Bị tạm giữ bằng lái xe thì có được tham gia giao thông nữa không?
Trong một số trường hợp cảnh sát giao thông sẽ tạm giữ bằng lái xe của người điều khiển phương tiện vi phạm. Vậy bị tạm giữ bằng lái xe thì có được tham gia giao thông nữa không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Trường hợp tạm giữ bằng lái xe
Theo khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định trường hợp tạm giữ bằng lái xe như sau:
- Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
- Để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt.
Đồng thời, khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:
- Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;
- Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
- Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Như vậy, CSGT có quyền tạm giữ Giấy phép lái xe (hay còn gọi là bằng lái xe) của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi thuộc một trong các trường hợp nêu trên.
Bị tạm giữ bằng lái xe thì có được tham gia giao thông nữa không?
Theo khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định:
Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.
Như vậy, có thể hiểu, trong thời hạn bị tạm giữ Giấy phép lái xe ghi tại biên bản, người vi phạm vẫn được coi là có Giấy phép lái xe và được điều khiển phương tiện tham gia giao thông như bình thường.
Nếu sau thời hạn này chưa nộp phạt và vẫn điều khiển phương tiện thì sẽ bị xử phạt như không có Giấy phép lái xe.
Thời hạn tạm giữ bằng lái xe
Thời hạn tạm giữ bằng lái xe được quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi 2020) như sau:
(1) Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.
(2) Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc thuộc trường hợp cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan nhưng không quá 01 tháng, kể từ ngày tạm giữ.
(3) Đối với vụ việc thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ.
Trong đó, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm; hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt quy định tại điểm (3) nêu trên thì thời hạn tạm giữ kết thúc khi quyết định xử phạt được thi hành xong.
Người có thẩm quyền tạm giữ phải ra quyết định tạm giữ, kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Xử lý trường hợp người điều khiển phương tiện không xuất trình được bằng lái xe tại thời điểm kiểm tra
Đối với trường hợp tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ (Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) theo quy định, xử lý như sau:
Người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện về hành vi không có giấy tờ (tương ứng với những loại giấy tờ không xuất trình được), đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện về những hành vi vi phạm tương ứng quy định tại Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và tạm giữ phương tiện theo quy định;
Trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, nếu người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ đối với người điều khiển phương tiện (không xử phạt đối với chủ phương tiện);
Quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm mới xuất trình được hoặc không xuất trình được giấy tờ theo quy định thì phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với các hành vi vi phạm đã ghi trong biên bản vi phạm hành chính.
(Khoản 3 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
>>Xem thêm: Giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi thì có vi phạm pháp luật không
Trên đây là bài viết của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức giao dịch chứng khoán phái sinh
Để việc giao dịch chứng khoán được diễn ra ổn định, cần có một tổ chức giao dịch chứng khoán. Vậy quyền và nghĩa [...]
Thủ tục thi hành án phạt quản chế theo pháp luật mới nhất
Thủ tục thi hành án phạt quản chế theo pháp luật mới nhất được tiến hành như thế nào? Trường hợp người chấp hành [...]