Chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ theo quy định của pháp luật
Chính phủ ban hành Nghị định 34/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. Vậy vị trí, chức năng, vai trò của Bộ Nội vụ được quy định thế nào trong các lĩnh vực đời sống?
Vị trí và chức năng của Bộ Nội vụ
Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ, quyền hạn
Bộ Nội vụ có một số nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
Về chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện việc chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử, các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia và của các cơ quan trung ương, định kỳ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo tiến độ thực hiện công tác bầu cử.
Bên cạnh đó, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp về phương thức tổ chức và hoạt động, việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định về số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; hướng dẫn tổ chức, hoạt động của thôn, tổ dân phố.
Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy định về tiêu chí, điều kiện, quy trình thủ tục công nhận xã đảo, xã an toàn khu, vùng an toàn khu; thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận xã đảo, xã an toàn khu, vùng an toàn khu; thống kê số lượng, chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; thành viên Ủy ban nhân dân các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; số lượng và kết quả phân loại đơn vị hành chính các cấp.
Về quản lý biên chế, tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi biên chế công chức dự phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm.
Quyết định giao biên chế công chức đối với từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quyết định giao biên chế công chức làm việc ở nước ngoài đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quyết định giao biên chế đối với các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quyết định điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức đối với từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định; quyết định tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập.
Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quản lý, sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổng hợp, thống kê biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trong phạm vi cả nước, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền.
Cơ cấu tổ chức Bộ Nội vụ
Bộ Nội vụ gồm 22 vụ nhỏ hơn bao gồm:
1- Vụ Tổ chức – Biên chế; 2- Vụ Chính quyền địa phương; 3- Vụ Công chức – Viên chức; 4- Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; 5- Vụ Tiền lương; 6- Vụ Tổ chức phi chính phủ; 7- Vụ Cải cách hành chính; 8- Vụ Hợp tác quốc tế; 9- Vụ Pháp chế; 10- Vụ Kế hoạch – Tài chính; 11- Vụ Tổng hợp; 12- Vụ Công tác thanh niên; 13- Vụ Tổ chức cán bộ; 14- Thanh tra Bộ; 15- Văn phòng Bộ; 16- Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; 17- Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương; 18- Ban Tôn giáo Chính phủ; 19- Học viện Hành chính Quốc gia; 20- Viện Khoa học tổ chức nhà nước; 21- Tạp chí Tổ chức nhà nước; 22- Trung tâm Thông tin.
Các đơn vị quy định từ (1) đến (18) là các đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các đơn vị quy định từ ̣̣(19) đến (22) là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Học viện Hành chính Quốc gia và quyết định ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp khác hiện có thuộc bộ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc bộ, trừ các đơn vị quy định tại (17), (18) và (19) Điều này; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của vụ, văn phòng, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.
Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước được tổ chức 05 phòng, văn phòng; Thanh tra Bộ được tổ chức 03 phòng; Văn phòng Bộ được tổ chức 08 phòng.
Trên đây là bài viết về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ theo quy định của pháp luật Lawkey gửi tới bạn đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết.
Luật Tổ chức Chính phủ 2001
QUỐC HỘI Số: 32/2001/QH10 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hà Nội, ngày 25 tháng [...]
Thông tư 10/2019/TT-BNV về việc xếp lương đối với các ngạch công chức văn thư
Ngày 02/08/2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 10/2019/TT-BNV hướng dẫn việc xếp lương đối với các ngạch công [...]