Quyết định số 44/2002/QĐ-TTg về việc sử dụng chứng từ điện tử làm chứng từ kế toán để hạch toán và thanh toán vốn của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/2002/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 44/2002/QĐ-TTG NGÀY 21 THÁNG 3 NĂM 2002 VỀ VIỆC SỬ DỤNG CHỨNG TỪ ĐIỆN TỬ LÀM CHỨNG TỪ KẾ TOÁN ĐỂ HẠCH TOÁN VÀ THANH TOÁN VỐN CỦA CÁC TỔ CHỨC CUNG ỨNG DỊCH VỤ THANH TOÁN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997 và Luật các Tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997;
Căn cứ Pháp lệnh Kế toán và Thống kê ngày 10 tháng 5 năm 1988;
Căn cứ Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động thanh toán qua các Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Các Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (bao gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngân hàng, các tổ chức khác được làm dịch vụ thanh toán) được sử dụng chứng từ điện tử làm chứng từ kế toán để hạch toán và thanh toán vốn.
Điều 2. Chứng từ điện tử là chứng từ kế toán mà các yếu tố của nó được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử đã được mã hoá mà không có sự thay đổi trong quá trình truyền qua mạng máy tính hoặc trên vật mang tin như băng từ, đĩa từ, các loại thẻ thanh toán.
Chứng từ điện tử phải có đủ các yếu tố quy định cho chứng từ kế toán, đảm bảo tính pháp lý của chứng từ kế toán và phải được mã hoá bảo đảm an toàn trong quá trình xử lý truyền tin và lưu trữ; riêng yếu tố chữ ký phải được mã hoá bằng khoá mật mã – được gọi là chữ ký điện tử. Chữ ký điện tử được xác lập riêng cho từng cá nhân để xác định quyền hạn và trách nhiệm của người lập và những người liên quan chịu trách nhiệm về tính an toàn và chính xác của chứng từ điện tử. Chữ ký điện tử trên chứng từ điện tử có giá trị như chữ ký tay trên chứng từ giấy.
Điều 3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm quy định về: tiêu chuẩn, quy cách mẫu biểu, chỉ tiêu phản ánh, cấu trúc dữ liệu của chứng từ điện tử; về việc lập, cấp phát, quản lý các mật mã trong thanh toán điện tử giữa các Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (bao gồm cả chữ ký điện tử).
Điều 4. Các Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán sử dụng chứng từ điện tử có trách nhiệm :
– Thực hiện lập, xử lý, sử dụng, bảo quản lưu trữ chứng từ điện tử theo đúng quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các quy định liên quan của nhà nước.
– Bảo mật và bảo toàn dữ liệu thông tin về chứng từ điện tử trong quá trình sử dụng và lưu trữ.
– Trang bị phương tiện kỹ thuật (bao gồm cả hệ thống dự phòng) để khai thác, xử lý, sử dụng chứng từ điện tử.
– Phải quản lý, kiểm tra chặt chẽ để ngăn ngừa và chống các hình thức lợi dụng khai thác, xâm nhập, sao chép, đánh cắp hoặc sử dụng chứng từ điện tử vào các việc trái với quy định về bảo mật, cung cấp thông tin số liệu của các Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Điều 5. Các Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, chứng từ điện tử và hướng dẫn việc sử dụng các thiết bị để phục vụ cho công tác, điều tra, đọc chứng từ khi có yêu cầu thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 6. Các chứng từ điện tử đã sử dụng để hạch toán kế toán và thanh toán phải in được ra giấy dưới dạng chứng từ hoặc bảng kê chứng từ khi cần thiết. Trên từng chứng từ hoặc bảng kê chứng từ sau khi in ra giấy phải được kế toán trưởng và Tổng giám đốc, Giám đốc các Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (hoặc người được ủy quyền) kiểm soát, ký xác nhận và đóng dấu theo quy định.
Điều 7. Cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của Quyết định này và các quy định pháp luật về chứng từ điện tử thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây ra thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 196/TTg ngày 01 tháng 4 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng các dữ liệu thông tin trên vật mang tin để làm chứng từ kế toán và thanh toán của các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng.
Điều 9. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Phan Văn Khải (Đã ký) |
Thông tư 146/2011/TT-BTC hướng dẫn sửa đổi chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã kèm theo Quyết định 94/2005/QĐ-BTC Bộ Tài chính ban hành
BỘ TÀI CHÍNH ——– CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc —————- [...]
Quyết định 98/2000/QĐ-BTC T về Tiêu chuẩn nghiệp vụ cụ thể ngạch công chức kế toán
BỘ TÀI CHÍNH ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ******** Số: 98/2000/QĐ-BTC [...]
- Thông tư 12/2015/TT-BTC quy định chi tiết thủ tục cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan; cấp và thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan; trình tự, thủ tục công nhận và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan
- Thông tư 155/2016/TT-BTC Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 05 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP
- Luật quản lý thuế 2006