Hộ kinh doanh được sử dụng con dấu
HỘ KINH DOANH ĐƯỢC SỬ DỤNG CON DẤU
Hộ kinh doanh là thương nhân chiếm tỷ lệ lớn trong các chủ thể kinh doanh, sản xuất của nền kinh tế. Tuy nhiên hộ kinh doanh có được quyền tự thiết kế và sử dụng con dấu trong các giao dịch của mình như doanh nghiệp hay không. Đây là vấn đề còn có nhiều tranh luận.
1. Khái quát về Hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh là loại hình được ghi nhận tại nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Theo quy định tại Nghị định, đặc điểm của hộ kinh doanh như sau:
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương”.
Cá nhân thành lập và tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
Hộ kinh doanh, người thành lập hộ kinh doanh tự kê khai hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh.
Căn cứ vào các đặc điểm được nêu tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân do không đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể: tài sản của hộ kinh doanh không tách bạch với tài sản của cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình; Cơ cấu tổ chức đơn giản, không có Điều lệ như theo quy định tại Điều 83 Bộ luật dân sự 2015;
2. Bàn về quyền sử dụng con dấu của hộ kinh doanh
2.1. Quy định trước đây
Trước đây, Nghị định 58/2001/NĐ-CP quy định “Con dấu được sử dụng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, hội quần chúng, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (dưới đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức) và một số chức danh nhà nước. Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước. Con dấu được quản lý theo quy định của Nghị định này”. Dấu tiêu đề, dấu ngày tháng, dấu tiếp nhận công văn, dấu chữ ký, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 58/2001/NĐ – CP.
Nghị định 58/2001/NĐ – CP cũng quy định: Bộ Công an thống nhất quy định các mẫu dấu, việc làm biểu tượng hoặc chữ nước ngoài trong hình dấu, việc làm và sử dụng con dấu thứ hai; đăng ký lưu chiểu và cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu quản lý hoạt động làm con dấu; kiểm tra việc quản lý, sử dụng con dấu theo quy định của Nghị định này. Do đó, con dấu của các đối tượng sử dụng được Bộ công an quy định cụ thể về hình thức và nội dung con dấu tại Thông tư 08/2003/TT-BCA.
Trong Nghị định 58/2001/NĐ – CP và Thông tư 08/2003/TT-BCA đều quy định đóng các đối tượng được sử dụng con dấu. Trong các đối tượng này không có Hộ kinh doanh. Thực tế, dù có quy định trên, nhiều hộ kinh doanh vẫn khắc vật (thường theo dạng vuông) với thông tin về hộ kinh doanh gọi đó là “Con dấu” và sử dụng như con dấu của Hộ kinh doanh. Việc gọi tên và sử dụng như vậy là trái quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu 2001. Nghị định 58/2001/NĐ – CP và Thông tư 08/2003/TT-BCA không cấm nên Hộ kinh doanh được phép thiết kế và sử dụng các vật có chứa thông về hộ kinh doanh đóng trên các giấy tờ nhưng đó không phải là con dấu. Hình ảnh chứa thông tin về Hộ kinh doanh đóng trên giấy tờ giao dịch hay các tài liệu của Hộ kinh doanh cần được hiểu như là logo, nhãn hiệu của Hộ kinh doanh.
2.2. Quy định hiện tại
Hiện nay, Nghị định 58/2001/NĐ – CP đã được thay thế bằng Nghị định 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu.
Theo Phạm vi điều chỉnh được quy định tại Điều 1 Nghị định 99/2016/NĐ-CP, Nghị định này quy định về quản lý và sử dụng con dấu của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan thuộc hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tôn giáo, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, tổ chức khác được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) và chức danh nhà nước. Nghị định không điều chỉnh đối với việc quản lý và sử dụng con dấu của doanh nghiệp; dấu tiêu đề; dấu ngày, tháng, năm; dấu tiếp nhận công văn; dấu chữ ký.
Từ quy định trên có thể thấy: Nghị định 99/2016/NĐ-CP không còn giới hạn và đóng khung các đối tượng được phép sử dụng con dấu như trước đây mà chỉ quy định về quản lý và sử dụng con dấu của các các đối tượng cụ thể. Nghị định 99/2016/NĐ-CP cũng không cấm các đối tượng ngoài phạm vi điều chỉnh của Nghị định thiết kế và sử dụng con dấu cho mình.
Do đó, các cá nhân, tổ chức không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 99/2016/NĐ-CP đều có quyền thiết kế và sử dụng con dấu theo nguyên tắc Hiến định tại Điều 33. “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”; Nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự tại Điều 3 BLDS 2015: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”; “Quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm” của thương nhân quy định tại Điều 6 Luật thương mại 2005.
Như vậy có thể kết luận: Hộ kinh doanh cũng có thể tự thiết kế, đặt in và sử dụng con dấu cho mình với điều kiện: đảm bảo con dấu được thiết kế và sử dụng không vi phạm quy định về con dấu, sử dụng con dấu của các đối tượng được quy định và điều chỉnh tại Nghị định 99/2016/NĐ-CP; Không được gây nhầm lẫn hoặc trùng với con dấu của các doanh nghiệp đã đăng ký và đăng tải trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia; Không vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ.
Trên đây là nội dung quan điểm về sử dụng con dấu của hộ kinh doanh LawKey gửi đến bạn đọc.
Ngân hàng hợp tác xã là gì?
Ngân hàng hợp tác xã là gì? Quy định của pháp luật về ngân hàng hợp tác xã? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới [...]
Quy định về cấp mã số doanh nghiệp
QUY ĐỊNH VỀ CẤP MÃ SỐ DOANH NGHIỆP TỰ ĐỘNG Mã số doanh nghiệp là dãy số được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về [...]