Những điều doanh nghiệp cần biết khi sử dụng lao động nước ngoài
NHỮNG ĐIỀU DOANH NGHIỆP CẦN BIẾT KHI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI
Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là một cơ chế mở, tạo điều kiện cho lao động người nước ngoài sang Việt Nam tìm kiếm việc làm, thu nhập cũng như đáp ứng nhu cầu công việc mà nhà tuyển dụng ở các các doanh nghiệp đang cần. Những điều doanh nghiệp cần biết khi sử dụng lao động nước ngoài như sau:
1. Khi nào được tuyển dụng người nước ngoài làm việc ở Việt Nam?
Pháp luật Việt nam chỉ khuyến khích và mở cửa đối với các lao động nước ngoài có trình độ cao, đã được đào tạo. Người sử dụng lao động chỉ được tuyển dụng người lao động là người nước ngoài khi có ý kiến bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Cụ thể:
Theo Điều 170 Bộ luật lao động 2012, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu trong nước chỉ được tuyển lao động là công dân nước ngoài vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật khi lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu nước ngoài trước khi tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài vào làm việc trên lãnh thổ Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hướng dẫn điều 170 Bộ luật Lao động 2012, Điều 4 đến Điều 6 Nghị định 11/2016/NĐ-CP quy định như sau:
1.1. Đối với người sử dụng lao động nước ngoài không phải là nhà thầu
Người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc. Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì người sử dụng lao động không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận cho người sử dụng lao động về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc.
1.2. Đối với người sử dụng lao động nước ngoài là nhà thầu
Trước khi tuyển người lao động nước ngoài, nhà thầu có trách nhiệm kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động nước ngoài cần huy động để thực hiện gói thầu tại Việt Nam và đề nghị tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài (có kèm theo xác nhận của chủ đầu tư) với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà thầu thực hiện gói thầu.
Trường hợp nhà thầu có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung số lao động đã kê khai thì chủ đầu tư phải xác nhận phương án điều chỉnh, bổ sung nhu cầu lao động cần sử dụng của nhà thầu nước ngoài.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức của địa phương giới thiệu, cung ứng người lao động Việt Nam cho nhà thầu. Trong thời hạn tối đa 02 tháng, kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển từ 500 người lao động Việt Nam trở lên và 01 tháng kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển dưới 500 người lao động Việt Nam mà không giới thiệu hoặc cung ứng người lao động Việt Nam được cho nhà thầu thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam.
2. Điều kiện của lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Khi làm việc tại Việt Nam, theo quy định của Điều 169 Bộ Luật lao động 2012, lao động là công dân nước ngoài cần đáp ứng những điều kiện sau:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
b) Có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc.
c) Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài;
d) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp sau đây:
– Là thành viên góp vốn hoặc là chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn.
– Là thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần.
– Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.
– Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.
– Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.
– Là luật sư nước ngoài đã được cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật luật sư.
– Theo quy định của Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Là học sinh, sinh viên học tập tại Việt Nam làm việc tại Việt Nam nhưng người sử dụng lao động phải báo trước 07 ngày với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
– Các trường hợp người lao động nước ngoài khác không thuộc diện cấp giấy phép lao động do Chính phủ quy định tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP bao gồm:
+ Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải;
+ Vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài;
+ Được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;
+ Được cơ quan, tổ chức của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu tại trường quốc tế thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam hoặc được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận vào giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục, đào tạo tại Việt Nam;
+ Tình nguyện viên có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam;
+ Vào Việt Nam làm việc tại vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 01 năm;
+ Vào Việt Nam thực hiện thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cấp tỉnh ký kết theo quy định của pháp luật;
+ Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam;
+ Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam làm việc sau khi được Bộ Ngoại giao cấp phép, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác;
+ Có hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;
+ Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên đây, Lao động nước ngoài sẽ được xem xét cấp Giấy phép lao động với thời hạn tối đa của giấy phép là 02 năm.
Trên đây là nội dung Những điều doanh nghiệp cần biết khi sử dụng lao động nước ngoài LawKey gửi đến bạn đọc.
Những ưu đãi Lao động nữ mang thai được hưởng trong môi trường làm việc
Những ưu đãi Lao động nữ mang thai được hưởng trong môi trường làm việc Tóm tắt câu hỏi: Chào Luật sư, Tôi đang mang [...]
Quy định pháp luật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Những nội dung bạn đọc cần biết về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) là gì? Đối tượng áp dụng và mức [...]