Quy định về Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra
Luật quản lý ngoại thương năm 2017 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, có rất nhiều vấn đề quan trọng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu được đưa vào luật. Trong bài viết này Lawkey sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về những quy định về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra.
1. Các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là đối tượng phải kiểm tra
Theo khoản 1 Điều 65 Luật quản lý ngoại thương năm 2017, đã đưa ra các trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là đối tượng phải kiểm tra. Theo đó, hàng hóa là đối tượng phải kiểm tra bao gồm:
“- Hàng hóa phải áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch quy định tại các điều 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
– Hàng hóa có tiềm ẩn khả năng gây mất an toàn hoặc hàng hóa có khả năng gây mất an toàn theo thông tin cảnh báo từ các tổ chức quốc tế, khu vực, nước ngoài.
– Hàng hóa mà cơ quan có thẩm quyền phát hiện không phù hợp và phải tăng cường kiểm tra theo quy định của pháp luật.”
Khi hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc các trường hợp như đã nêu ở trên, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hàng hóa để bảo đảm chất lượng hàng hóa; bảo vệ an toàn sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành Danh mục hàng hóa là đối tượng phải kiểm tra cho các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật quản lý ngoại thương.
2. Nguyên tắc thực hiện kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
Để việc tiến hành kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đảm bảo được quyền và lợi ích của thương nhân, đảm bảo công khai minh bạch, tránh tình trạng làm chậm tiến độ xuất khẩu hàng hóa,…pháp luật đã đặt ra những nguyên tắc cho việc kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cụ thể có 03 nguyên tắc như sau:
Một là, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử và tránh tạo ra rào cản không cần thiết đối với hoạt động ngoại thương, nhất là đối với hàng hóa xuất khẩu.
Hai là, áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong điều kiện cho phép, bảo đảm yêu cầu quản lý và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Ba là, bảo đảm các nguyên tắc khác theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, đo lường, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y, phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu, cán bộ thực hiện việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu phải thực hiện theo những nguyên tắc trên.
Xem thêm: Mục tiêu, nguyên tắc áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch hàng hóa
3. Chủ thể có thẩm quyền tổ chức kiểm tra
Theo quy định của pháp luật, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc kiểm tra theo lĩnh vực, địa bàn được phân công, phân cấp theo quy định của pháp luật. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố công khai tên và địa chỉ cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý. Như vậy, tùy theo từng lĩnh vực, mặt hàng xuất khẩu nhập khẩu sẽ có các cơ quan tổ chức kiểm tra khác nhau thực hiện. Các cơ quan này phải được các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh giao chức năng tiến hành kiểm tra và công bố rõ tên, địa chỉ cơ quan cho các tổ chức cá nhân biết.
Trên đây là những quy định của pháp luật về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra. Lawkey gửi đến bạn đọc!
Vốn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Vốn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là cơ sở để tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân [...]
Có nên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hay không?
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì? Có nên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hay không? Những chế độ mà người tham [...]