Biện pháp thương lượng trong giải quyết tranh chấp lao động
Biện pháp thương lượng giải quyết tranh chấp lao động
Thương lượng là việc hai bên xảy ra mâu thuẫn, ngồi lại với nhau, trao đổi, bàn bạc đi tìm hướng giải quyết phù hợp nhất của vấn đề mâu thuẫn. Thương lượng không chỉ tồn tại là một vấn đề xã hội thuần túy mà đã trở thành một trong những phương thức xử sự của pháp luật nói chung và của pháp luật lao động nói riêng. Biện pháp thương lượng giải quyết tranh chấp lao động đã được ghi nhận là một biện pháp ưu tiên cho quá trình giải quyết các tranh chấp nảy sinh trong quan hệ lao động.
1. Thương lượng giải quyết tranh chấp lao động là biện pháp được sử dụng đầu tiên
Theo quy định tại khoản 5 Điều 194 Bộ luật lao động 2012, việc giải quyết tranh chấp lao động trước hết phải được hai bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội. Từ đó có thể thấy thương lượng là một biện pháp rất quan trọng – biện pháp đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Đây cũng là nguyên tắc mà pháp luật quy định khi tiến hành giải quyết tranh chấp lao động (chi tiết vấn đề này mời bạn đọc theo dõi bài viết “các biện pháp và nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động”).
Trong quá trình thương lượng, bằng tri thức, bằng những kĩ năng thương lượng và những kinh nghiệm sống, những người tham gia thương lượng sẽ thể hiện quan điểm, ý kiến của mình về cách giải quyết xung đột giữa họ và bên liên quan. Trong quá trình đó, các bên có quyền bình đẳng với nhau về mọi vấn đề. Không bên nào được áp đặt ý chí (ép buộc) bên đối diện phải tuân theo quan điểm, ý kiến của mình. Kết quả của quá trình thương lượng, một là sự đồng thuận của hai bên và khúc mắc được giải quyết, hai là vấn đề diễn biến không khả quan, không có tiếng nói chung, từ đó hai bên tranh chấp sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp khác để giải quyết tranh chấp.
2. Ưu điểm của thương lượng giải quyết tranh chấp lao động
2.1. Tạo ra khả năng hàn gắn, gìn giữ mối quan hệ lao động
Ngoại trừ tranh chấp về việc đòi quyền lợi khi bị sa thải (chấm dứt quan hệ lao động) thì phần lớn trong các tranh chấp lao động khác, các bên đều có mong muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ lao động đó, bởi việc cung – cầu lao động, tạo công ăn việc làm là vấn đề không đơn giản. Do đó, cho dù đặt mình vào một tranh chấp lao động thì người lao động luôn luôn mong muốn cải thiện tình trạng hơn là làm xấu đi tình trạng đó, và song song là ở phía người sử dụng lao động cũng gặp khó khăn đến hoạt động, tiến độ sản xuất kinh doanh,… cho nên đa phần sẽ ưu tiên gìn giữ mối quan hệ đó.
2.2. Tạo ra bầu không khí hòa bình trong giải quyết tranh chấp
Quá trình thương lượng diễn ra trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Một cuộc thương lượng thường bắt đầu bằng việc tôn trọng nhận lời đề nghị thương lượng của bên kia. Thương lượng là quá trình cùng thảo luận, bàn bạc, đàm phán, quyết định vấn đề tranh chấp nên các bên đều tìm cách kiềm chế những xung đột, tình cảm gây xung đột. Không khí hòa bình được tạo ra nhờ vào những mục tiêu chung và tinh thần, thái độ của mỗi bên trong hoàn cảnh cần thuyết phục lẫn nhau.
2.3. Có thể tránh được những xung đột tiếp theo
Việc các bên cùng có vấn đề quan tâm chung, vừa có tinh thần tương hỗ và sự cảm thông thì cho dù có chấm dứt tranh chấp lao động hay không, chắc chắn sẽ giải thiểu và ngăn ngừa được những xung đột mới.
