Biện pháp chứng nhận lưu hành tự do
Biện pháp chứng nhận lưu hành tự do
Biện pháp chứng nhận lưu hành tự do là một trong những biện pháp hành chính được ghi nhận tại Mục 6 Chương II Luật quản lý ngoại thương năm 2017. Trong bài viết, chúng tôi sẽ đi sâu phân các các quy định của pháp luật liên quan đến Biện pháp chứng nhận lưu hành tự do này.
1. Giấy chứng nhận lưu hành tự do.
Thương nhân có quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu đối với các loại hàng hóa. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp nhất định, để thực hiện được hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu đòi hỏi lại phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do. Vậy giấy chứng nhận lưu hành tự do là gì?
Điều 36 Luật quản lý ngoại thương năm 2017 đã giải thích về giấy chứng nhận lưu hành tự do như sau: là văn bản chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu hàng hóa để chứng nhận hàng hóa đó được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu. Từ định nghĩa có thể hiểu rằng đây là biện pháp vì mục đích chứng minh các loại hàng hóa xuất khẩu là những hàng hóa được phép lưu hành, kinh doanh tự do tại nước xuất khẩu.
Theo quy định của pháp luật thì giấy chứng nhận lưu hành tự do bao gồm giấy chứng nhận mang tính đặc thù hoặc mang đầy đủ nội dung của giấy chứng nhận lưu hành tự do và các loại văn bản chứng nhận có nội dung tương tự.
Hiện nay, các quy định về giấy chứng nhận tại Điều 36 Luật quản lý ngoại thương năm 2017 đã được hướng dẫn chi tiết tại Điều 10, 11 Nghị Định 69/2018-NĐ-CP.
2. Áp dụng biện pháp chứng nhận lưu hành tự do.
Theo quy định của Luật quản lý ngoại thương năm 2017, có 02 trường hợp sẽ được cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do.
Một là, pháp luật quy định hàng hóa phải áp dụng giấy chứng nhận lưu hành tự do (khoản 1 Điều 37). Đây là trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do cho các loại hàng hóa bắt buộc phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do. Khi thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu đối với những loại hàng hóa thuộc trường hợp này bắt buộc phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Danh mục hàng hóa bắt buộc có phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do sẽ do Chính phủ ban hành.
Hai là, theo đề nghị của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đối với trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này (khoản 2 Điều 37). Đối với những loại hàng hóa không nằm trong danh mục hàng hóa phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do, cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn thực hiện việc cấp giấy phép lưu hàng tự do đối với hàng hóa này khi nhận được đề nghị của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu. Đây là một trường hợp nhằm tạo điều kiện để các thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu chủ động xin phép cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do để thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của họ, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu được diễn ra thuận lợi, bảo đảm quyền và lợi ích của các thương nhân.
3.Thẩm quyền áp dụng biện pháp chứng nhận lưu hành tự do.
Điều 38 Luật quản lý ngoại thương năm 2017 quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp chứng nhận lưu hành tự do như sau: “Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa phải áp dụng giấy chứng nhận lưu hành tự do; quy định thẩm quyền và trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do”.
Trên cơ sở quy định chung tại Điều 36 Luật quản lý ngoại thương năm 2017, Nghị Định 69/2018/NĐ-CP đã quy định chi tiết danh mục các loại hàng hóa phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do và chủ thể có thẩm quyền quyết định câp giấy phép lưu hành tự do tại Phụ lục V Nghị Định 69/2018/NĐ-CP
Trên đây là những quy định về Biện pháp chứng nhận lưu hành tự do trong luật Quản lý ngoại thương năm 2017 Lawkey gửi đến bạn đọc!
Hiệu lực pháp luật của di chúc theo quy định pháp luật
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Vậy hiệu lực pháp [...]
Khái niệm đại diện và phân loại đại diện theo Bộ luật dân sự 2015
Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao [...]