Công văn 3016 về phụ cấp ca, phụ cấp chuyên cần và phụ cấp xa nhà
Công văn 3016 về phụ cấp ca, phụ cấp chuyên cần và phụ cấp xa nhà
Ngày 30 tháng 07 năm 2018, Bộ Lao động thương binh và xã hội đã ban hành công văn số 3016/LĐTBXH-BHXH về tiền lương đóng BHXH bắt buộc từ ngày 01/01/2018. Theo đó, phụ cấp ca và phụ cấp chuyên cần không xác định được trước nên không phải là khoản bổ sung khác phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Riêng trợ cấp xa nhà sẽ được chi trả hằng tháng và xác định trước cho nhân viên luân chuyển, do đó, để xác định xem khoản trợ cấp này có phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không thì phải xác định rõ nguồn tiền chi trả cho khoản phúc lợi này.
Toàn văn Công văn 3016 về phụ cấp ca, phụ cấp chuyên cần và phụ cấp xa nhà như sau:
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3016/LĐTBXH-BHXH V/v tiền lương đóng BHXH bắt buộc từ ngày 01/01/2018 | Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 2018 |
Kính gửi: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc
Trả lời công văn số 2126/SLĐTBXH-LĐTLBHXH ngày 05/12/2017 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc về việc tiền lương đóng BHXH bắt buộc của nhân viên từ ngày 01/01/2018, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội thì từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì: Phụ cấp lương theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
Các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương; Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Căn cứ quy định nêu trên, phụ cấp ca và phụ cấp chuyên cần mà công ty Honda Việt Nam đề cập tại công văn số 1243/2017/HDVN/D ngày 29/11/2017 gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc không xác định được trước nên không phải là khoản bổ sung khác phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Riêng trợ cấp xa nhà sẽ được chi trả hằng tháng và xác định trước cho nhân viên luân chuyển, do đó, để xác định xem khoản trợ cấp này có phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không thì quý Sở phải xác định rõ nguồn tiền chi trả cho khoản phúc lợi này.
Trên đây là ý kiến của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để quý Sở biết và hướng dẫn đơn vị thực hiện./.
Nơi nhận: – Như trên; – Bộ trưởng (để báo cáo); – Thứ trưởng Lê Quân (để báo cáo); – Lưu: VT, BHXH. | TL. BỘ TRƯỞNG Phạm Trường Giang |
Trên đây là toàn văn Công văn 3016 về phụ cấp ca, chuyên cần và phụ cấp xa nhà của Bộ lao động thương binh và xã hội LawKey gửi đến bạn đọc.
Nghị định số 122/2015/NĐ-CP Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động
CHÍNH PHỦ Số: 122/2015/NĐ-CP CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hà Nội, ngày 14 tháng [...]
- Nghị định 88/2015/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
- Thông tư số 26/2013/TT-BLĐTBXH Ban hành Danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ
- Nghị định 196/2013/NĐ-CP Quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm
Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ———- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – [...]
- Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 03/2014/NĐ-CP
- Thông tư 174/2015/TT-BTC hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Thông tư 01/2014/TT-BLĐTBXH Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 55/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành khoản 3 điều 54 của Bộ luật Lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động