với ô tô và xe tương tự xe ô tô
Ngoài số tiền phạt trên, căn cứ khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nếu gây tai nạn giao thông thì người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện)
Ngoài số tiền phạt trên, căn cứ Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nếu gây tai nạn giao thông thì người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng
Ngoài số tiền phạt trên, căn cứ Khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nếu gây tai nạn giao thông thì người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng.
Ngoài ra tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà người điều khiển xe cơ giới còn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2017 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với mức phạt tù lên đến 15 năm.
Như vậy, các bác tài khi tham gia giao thông cần hết sức lưu ý về việc sử dụng đèn chiếu xa tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc. Hãy liên hệ LawKey để được tư vấn miễn phí nhé.
>>Xem thêm: https://lawkey.vn/lai-xe-gay-tai-nan-giao-thong-roi-bo-tron-bi-xu-phat-the-nao/
Một số quy định về chuyển nhượng dự án đầu tư theo pháp luật mới nhất
Pháp luật Việt Nam cho phép chuyển nhượng các dự án đầu tư nếu đáp ứng điều kiện của pháp luật. Dưới đây là một [...]
Chế độ bảo hiểm có bị ảnh hưởng không khi người lao động tự ý bỏ việc?
Việc tham gia bảo hiểm xã hội đem lại nhiều chế độ cho người lao động. Các chế độ này luôn được đảm bảo thực [...]