Bảo lãnh là gì? theo quy định của pháp luật dân sự hiện nay
Bảo lãnh là gì? Chủ thể của quan hệ bảo lãnh gồm những ai? Pháp luật dân sự hiện nay quy định như thế nào về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ này?
Bảo lãnh là gì?
Điều 335 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định về bảo lãnh như sau:
– Bảo lãnh là việc người thứ ba ( bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền ( bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ ( bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
– Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Chủ thể của bảo lãnh
Khác với cầm cố và thế chấp, trong bảo lãnh có xuất hiện thêm một chủ thể thứ ba ngoài bên có quyền và bên có nghĩa vụ, đó là bên bảo lãnh. Nếu tính chất bảo đảm trong cầm cố và thế chấp được gắn liền với tài sản bảo đảm thì trong quan hệ thế chấp tính chất bảo đảm được thể hiện thông qua sự cam kết thực hiện nghĩa vụ thay của người thứ ba đối với bên có quyền. Do vậy, biện pháp bảo lãnh làm xuất hiện các mối quan hệ sau đây:
– Về các mối quan hệ: Quan hệ giữa A với B là quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp bảo lãnh (hình thành từ sự thỏa thuận giữa A và B hoặc theo quy định của pháp luật), quan hệ giữa A với C là quan hệ bảo lãnh (hình thành từ sự thỏa thuận giữa A và C), quan hệ giữa C với B chỉ phát sinh khi C đã thay B thực hiện nghĩa vụ của B trước A ( nghĩa vụ hoàn lại)
– Về chủ thể: chủ thể của quan hệ bảo lãnh là A và C, trong đó A là bên nhận bảo lãnh, C là bên bảo lãnh; chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ là A và B, trong đó A là bên có quyền, B là bên có nghĩa vụ; chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ hoàn lại là C và trong đó C là bên có quyền, B là bên có nghĩa vụ.
– Về sự liên hệ giữa các quan hệ: quan hệ giữa A với B là quan hệ có nghĩa vụ được bảo đảm thực hiện bằng bảo lãnh ( B đồng thời được gọi là bên được bảo lãnh); quan hệ giữa A với C là quan hệ bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của B; quan hệ giữa C với B là quan hệ mà trong đó B phải hoàn trả cho C các lợi ích mà C đã thay B thực hiện cho A.
Như vậy, khi một biện pháp bảo lãnh được đặt ra thì ngoài các bên chủ thể trong quan hệ bảo lãnh là bên bảo lãnh (C) và bên nhận bảo lãnh (A), còn có một chủ thể liên quan là bên được bảo lãnh (B).
Bên được bảo lãnh luôn là bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm thực hiện bằng biện pháp bảo lãnh đó. Họ có thể biết hoặc không biết về việc xác lập quan hệ bảo lãnh để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ của mình nhưng đều phải hoàn trả cho bên bảo lãnh các lợi ích mà bên đó đã thay mình thực hiện.
Đối tượng và phạm vi bảo lãnh
Đối tượng của bảo lãnh
Đối tượng của bảo lãnh là các cam kết của người bảo lãnh với người nhận bảo lãnh. Tuy nhiên để thực hiện được cam kết đó thì người bảo lãnh phải có tài sản hoặc công việc phù hợp để đáp lại lợi ích của bên nhận bảo lãnh trong trường hợp người được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ.
Lợi ích mà các bên chủ thể trong một quan hệ nghĩa vụ hướng tới là lợi ích vật chất. Vì vậy người bảo lãnh phải bằng một tài sản hoặc bằng việc thực hiện một công việc thay cho người được bảo lãnh mới đảm bảo được quyền lợi cho người nhận bảo lãnh. Người bảo lãnh phải là người có khả năng thực hiện công việc đó.
Người bảo lãnh phải lấy tài sản thuộc sở hữu của mình giao cho người nhận bảo lãnh xử lí.
Phạm vi bảo lãnh
Nghĩa vụ có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi, tiền phạt và bồi thường thiệt hại.
Nghĩa vụ được bảo đảm có thể là nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện.
Trường hợp bảo đảm nghĩa vụ trong tương lai thì nghĩa vụ được hình thành trong thời hạn bảo đảm là nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Khoản 1 Điều 335 BLDS quy định bên bảo lãnh “sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
Theo đó, thời điểm mà bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ được xác định theo hai trường hợp sau:
– Khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh đến thời hạn thực hiện. Xác định việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh bắt đầu từ thời điểm này trong trường hợp các bên trong quan hệ bảo lãnh không có thỏa thuận khác về thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Như vậy, trong trường hợp này, bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ kể từ thời điểm bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đến hạn.
– Khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình. Thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được xác định từ thời điểm có đủ căn cứ để xác định về việc bên được bảo lãnh không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ.
Nội dung của bảo lãnh
Bên bảo lãnh phải dùng tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc tự mình thực hiện một công việc để chịu trách nhiệm thay cho người được bảo lãnh nếu người này không thực hiện nghĩa vụ hoặc gây ra thiệt hại cho bên nhận bảo lãnh. Khi bên bảo lãnh thực hiện xong những cam kết trước bên nhận bảo lãnh thì quan hệ nghĩa vụ chính cũng như việc bảo lãnh được coi là chấm dứt.
Bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp sau đây:
– Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt.
– Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
– Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
– Theo thỏa thuận của các bên.
Khi đó, bên bảo lãnh có quyền yêu cầu người được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi đã bảo lãnh; bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu có thỏa thuận giữa họ với người được bảo lãnh hoặc pháp luật có quy định.
Nhiều người cùng bảo lãnh
Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.
Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.
Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.
Quyền yêu cầu của bên bảo lãnh
Khi bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trên đây là nội dung Bảo lãnh là gì? theo quy định của pháp luật dân sự hiện nay Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Cầm cố tài sản là gì? theo quy định của pháp luật dân sự hiện nay
Thế chấp tài sản là gì? theo quy định của pháp luật dân sự hiện nay
Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn của tổ chức tín dụng
Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn dùng để được dùng để cho vay trung và dài hạn của tổ chức tín dụng nhằm [...]
Cấp đổi và cấp lại biển hiệu ô tô vận tải khách du lịch
Trường hợp nào phải cấp đổi và cấp lại biển hiệu ô tô vận tải khách du lịch? Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện [...]