Biện pháp hòa giải trong giải quyết tranh chấp lao động
Biện pháp hòa giải trong giải quyết tranh chấp lao động
Hòa giải không chỉ tồn tại là một biện pháp được sử dụng rộng rãi, thể hiện tính nhân văn cao đẹp trong đời sống xã hội mà đã trở thành một trong những phương thức xử sự của pháp luật nói chung và của pháp luật lao động nói riêng. Hòa giải trong giải quyết tranh chấp lao động đã được Bộ luật lao động 2012 ghi nhận là một biện pháp được khuyến khích áp dụng và bắt buộc áp dụng cho một số tranh chấp nảy sinh trong quan hệ lao động.
1. Hòa giải trong giải quyết tranh chấp lao động và những nét đặc trưng
Hòa giải là quá trình các bên tranh chấp đưa tranh chấp lao động giữa họ ra trước một người thứ ba trung lập để giải quyết. Người này căn cứ vào tình tiết của vụ việc và tình hình giữa các bên để giúp đỡ các bên đạt được một thỏa thuận có thể chấp nhận được.
Quá trình hòa giải tranh chấp lao động có những đặc trưng sau:
– Có sự tham gia của người thứ ba trung lập vào quá trình hòa giải. Người hòa giải phải là người không có quyền lợi liên quan với một trong các bên hòa giải để đảm bảo tính công tâm, khách quan. Người hòa giải phải có hiểu biết về các vấn đề lao động – xã hội và pháp luật lao động, đồng thời phải có kĩ năng hòa giải để thực hiện tốt quyền, trách nhiệm của mình
– Trong quá trình hòa giải, người hòa giải có quyền điều khiển, kiểm soát các hoạt động của các bên trên cơ sở các quy tắc hòa giải, đồng thời sẽ đưa ra những chỉ dẫn và gợi ý về mặt nội dung để các bên lựa chọn và cùng quyết định
– Quá trình hòa giải tranh chấp lao động trong một số trường hợp là có tính chất bắt buộc. Theo quy định của pháp luật, có những loại tranh chấp lao động không nhất thiết phải qua hòa giải (được quy định trong khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động 2012), còn hầu hết các tranh chấp lao động đều phải qua bước này mới có thể tiếp tục hành trình tới đích, trừ khi cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền hòa giải tranh chấp lao động không thực hiện việc hòa giải tranh chấp lao động do một trong các bên đề nghị (được quy định trong khoản 4 Điều 201 Bộ luật lao động 2012) (chi tiết vấn đề có trong bài viết “thẩm quyền, trình tự hòa giải tranh chấp lao động cá nhân” của Lawkey)
– Trong quá trình hòa giải, các bên tranh chấp và người hòa giải phải tôn trọng những nguyên tắc nhất định, dựa theo những nguyên tắc chung khi giải quyết tranh chấp lao động, đó là:
+ Tôn trọng sự điều khiển của người hòa giải
+ Các bên phải tôn trọng lẫn nhau
+ Đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên tranh chấp trong quá trình hòa giải
+ Đảm bảo sự phù hợp với pháp luật và tôn trọng đạo đức xã hội
– Việc hòa giải không phụ thuộc vào các quy định của pháp luật, mà chủ yếu do chính các bên với sự trợ giúp của người hòa giải. Nếu người hòa giải chỉ dẫn chiếu quy định pháp luận để kết luận theo hướng thắng – thua thì đó không phải là nhiệm vụ của hòa giải, đồng thời nó làm cho ý kiến của các bên không được bày tỏ một cách cởi mở, vì vậy quá trình hòa giải sẽ có nguy cơ thất bại.
– Việc hòa giải luôn bảo đảm bảo mật và các bên không được dùng các kết quả hòa giải làm lợi thế hoặc tư liệu để sử dụng vào mục đích khởi kiện hay mục đích khác chống lại bên kia. Do đó, lời khuyên đối với những người tham gia quá trình hòa giải là không nên đi vào việc phân định thắng – thua mà phải sử dụng những thủ pháp mang tính xã hội nhằm đạt được mục tiêu trên cơ sở xây dựng mối quan hệ xã hội trong hòa giải với nhau dưới sự trợ giúp của người hòa giải.