2.4. Đảm bảo bí mật thông tin:
Các bên trong tranh chấp lao động khi tham gia thương lượng có quyền quyết định thành phần tham gia. Thông thường, vì lí do đảm bảo bí mật thông tin, giữ gìn thanh danh, uy tín,… của cá nhân hoặc của doanh nghiệp mà các cuộc thương lượng rất ít khi có sự tham gia của người thứ ba. Điều đó cũng chính là một trong những điều kiện để họ có thể tạo ra những cơ hội hàn gắn và phát triển quan hệ lao động, hoặc tạo điều kiện do việc duy trì uy tín cá nhân, uy tín của tổ chức, doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế thị trường.
2.5. Giảm bớt chi phí và phiền hà đối với luật pháp
Một khi thương lượng thành công, các bên có thể cùng nhau thực hiện các thỏa thuận đã đạt được. Khi đó, các bên không cần phải thực hiện các biện pháp mang tính pháp lý khác như giải quyết Hòa giải lao động, giải quyết theo Trọng tài lao động hay cả một hệ thống tòa án phức tạp với những thủ tục không phải ai cũng dễ dàng quen thuộc, thông thạo. Có nhiều phiền toái đến từ những lần triệu tập tốn kém thời gian, chi phí, các công việc cần thực hiện trong từng biện pháp cụ thể… Vì vậy, nếu giải quyết dứt điểm tranh chấp lao động bằng thương lượng, các bên có thể giảm thiểu được những khó khăn, ách tắc đó.
3. Nhược điểm của thương lượng giải quyết tranh chấp lao động
Nhược điểm của thương lượng giải quyết tranh chấp lao động nằm trong những đặc điểm của thương lượng, quyết định tới tính thực tế trong giải quyết tranh chấp lao động của biện pháp này:
3.1. Không có cấu trúc nào
Thương lượng không có chủ tọa, không có người điều khiển, không có chương trình nghị sự chung,… Các bên hoàn toàn là những chủ thể độc lập với nhau khi bước vào quá trình thương lượng. Việc đi đến thống nhất trong quan điểm hoàn toàn do ý chí hai bên mà không có một vị nào đứng ra phân xử, dẫn đến việc đạt kết quả khả quan chung thường là khó khăn.
3.2. Không có quy tắc, trình tự, thủ tục
Quá trình thương lượng giải quyết tranh chấp lao động thường không có quy tắc chung do pháp luật quy định. Các quy tắc sử dụng trong quá trình thương lượng do chính các bên tham gia thỏa thuận đặt ra.
Pháp luật cũng không có quy định về trình tự, thủ tục tiến hành thương lượng giải quyết tranh chấp lao động. Thương lượng như thế nào, thành phần gồm những ai, địa điểm ở đâu, hình thức thể hiện quá trình thương lượng là gì,… là sản phẩm chung, quyết định chung của tất cả các bên. Điều này dễ dẫn đến sự bất đồng trong ý kiến nếu như một bên quá nâng cao quan điểm.
3.3. Chưa có cơ chế bảo đảm thi hành
Về cơ bản, các bên tự giác thi hành các thỏa thuận đã đạt được trong quá trình thương lượng. Trong trường hợp một trong các bên không tự nguyện thi hành thì bên kia có quyền sử dụng các cơ chế khác để giải quyết tranh chấp lao động đó như: cơ chế hòa giải, trọng tài hoặc xét xử tại tòa án nhân dân chứ không thể yêu cầu cơ quan nhà nước ra lệnh cưỡng chế thi hành các thỏa thuận từ thương lượng.
Trên đây là nội dung về Biện pháp thương lượng giải quyết tranh chấp lao động Lawkey gửi tới bạn đọc.
Một số quy định của pháp luật về hoạt động cho thuê lại lao động
Cho thuê lại lao động là gì? Côgn việc nào được cho thuê lại lao động? Dưới đây sẽ là một số quy định của pháp [...]
Khấu trừ tiền lương của người lao động
Khấu trừ tiền lương của người lao động Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động [...]