Làm thế nào để bảo vệ quyền khi bị xâm phạm nhãn hiệu?
Hành vi nào được coi là xâm phạm nhãn hiệu? Khi có hành vi xâm phạm nhãn hiệu thì phải bảo vệ thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, tôi muốn xin tư vấn về vấn đề sau: Công ty ABC là chủ sở hữu nhãn hiệu ABC đăng kí cho sản phẩm bánh kẹo, bánh trung thu. Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu đang còn hiệu lực tại Việt Nam. Tháng 7/2019 Công ty phát hiện cơ sở X tại Châu Quỳ, Hà Nội sản xuất và kinh doanh bánh trung thu gắn dấu hiệu ABC mà không được sự đồng ý của công ty ABC. Xin hỏi trong trường hợp này, cơ sở X có vi phạm pháp luật không? Nếu hành vi của cơ sở X là vi phạm pháp luật, tôi có thể áp dụng biện pháp nào để bảo vệ quyền lợi của công ty?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
1. Hành vi của cơ sở X có vi phạm pháp luật không?
Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, anh/chị là chủ sở hữu nhãn hiệu ABC đã đăng kí cho sản phẩm bánh kẹo, bánh trung thu. Theo đó, anh/chị hoàn toàn có các quyền của chủ sở hữu đối với nhãn hiệu ABC. Việc cơ sở X sản xuất và kinh doanh bánh trung thu gắn dấu hiệu ABC mà không được sự đồng ý của công ty ABC là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, cơ sở X đã sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó là nhãn hiệu ABC đăng ký cho sản phẩm bánh kẹo, bánh trung thu. Cụ thể các căn cứ xem xét hành vi xâm phạm như sau:
– Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp này, đối tượng bị xem xét là dấu hiệu ABC gắn trên bánh trung thu của cơ sở X. Đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là nhãn hiệu ABC của anh/chị đã đăng kí cho sản phẩm bánh kẹo, bánh trung thu.
– Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét
– Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép. Người thực hiện hành vi bị xem xét là cơ sở X và việc thực hiện hành vi gắn dấu hiệu ABC lên bánh trung thu không được sự đồng ý của công ty ABC.
– Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Cụ thể, cơ sở X đã sản xuất và kinh doanh tại Châu Quỳ, Hà Nội.
Như vậy, hành vi sản xuất và kinh doanh bánh trung thu gắn dấu hiệu ABC mà không được sự đồng ý của công ty ABC của công ty X là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của công ty ABC.
Xem thêm: Quy định về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
2. Áp dụng biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thế nào?
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là việc nhà nước và chủ sở hữu quyền sử dụng các biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu đối với các đối tượng thuộc sở hữu của mình. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là việc ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra trên thực tế và là việc xử lý khi có hành vi xâm phạm.
Pháp luật sở hữu trí tuệ quy định các biện pháp bảo vệ quyền của chủ sở hữu như: Biện pháp tự bảo vệ; Biện pháp dân sự; Biện pháp hình sự; Biện pháp hành chính và Biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Tùy từng trường hợp mà chủ sở hữu sẽ áp dụng các biện pháp khác nhau, dưới đây là một số ý kiến tư vấn lawkey gửi đến anh/chị, việc áp dụng các biện pháp theo thứ tự dưới đây nhằm đảm bảo tuyệt đối quyền của anh/chị trong trường hợp này.
Đầu tiên, áp dụng biện pháp xử lí hành chính
Trong đó, hành vi xâm phạm thuộc vào trường hợp:
– Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này. Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý và hàng hoá sao chép lậu
+ Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.
Cơ sở X thực hiện hành vi xâm phạm nêu trên đã gây tổn hại nghiệm trọng cho công ty ABC do người tiêu dùng không phân biệt được hàng hóa nên đã nhầm lẫn khi mua.
Theo đó, cơ sở X bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, cơ sở X còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau:
– Tịch thu bánh trung thu gắn dấu hiệu ABC, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh bánh trung thu đó;
– Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.
Tiếp theo, áp dụng biện pháp dân sự
Biện pháp này được áp dụng để xử lí hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lí bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự.
Theo đó, anh/chị có thể yêu cầu cơ sở X bồi thường thiệt hại, bồi thường về vật chất trong cả tương lai do giảm lợi nhuận.
Cuối cùng, áp dụng biện pháp tự bảo vệ
Anh/chị có quyền yêu cầu cơ sở X phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại và yêu cầu các cửa hàng cam kết không mua bán sản phẩm của cơ sở X. Việc yêu cầu thực hiện bằng cách thông báo bằng văn bản cho cơ sở X. Trong văn bản thông báo phải có các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm.
Trên đây là một số tư vấn LawKey giải đáp cho tình huống anh/chị thắc mắc. Để tránh các rủi ro pháp lý vui lòng liên hệ với Lawkey.
Xem thêm: Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật
Thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Pháp luật quy định một số cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền [...]
Thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả theo quy định hiện nay
Quyền tác giả là một trong những chế định quan trọng của Luật sở hưc trí tuệ. Và dưới đây là thủ tục đăng ký bảo [...]