Bán khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính là gì?
Bán khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính là thỏa thuận việc bên bán khoản phải thu chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản phải thu cho bên mua khoản phải thu và nhận tiền thanh toán từ bên mua khoản phải thu.
Khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính là số tiền mà bên thuê tài chính còn phải trả cho bên cho thuê tài chính theo hợp đồng cho thuê tài chính.
Căn cứ pháp lý:
– Luật tổ chức tín dụng năm 2010
– Luật tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung năm 2017
– Thông tư 20/2017/TT-NHNN
1.Nguyên tắc bán khoản phải thu
– Trong giao dịch bán khoản phải thu, bên bán chỉ được chuyển giao quyền đòi nợ tại hợp đồng cho thuê tài chính cho bên mua.
-Trường hợp bên mua là công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính được thực hiện hoạt động cho thuê tài chính theo Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp, bên bán được chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho thuê tài chính, quyền đòi nợ và các quyền, nghĩa vụ khác tại hợp đồng cho thuê tài chính cho bên mua.
– Trường hợp hợp đồng cho thuê tài chính có thỏa thuận về biện pháp bảo đảm thì việc chuyển giao quyền đòi nợ bao gồm cả biện pháp bảo đảm đó.
– Bên bán không mua lại các khoản phải thu đã bán.
– Bên bán không được bán khoản phải thu trong các trường hợp sau đây:
a) Bên mua là công ty con của mình;
b) Bên bán và bên thuê tài chính có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được bán khoản phải thu;
c) Khoản phải thu được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm bán khoản phải thu, trừ trường hợp bên nhận bảo đảm đồng ý bằng văn bản về việc bán khoản phải thu.
– Trường hợp bán một phần khoản phải thu hoặc bán một khoản phải thu cho nhiều bên mua, thì bên bán và các bên mua thỏa thuận với nhau về tỷ lệ tham gia, phương thức thực hiện, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên và các nội dung cụ thể khác tại hợp đồng bán khoản phải thu, phù hợp với quy định của pháp luật.
– Bên mua là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Được thực hiện hoạt động mua nợ theo Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% liên tục trong tất cả các quý của năm liền kề và các quý của năm hiện hành trước thời điểm thực hiện mua khoản phải thu, trừ trường hợp mua khoản phải thu theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt;
c) Tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong tất cả các quý của năm liền kề và các quý của năm hiện hành trước thời điểm thực hiện mua khoản phải thu;
d) Ban hành quy định nội bộ về hoạt động mua khoản phải thu trước khi thực hiện mua khoản phải thu (trong đó phải có các quy định về phân cấp thẩm quyền theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định mua khoản phải thu; phương thức mua khoản phải thu; quy trình mua khoản phải thu; quy trình định giá khoản phải thu; quản trị rủi ro đối với hoạt động mua khoản phải thu);
đ) Phải hạch toán theo dõi riêng theo giá mua thực tế của khoản phải thu được mua, bảo đảm phân định được các khoản phải thu được mua với các khoản nợ hình thành từ hoạt động cấp tín dụng của chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
– Trường hợp bán khoản phải thu có quyền truy đòi, bên bán tiếp tục tính dư nợ cho thuê tài chính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với bên thuê tài chính.
– Công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính phải ban hành quy định nội bộ về hoạt động bán khoản phải thu (trong đó phải có các quy định về phân cấp thẩm quyền theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định bán khoản phải thu; phương thức bán khoản phải thu; quy trình bán khoản phải thu; quy trình định giá khoản phải thu; quy trình bán đấu giá khoản phải thu trong trường hợp tự đấu giá khoản phải thu) trước khi thực hiện bán khoản phải thu.
2. Hợp đồng bán khoản phải thu
– Hợp đồng bán khoản phải thu phải được lập thành văn bản.
– Hợp đồng bán khoản phải thu phải bao gồm những nội dung tối thiểu sau đây:
a) Tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp của bên bán; tên, địa chỉ, số giấy chứng minh nhân dân hoặc số thẻ căn cước hoặc số hộ chiếu còn hiệu lực hoặc mã số doanh nghiệp của bên mua;
b) Khoản phải thu, thời hạn còn lại của hợp đồng cho thuê tài chính, tài sản cho thuê tài chính liên quan tới khoản phải thu được bán và tên, địa chỉ của bên thuê tài chính;
c) Giá bán khoản phải thu;
d) Chi phí liên quan đến việc thực hiện bán khoản phải thu;
đ) Đồng tiền bán khoản phải thu; phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán;
e) Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng bán khoản phải thu (nếu có);
g) Quy định về chuyển giao quyền đòi nợ, quyền sở hữu tài sản cho thuê tài chính và các quyền, nghĩa vụ khác;
h) Quy định về việc bên mua trực tiếp thu tiền thuê; hoặc bên bán thu tiền thuê để trả cho bên mua hoặc thành viên đầu mối thanh toán thu tiền thuê để trả cho bên mua (trong trường hợp bán khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính hợp vốn có thành viên đầu mối thanh toán);
i) Quy định về việc truy đòi khoản phải thu (nếu có);
k) Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại;
l) Trách nhiệm gửi thông báo cho bên thuê tài chính (nếu có);
m) Quyền và nghĩa vụ của bên bán và bên mua;
n) Quy định về việc xử lý trong trường hợp hợp đồng cho thuê tài chính chấm dứt trước hạn;
o) Giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng bán khoản phải thu;
p) Hiệu lực của hợp đồng bán khoản phải thu.
– Ngoài các nội dung trên, bên bán và bên mua có thể thoả thuận các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.
>>>Xem thêm Hoạt động của công ty tài chính hiện nay
Thủ tục buộc người hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù
Trong trường hợp người được hưởng án treo vi phạm 2 lần trở lên thì bị buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản [...]
Không nhường đường cho xe ưu tiên bị xử phạt như thế nào ?
Xe nào được quyền ưu tiên ? Lỗi không nhường đường cho xe ưu tiên bị xử phạt như thế nào ? Hãy cùng LawKey tìm hiểu [...]