Phân biệt Công ty hợp danh và Công ty TNHH hai thành viên
PHÂN BIỆT CÔNG TY HỢP DANH VÀ CÔNG TY TNHH HAI THÀNH VIÊN TRỞ LÊN
Công ty hợp danh là doanh nghiệp, phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50; Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp hoặc phạm vi số vốn cam kết góp trong thời hạn góp vốn.
Công ty TNHH hai thành viên trở lên và Công ty hợp danh có những đặc điểm chung sau:
– Thành viên công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ thành viên hợp danh của công ty hợp danh còn phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty;
– Công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Về cơ cấu tổ chức đều gồm có: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc .
Để phân biệt rõ 2 loại hình doanh nghiệp này, chúng ta cần chú ý các đặc điểm nổi bật của từng loại hình như sau:
1. Loại thành viên công ty
– Công ty hợp danh: Có hai loại thành viên: thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn có thể là cá nhân hoặc tổ chức chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Số lượng thành viên của Công ty Họp danh không bị hạn chế ngoài quy định luôn phải đáp ứng có từ 02 thành viên hợp danh trở lên.
– Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Không phân biệt thành các loại thành viên khác nhau. Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp hoặc số vốn cam kết góp trong thời hạn góp vốn.
2. Hạn chế quyền góp vốn của thành viên hoặc là thành viên của doanh nghiệp, tổ chức khác
– Công ty hợp danh: Thành viên hợp danh không được làm chủ Công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
Thành viên hợp danh không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
– Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Không hạn chế quyền góp vốn hoặc quyền là thành viên của doanh nghiệp khác.
3. Quyền nhân danh công ty tiến hành hoạt động kinh doanh của thành viên
– Công ty hợp danh: Thành viên hợp danh có quyền Nhân danh công ty tiến hành hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; đàm phán và ký kết hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao ước với những điều kiện mà thành viên hợp danh đó cho là có lợi nhất cho công ty; Sử dụng con dấu, tài sản của công ty để hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty.
– Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Thành viên công ty không đương nhiên có quyền nhân danh công ty để tiến hành các hoạt động kinh doanh, ký kết hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao ước….. như thành viên Hợp danh. Thành viên công ty chỉ có quyền khi giữ các chức vụ nhất định và được Điều lệ quy định có một hoặc một số thẩm quyền nêu trên hoặc được cơ quan/người có thẩm quyền của công ty ủy quyền/phân công thực hiện.
4. Quyền chuyển dịch vốn góp và tư cách thành viên công ty
– Công ty hợp danh: Pháp luật không có hạn chế quyền chuyển dịch phần vốn góp của thành viên góp vốn cũng như hạn chế tư cách thành viên của bên nhận chuyển dịch vốn góp. Thành viên góp vốn được tự do chuyển nhượng, định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách để thừa kế, tặng cho, thế chấp, cầm cố và các hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Đối với thành viên hợp danh: pháp luật quy định rất hạn chế quyền chuyển dịch phần vốn góp của loại thành viên này. Thành viên chỉ được chuyển dịch phần vốn góp của mình khi có sự chấp thuận của hội đồng thành viên trong các trường hợp sau đây:
+ Chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác.
+ Để lại di sản cho người thừa kế thì Người thừa kế của thành viên có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận.
– Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Thành viên công ty được quyền chuyển dịch vốn góp và tư cách thành viên trong nhiều trường hợp hơn so với thành viên Hợp danh nhưng lại hạn chế hơn thành viên góp vốn của công ty hợp danh. Cụ thể:
Thành viên công ty được quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình khi bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết của Hội đồng thành viên về một số vấn đề cụ thể được quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật doanh nghiệp.
Thành viên công ty có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác. Thành viên chuyển nhượng vốn góp không cần có sự đồng ý của hội đồng thành viên như thành viên hợp danh công ty hợp danh. Thành viên công ty chỉ phải tuân thủ quy định Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện trước khi chào bán cho người khác.
Người thừa kế của thành viên hoặc người quản lý di tài sản trong trường hợp thành viên mất tích đương nhiên là thành viên công ty.
Thành viên có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác. Trường hợp người được tặng cho là vợ, chồng, cha, mẹ, con, người có quan hệ họ hàng đến hàng thừa kế thứ ba thì đương nhiên là thành viên của công ty; trường hợp khác phải được Hội đồng thành viên chấp thuận.
Thành viên công ty được quyền sử dụng phần vốn góp để trả nợ.
5. Quyền phát hành chứng khoán của doanh nghiệp
– Công ty hợp danh: Luật doanh nghiệp 2014 quy định Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
– Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Khoản 3 Điều 47 Luật doanh nghiệp 2014 chỉ quy định công ty TNHH hai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phần. Theo Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Công ty TNHH hai thành viên trở lên được phát hành trái phiếu không chuyển đổi là trái phiếu có bảo đảm hoặc trái phiếu không có bảo đảm.
6. Cơ cấu tổ chức, quản lý
Cơ cấu tổ chức của Công ty hợp danh và Công ty TNHH hai thành viên trở lên đều gồm: Hội đồng thành viên,Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Tuy nhiên, đối với loại hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Điều 55 Luật doanh nghiệp 2014 quy địnhCông ty có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. Còn đối với công ty hợp danh luật doanh nghiệp không yêu cầu phải có cơ cấu này
Trên đây là nội dung phân tích sự khác nhau giữa Công ty hợp danh và Công ty TNHH hai thành viên trở lên LawKey gửi đến bạn đọc.
Doanh nghiệp Bộ quốc phòng là gì? Những quy định pháp luật liên quan
Ngoài những loại hình doanh nghiệp tư nhân hay thường được nói tới, còn có doanh nghiệp Bộ quốc phòng. Vậy doanh nghiệp [...]
Thủ tục đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh công ty TNHH 1TV
Thủ tục đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh công ty TNHH 1TV được thực hiện như thế nào? Những lưu ý khi thành lập [...]