2. Vai trò của hòa giải trong giải quyết tranh chấp lao động:
2.1. Hạ “nhiệt” bầu không khí căng thẳng
So với quá trình thương lượng, sự xuất hiện của người thứ ba trung lập là điểm nổi bật và vì vậy đã tạo nên sự khác biệt giữa hai quá trình đó. Người hòa giải xuất hiện với trách nhiệm đứng ra “sắp xếp” cho quá trình giải quyết tranh chấp lao động, tạo cho quá trình hòa giải có một bầu không khí hoàn toàn khác so với quá trình thương lượng. Sự mở rộng, cởi mở trong giao tiếp, sự tương tác qua lại giữa các bên với sự có mặt của người hòa giải hoặc có sự khởi phát của người hòa giải làm cho không khí của cuộc hòa giải bớt khép kín, bớt nặng nề. Các bên có sự thoải mái để bộc lộ những quan điểm của mình hơn là “giữ miếng” khi đối diện với nhau. Sự điều hòa của người hòa giải thực sự có một vai trò rất quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
2.2. Giáo dục kiến thức
Hòa giải là quá trình giải quyết tranh chấp lao động có thể giúp các bên tham gia hiểu biết thêm các vấn đề pháp luật, kinh tế, xã hội đi đến quyết định đúng đắn. Với sự giải thích, hướng dẫn của người hòa giải về các vấn đề liên quan, các bên có thể lĩnh hội thông tin hoặc thay đổi cách xử lí thông tin, cách tư duy và giải quyết vấn đề tranh chấp. Sự dẫn dắt và trợ giúp mọi mặt của người hòa giải là rất cần thiết trong trường hợp các bên ngồi với nhau trong trạng thái có xung đột.
2.3. Giảm áp lực của các bên về vấn đề cá nhân, lợi ích cục bộ
Khi tham gia quá trình hòa giải, giữa các bên tranh chấp đã tồn tại sự xung đột về quyền lợi. Bởi vì những lợi ích xung đột họ mới phải sử dụng đến quá trình hòa giải. Bình thường, những lợi ích xung đột không phải là lí do để các bên có thể ngồi lại với nhau. Tuy nhiên, bên cạnh sự tồn tại những lợi ích xung đột, giữa họ còn tồn tại những lợi ích chung, những cái mà cả hai bên đều quan tâm. Những lợi ích chung đó chính là cơ sở căn bản thúc đẩy và giúp họ có thể ngồi lại với nhau để giải quyết tranh chấp, giải quyết xung đột đó.
Nhưng dù muốn hay không thì trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên vẫn bị chi phối bởi lợi ích cục bộ, những lợi ích riêng. Vấn đề thắng – thua đặt ra cho các bên những dự định và kế hoạch mà theo đó họ phải giành thắng lợi trước đối phương. Vì vậy, quá trình hòa giải là môi trường mà người hòa giải có trách nhiệm tìm mọi biện pháp giảm thiểu áp lực do các bên tạo ra trong quá trình hòa giải tranh chấp lao động, dẫu có hòa giải thành hay không thì việc làm này cũng góp phần “chỉnh đốn” tư duy của các bên tranh chấp, để nếu có chuyển sang một biện pháp giải quyết tranh chấp khác thì vấn đề của hai bên khúc mắc cũng được hai bên cởi bỏ và chấp nhận một cách hiền hòa hơn.
2.4. Làm bước chuẩn bị để tiến tới bước giải quyết cuối cùng
Đôi khi hòa giải chỉ được coi là một thủ tục để các bên đi tiếp hành trình giải quyết các tranh chấp lao động. Việc tổ chức hòa giải khi đó không nhằm mục đích giải quyết dứt điểm tranh chấp lao động, bởi vì một trong các bên không tham gia quá trình hòa giải với mục tiêu về lợi ích mà để giải quyết thủ tục nhằm tiến tới sử dụng biện pháp khác như đưa vụ việc ra hồi đồng trọng tài hoặc sau khi có quyết định của hội đồng trọn tài mỗi bên sẽ đưa ra trước tòa án nhân dân. Về phương diện đó, các bên tranh chấp thường nhìn nhận hòa giải như là một quá trình thủ tục (trừ những tranh chấp không bắt buộc phải qua hòa giải, hầu hết những tranh chấp lao động phát sinh đều phải tiến hành hòa giải), có dạnh như là bước làm giảm nhịp độ của quyền khởi kiện tranh chấp lao động ra trước các cơ quan tài phán lao động.
Trên đây là nội dung về Biện pháp hòa giải trong giải quyết tranh chấp lao động Lawkey gửi tới bạn đọc
Quy định về các tranh chấp lao động không phải thông qua hòa giải
Những nội dung người lao động và người sử dụng cần biết khi giải quyết tranh chấp chấp lao động. Những trường hợp [...]
Có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi tham gia BHXH tự nguyện?
Đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm những đối tượng nào? Có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp [...]