Bảo hiểm về trách nhiệm dân sự là gì? Pháp luật về hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được xem là một công cụ pháp lý để doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng sử dụng nhằm thu lợi nhuận (đối với doanh nghiệp bảo hiểm) hoặc phòng ngừa rủi ro (đối với khách hàng) khi xảy ra tổn thất. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Lawkey tìm hiểu về vấn đề Bảo hiểm về trách nhiệm dân sự là gì? Pháp luật về hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự là gì?
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự là loại hình nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, do doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện đối với khách hàng để thu lợi nhuận trên cơ sở ký kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo các quy định của pháp luật về hợp đồng bảo hiểm.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự có bản chất là nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ
Đối tượng được bảo hiểm chủ yếu liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất của bên mua bảo hiểm với người thứ ba chứ không liên quan đến yêu tố con người như trong loại hình bảo hiểm nhân thọ.
Do có bản chất là bảo hiểm phi nhân thọ nên nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm trách nhiệm dân sự không bị chi phối bởi các nguyên tắc như quy định bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ thông báo chính xác tuổi của người được bảo hiểm; quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được yêu cầu người thứ ba gây thiệt hại bồi hoàn lại cho mình sau khi đã trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm.
Đối tượng của bảo hiểm trách nhiệm dân sự là trách nhiệm dân sự của bên mua bảo hiểm đối với người thứ ba
Trách nhiệm dân sự có thể được bảo hiểm là trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên mua bảo hiểm đối với người thứ ba và trách nhiệm này phải phát sinh trong thời hạn bảo hiểm đã cam kết. Do đó, nếu trách nhiệm dân sự phát sinh ngoài thời hạn bảo hiểm đã cam kết thì bên bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường.
Phương thức bồi thường bảo hiểm và giới hạn trách nhiệm bảo hiểm
Về nguyên tắc, số tiền bồi thường trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự có thể được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả trực tiếp cho bên thứ ba (bên bị thiệt hại) hoặc trả cho bên mua bảo hiểm để chủ thể này chi trả lại cho bên thứ ba thiệt hại.
Về giới hạn trách nhiệm bảo hiểm, theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp bảo hiểm có những trách nhiệm sau:
– Trả cho người mua bảo hiểm những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật người được bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho người thứ ba
– Trả các chi phí liên quan đến việc giải quyết tranh chấp về trách nhiệm đối với người thứ ba và lãi phải trả cho người thứ ba do ngời được bảo hiểm chậm trả tiền bồi thường.
Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là gì?
Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bên mua bảo hiểm (chủ xe cơ giới) với bên bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm), theo đó các bên cam kết bảo hiểm cho đối tượng là trách nhiệm dân sự của bên mua bảo hiểm đối với người thứ ba phát sinh tring thời hạn bảo hiểm, với điều kiện bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, còn doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm hoặc người thứ ba khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Điều kiện chủ thể tham gia ký kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
Pháp luật không quy định cụ thể về điều kiện này nhưng dựa vào Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 thì chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự.
Điều kiện chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là bên doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm:
– Pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam
– Có giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính cấp, trong đó có nội dung hoạt động kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ
– Có người đại diện hợp pháp đủ năng lực hành vi và năng lực pháp luật (thẩm quyền đại diện) để ký kết hợp đồng bảo hiểm với bên mua bảo hiểm
Trình tự thủ tục ký kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
Bước 1: Đề nghị giao kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
Điều 386 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này.
Ngoài ra, điều 389 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng dự liệu khả năng hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng có thể hủy bỏ nếu đã nêu rõ quyền này trong đề nghị và được bên đề nghị chấp nhận
Bước 2: Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó.
Nội dung giao kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
Theo Điều 13 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, nội dung của hợp đồng bao gồm các điều khoản sau:
- Tên, địa chỉ doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng
- Đối tượng bảo hiểm chính là trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba.
- Số tiền bảo hiểm do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá trách nhiệm bảo hiểm quy định tại thông tư số 22/2016/TT-BTC.
- Phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm
- Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm
- Thời hạn bảo hiểm
- Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm
- Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường
- Các quy định giải quyết tranh chấp
- Ngày tháng năm giao kết hợp đồng
>>xem thêm: Giá và phương thức thanh toán trong hợp đồng mua bán
Trên đây là bài viết về Bảo hiểm về trách nhiệm dân sự là gì? Pháp luật về hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới Lawkey gửi tới bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.
Chủ thể của sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật dân sự
Sở hữu toàn dân là một hình thức sở hữu được quy định tại Bộ luật dân sự 2015. Vậy chủ thể của sở hữu toàn [...]
Quy trình tiếp nhận người chấp hành án phạt tù hiện nay
Điều kiện tiếp nhận người chấp hành án phạt tù hiện nay? Trách nhiệm của người, cơ quan tiếp nhận? Quy trình tiếp [...]