Người đủ 16 tuổi được điều khiển loại xe nào?
Người đủ 16 tuổi được điều khiển loại xe nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Người đủ 16 tuổi được điều khiển loại xe nào?
Theo điểm a khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3.
Tại điểm g khoản 1 Điều 34 và điểm a khoản 1 Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ năm 2025) quy định người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy.
Xe gắn máy là xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50 km/h; nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không lớn hơn 50 cm3; nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất của động cơ không lớn hơn 04 kW; xe gắn máy không bao gồm xe đạp máy.
Như vậy, hiện hành người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3. Đến năm 2025, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh không lớn hơn 50 cm3.
Mức phạt người đủ 16 tuổi điều khiển loại xe sai quy định
Cụ thể tại khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới như sau:
“Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
…
4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;…”
Như vậy, người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên sẽ phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Quy định về độ tuổi của người lái xe từ năm 2025
Theo Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (hay còn gọi là người lái xe) như sau:
♣ Độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;
- Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;
- Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE;
- Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE;
- Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE;
- Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
♣ Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.
♣ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định độ tuổi của người lái xe trong lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
>>Xem thêm: Bị tạm giữ bằng lái xe thì có được tham gia giao thông nữa không?
Trên đây là bài viết của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Tạm ngừng, ngừng hoạt động của dự án đầu tư
Tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư là vấn đề được các nhà đầu tư hết sức quan tâm. Tạm ngừng hoạt động dự [...]
Nghĩa vụ phát sinh từ căn cứ nào?
Theo quy định của pháp luật thì có thể hiểu nghĩa vụ là gì? Nghĩa vụ phát sinh từ căn cứ nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu [...]