Quy định về lao động là người khuyết tật
QUY ĐỊNH VỀ LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Để đảm bảo cho bản thân người khuyết tật được hòa mình với cuộc sống bình thường và giúp đỡ được gia đình cũng như phát huy được khả năng của bản thân, nhà nước ta không cấm trường hợp người lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, vì những người khuyết tật là nhóm người lao động đặc biệt nên pháp luật có những quy định cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi của họ.
1. Quyền được có việc làm việc của người lao động khuyết tật.
Quyền làm việc của lao động khuyết tật là tiền đề tạo ra cơ hội và động lực cho người khuyết tật tìm kiếm việc làm, có cơ hội khẳng định bản thân, tự lập trong cuộc sống, tạo ra thu nhập để không phải dựa dẫm vào gia đình, người thân.
Theo khoản 1 điều 176 Bộ luật lao động 2012, Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của lao động là người khuyết tật, có chính sách khuyến khích và ưu đãi người sử dụng lao động tạo việc làm và nhận lao động là người khuyết tật vào làm việc, theo quy định của Luật Người khuyết tật
2. Chính sách học nghề và việc làm cho người khuyết tật
Theo như tinh thần ở Luật Người khuyết tật năm 2010 và Nghị định số 28/2012/NĐ, Nhà nước đảm bảo, tạo điều kiện tối đa cho người khuyết tật được lựa chọn, tư vấn và học nghề, làm việc theo khả năng, sức khỏe của mình; cơ sở dạy nghề, tổ chức dạy nghề phải đảm bảo điều kiện dạy nghề; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, không được từ chối tuyển dụng những người lao động khuyết tật có đủ tiêu chuẩn…
3. Cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh
Theo khoản 2 Điều 176 Bộ luật lao động 2012, Chính phủ quy định chính sách cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với người sử dụng lao động sử dụng lao động là người khuyết tật.
Đối với cơ sở dạy nghề, tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật có trách nhiệm bảo đảm điều kiện dạy nghề cho người khuyết tật. Nhà nước còn có những ưu đãi đối với doanh nghiệp, tổ chức trong một số trường hợp như: cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật thì được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật ngoài ra được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh.(theo điều 9 Nghị định 28/2012/NĐ-CP). Đây là những quy định ưu đãi góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiện mở rộng hoạt động sản xuất, cải thiện môi trường làm việc để người khuyết tật tiếp cận với công việc.
4. Quỹ việc làm cho người khuyết tật
Với mục đích giúp đỡ người khuyết tật học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người khuyết tật; hỗ trợ các doanh nghiệp khác thuộc mọi thành phần kinh tế nhân người khuyết tật vào học nghề và làm việc đạt tỷ lệ cao thì quy định về thành lập và sử dụng quỹ việc làm cho người khuyết tật là một vấn đề quan trọng và cần thiết. Điều 10 Luật Người khuyết tật 2010 quy định cụ thể về quỹ trợ giúp người khuyết tật:
– Quỹ trợ giúp người khuyết tật là quỹ xã hội từ thiện nhằm huy động nguồn lực trợ giúp người khuyết tật.
– Quỹ trợ giúp người khuyết tật được hình thành từ các nguồn sau đây:
+ Đóng góp tự nguyện, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
+ Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;
+ Các khoản thu hợp pháp khác.
– Quỹ trợ giúp người khuyết tật được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.”.
Theo đó, quỹ này là quỹ xã hội từ thiện nhằm huy động nguồn lực trợ giúp người khuyết tật, với nguồn thu: đóng góp tự nguyện, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; các khoản thu hợp pháp khác.
5. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
Nhằm đảm bảo phát huy được năng lực của người lao động đồng thời giảm thiểu việc phân biệt đối xử trong việc tuyển dụng của người sử dụng lao động, nhà nước không còn quy định cụ thể về thời gian làm việc cụ thể như trước mà chỉ quy định về vấn đề làm đêm và làm thêm giờ quy định tại khoản 1 điêu 178 Bộ luật Lao động 2012. Theo đó, các hành vi bị cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật là những hành vi: sử dụng lao động là người khuyết tật suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm…
6. An toàn lao động, vệ sinh lao động đối với người khuyết tật:
Theo khoản 1 điều 177 Bộ luật lao động 2012, người sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lao động là người khuyết tật và thường xuyên chăm sóc sức khoẻ của họ. Ngoài ra tại khoản 2 điều 178 Bộ luật lao động 2012 quy định về các hành vi bị cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật trong đó có: sử dụng lao động là người khuyết tật làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm về điều kiện lao động, vệ sinh lao động phù hợp với người khuyết tật và thường xuyên chăm sóc sức khỏe cho họ. Người sử dụng lao động không được vì lợi ích trước mắt của mình để thỏa thuận làm thêm giờ, làm việc ban đêm, hoặc trường hợp chủ sử dụng lao động lợi dụng người lao động khuyết tật vào làm những công việc nặng nhọc độc hại cho sức khỏe của họ.
Trên đây là nội dung quy định về lao động là người khuyết tật LawKey gửi đến bạn đọc.
Xử lý doanh nghiệp không lập sổ quản lý lao động như thế nào?
Đối với doanh nghiệp không lập sổ quản lý lao động sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu [...]
Thủ tục hỗ trợ tiền người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Dịch bệnh khiến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, sản xuất đình trệ, người lao động mất việc làm. Do vậy, Cơ quan [...]