Hủy bỏ hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015
Hủy bỏ hợp đồng là việc một bên vi phạm những gì đã thỏa thuận đã được nêu trong hợp đồng và đó được xem là căn cứ để chấm dứt việc thực hiện hợp đồng.
Căn cứ pháp lý: Bộ luật Dân sự 2015
1. Hủy bỏ hợp đồng
Hủy bỏ hợp đồng dân sự theo quy định pháp luật hiện hành được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 từ điều 423 đến điều 427.
Theo quy định pháp luật, một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:
- Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận
- Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng
- Trường hợp khác do luật quy định
Trong hợp đồng của các bên đã thỏa thuận, nếu có quy định về việc một bên vi phạm hợp đồng sẽ là điều kiện hủy bỏ hợp đồng, thì bên còn lại có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp này. Bên vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại.
Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.
Khi hủy bỏ hợp đồng, bên hủy bỏ phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Các trường hợp hủy bỏ hợp đồng
Hợp đồng dân sự có thể bị hủy bỏ một trong những trường hợp sau:
2.1. Hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ
Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về quyền và nghĩa vụ. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ mà bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn hợp lý nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện thì bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng.
Trong một số trường hợp, do tính chất của hợp đồng hoặc do ý chí của các bên, hợp đồng sẽ không đạt được mục đích nếu không được thực hiện trong thời hạn nhất định mà hết thời hạn đó bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng mà không phải cho bên có nghĩa vụ một khoảng thời gian hợp lý thực hiện.
2.2. Hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện
Điều 425 BLDS 2015 quy định về trường hợp hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện. Một bên không thể thực hiện được một phần hay toàn bộ nghĩa vụ của mình như đã giao kết trong hợp đồng. Và điều đó khiến cho bên còn lại không đạt được mục đích như mong muốn. Trường hợp đó thì bên còn lại có thể hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2.3. Hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng
Trường hợp một bên làm mất, làm hư hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng mà không thể hoàn trả, đền bù bằng tài sản khác hoặc không thể sửa chữa, thay thế bằng tài sản cùng loại thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng.
Bên vi phạm phải bồi thường bằng tiền ngang với giá trị của tài sản bị mất, bị hư hỏng, trừ trường hợp sau:
- Hai bên có thỏa thuận khác
- Bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng
- Bên có nghĩa vụ chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền
- Trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình
3. Hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng
Khi hợp đồng bị hủy bỏ, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường.
Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản. Việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật. Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả.
Trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ hoàn trả thì việc hoàn trả phải được thực hiện cùng một thời điểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Trường hợp việc hủy bỏ hợp đồng không có căn cứ theo quy định thì bên hủy bỏ hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan.
Xem thêm: Hợp đồng dân sự vô hiệu theo quy định pháp luật hiện hành
Những điều kiện để hợp đồng dân sự có hiệu lực pháp luật
Trên đây là những kiến thức mà LawKey muốn chia sẻ tới khách hàng. Quý khách hàng có thắc mắc hoặc muốn biết thêm chi tiết vui lòng liên hệ số điện thoại tổng đài để luật sư, chúng tôi giải đáp miễn phí.
Dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng là gì?
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh [...]
Ưu điểm và nhược điểm công ty đại chúng
Công ty đại chúng là những công ty thực hiện huy động vốn rộng rãi từ công chúng thông qua phát hành chứng khoán (cổ [...]